Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 1601/QLLĐNN-TTLĐ
V/v Thủ tục đổi giấy phép cho các Doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2007

 

Kính gửi: Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Điều 77 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 đã quy định: “Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng Giấy phép đó trong thời hạn một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, bổ sung các Điều kiện phù hợp với quy định của Luật này và gửi hồ sơ đổi giấy phép đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”

Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp đang hoạt động xuất khẩu lao động căn cứ trên nhu cầu thực tế và các Điều kiện của doanh nghiệp mình tiến hành thủ tục đổi giấy phép hoạt động trong năm 2007. Hết thời Điểm này, nếu doanh nghiệp vẫn chưa nộp hồ sơ đổi giấy phép sẽ được hiểu là doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước và thực hiện các quy định tại Khoản 4 Điều 78 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hồ sơ đổi giấy phép gồm:

1) Văn bản đề nghị đổi Giấy phép (theo Phụ lục số 04, Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007);

2) Giấy phép (bản chính) đã được cấp theo Nghị định số 81/NĐ-CP;

3) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (có công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền);

4) Báo cáo kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp năm 2007, bao gồm những nội dung sau: (i) các thị trường khai thác, đưa lao động đi trong năm, (ii) tổng số lao động đã đưa đi trong năm và số lao động đã về nước (trong đó số phải về nước trước hạn), và (iii) hiệu quả kinh tế đạt được trong năm thông qua hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp, thuận lợi và khó khăn,…;

5) Giấy tờ chứng minh đủ Điều kiện về vốn pháp định và cơ cấu vốn do cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

6) Giấy tờ xác nhận việc đóng góp đủ Quỹ Hỗ trợ XKLĐ (Biên bản quyết toán Quỹ Hỗ trợ XKLĐ);

7) Giấy tờ xác nhận ký quỹ của doanh nghiệp do Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ cấp;

8) Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo Điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ Điều kiện tại Khoản 3 Điều 9 của Luật (Trường hợp người lãnh đạo Điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ không phải là Giám đốc doanh nghiệp, mà chỉ là Phó giám đốc hoặc người được giao trách nhiệm thì phải nộp cả Quyết định giao nhiệm vụ);

9) Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gồm các nội dung: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, nhiệm vụ được giao);

10) Báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài (theo quy định tại Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007).

Trong quá trình hoàn tất hồ sơ, nếu có vướng mắc cần giải đáp đề nghị Doanh nghiệp liên hệ với Phòng Thị trường Lao động (số máy 04-7346246 máy lẻ từ 401 đến 404) để được hướng dẫn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo để các doanh nghiệp biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Lãnh đạo Cục;
- Các đơn vị thuộc Cục;
- Lưu VT, TTLĐ.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Hoàng Kim Ngọc