Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1676/PAĐT-LĐTNXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2003

 

PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM 1/7/2003

Thực hiện Quyết định số 27/TTg ngày 8/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều tra Lao động - Việc làm hàng năm (giai đoạn 2001 - 2005), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Quyết định số 574/QĐ-LĐTBXH ngày 9/5/2003 về việc thành lập BCĐ điều tra Lao động - Việc làm TW gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Ban chỉ đạo điều tra TW ban hành phương án điều tra lao động - việc làm 1/7 năm 2003 trên phạm vi cả nước.

I. MỤC ĐÍCH ĐIỀU TRA:

Cuộc Điều tra Lao động - Việc làm năm 2003 nhằm thu thập thông tin phản ánh thực trạng Lao động - Việc làm của các tỉnh, thành phố và cả nước để phục vụ việc triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp về lao động - việc làm của Chính phủ và các cấp, các ngành.

- Cung cấp thông tin số liệu thống kê làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về lao động - việc làm và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế (nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) về tỷ lệ thất nghiệp nói chung và tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng ở khu vực nông thôn.

- Cung cấp thông tin về thực trạng lao động - việc làm của các hộ gia đình ở một số địa bàn nông thôn thuộc diện nhà nước thu hồi đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội để làm căn cứ thực tiễn cho việc tiếp tục đổi mới các chính sách và giải pháp nhằm sớm ổn định việc làm và đời sống cho các hộ gặp khó khăn.

- Cung cấp thông tin về tình hình tuyển dụng lao động trong năm 2003 và nhu cầu tuyền dụng trong năm 2004 của các doanh nghiệp thuộc các loại hình doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG ĐIỀU TRA

Cuộc Điều tra thu thập thông tin theo những nội dung chủ yếu sau:

1. Các đặc trưng cơ bản về tuổi, giới tính, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của những người từ đủ 15 tuổi trở lên;

2. Thực trạng việc làm, cơ cấu việc làm của lực lượng lao động chia theo ngành, nhóm ngành (nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ); trình độ chuyên môn, kỹ thuật;

3. Thực trạng thất nghiệp và cơ cấu của lao động thất nghiệp chia theo trình độ chuyên môn, kỹ thuật và thời gian thất nghiệp;

4. Thời gian lao động được sử dụng ở khu vực nông thôn;

5. Với các hộ gia đình thuộc đối tượng có đất nhà nước thu hồi để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ thu thập các thông tin cụ thể về thực trạng lao động - việc làm trước và sau thời điểm Nhà nước thu hồi đất, kiến nghị của họ về những vấn đề cần được hỗ trợ sau khi thu hồi đất.

6. Với các doanh nghiệp sẽ thu thập thông tin về số lượng lao động đã tuyển dụng và nhu cầu tuyển dụng của từng loại chia theo trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật và ngành/ nghề đào tạo.

7. Học sinh/ sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề dài hạn và ngắn hạn tốt nghiệp từ 1/7/2002 đến 1/7/2003 và tình trạng việc làm.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA:

1. Đối tượng Điều tra:

- Đối tượng điều tra là nhân khẩu thực tế thường trú từ đủ 15 tuổi trở lên trong các hộ gia đình thuộc phạm vi các địa bàn điều tra đã được chọn ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn trong cả nước.

- Chủ hộ thuộc diện có đất Nhà nước thu hồi để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Chủ các doanh nghiệp hoặc bộ phận tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

2. Đơn vị điều tra:

- Là hộ gia đình thuộc các địa bàn điều tra đã được chọn;

- Các doanh nghiệp được chọn.

3. Phạm vi và khối lượng mẫu điều tra:

Cuộc Điều tra Lao động - Việc làm sẽ được tiến hành trên phạm vi các địa bàn mẫu. Để đại diện cho tỉnh, thành phố, vùng lãnh thổ khu vực thành thị, nông thôn và toàn quốc, cỡ mẫu chung cho cả nước gần 110 ngàn hộ với khoảng 540 ngàn nhân khẩu. Khu vực Thành thị điều tra trên 59 ngàn hộ với khoảng 280 ngàn nhân khẩu; khu vực Nông thôn điều tra trên 49 ngàn hộ với khoảng 260 ngàn nhân khẩu. Phạm vi điều tra của mỗi tỉnh, thành phố, được quy định theo quy mô dân số thành thị, nông thôn của tỉnh (xem chi tiết phụ lục 1 và 2).

- Cuộc điều tra các hộ gia đình thuộc diện nhà nước thu hồi đất sẽ tiến hành ở 7 tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, 21 xã với tổng mẫu là 630 hộ.

- Cuộc điều tra các doanh nghiệp sẽ tiến hành với tất cả các doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên đang hoạt động thuộc địa bàn tỉnh, thành phố.

IV. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA VÀ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Phương pháp Điều tra

Việc điều tra thu thập thông tin sẽ được tiến hành theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên phải đến từng hộ hỏi chủ hộ và các thành viên trong hộ để ghi các câu trả lời vào phiếu phỏng vấn. Điều tra viên không được sử dụng các tài liệu sẵn có hoặc thu thập thông tin qua cán bộ địa phương. Riêng đối với các doanh nghiệp sẽ tiến hành theo phương pháp điều tra gián tiếp (qua thư).

2. Quy trình của cuộc điều tra được tiến hành theo các bước sau:

2.1- Trên cơ sở các địa bàn mẫu và bảng kê, danh sách hộ điều tra năm 2002, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát lại và chọn hộ điều tra, lập danh sách hộ điều tra ở mỗi địa bàn được chọn theo phương án chọn hộ điều tra luân phiên năm 2003.

Ngoài ra với các tỉnh/ thành phố được chọn điều tra về hộ gia đình có đất nhà nước thu hồi: điều tra doanh nghiệp sẽ tiến hành lập danh sách các đối tượng và chọn mẫu điều tra theo hướng dẫn bằng văn bản của BCĐ điều tra trung ương.

2.2- Thiết kế phiếu điều tra và biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho tổ trưởng điều tra và điều tra viên.

2.3- Tuyển chọn lực lượng giám sát viên, tổ trưởng điều tra, điều tra viên và tập huấn nghiệp vụ.

2.4- Tiến hành điều tra.

2.5- Phúc tra tại hộ kết quả ghi phiếu của điểu tra viên.

2.6- Nghiệm thu phiếu điều tra, mã hoá theo quy định.

2.7- Xử lý tổng hợp báo cáo nhanh kết quả điểu tra.

2.8- Nhập tin, xử lý, tổng hợp toàn bộ kết quả điều tra trên máy tính.

2.9- Thẩm định và hoàn chỉnh kết quả xử lý, tổng hợp.

2.10- Công bố sơ bộ kết quả điều tra.

2.11- Phát hành hệ thống số liệu tổng hợp kết quả điều tra.

V. QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM, NHIỆM VỤ VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1. Ban chỉ đạo điều tra Trung ương:

a. Giai đoạn chuẩn bị: (Từ 1/4/2003 đến 15/6/2003)

- Xây dựng phương án điều tra lao động - việc làm 1/7/2003;

- Thiết kế toàn bộ quy trình điều tra (từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc).

- Thiết kế phiếu điều tra, chương trình nhập tin xử lý tổng hợp kết quả điều tra.

- Soạn thảo, in ấn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra.

- Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ điều tra cho giảng viên cấp tỉnh và giám sát viên TW (trước ngày 15 /6/2003).

- Bố trí lực lượng giám sát viên TW đi kiểm tra, giám sát và phúc tra kết quả điều tra tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Quyết định kinh phí và phân bổ kinh phí điều tra cho các tỉnh, thành phố và các bộ phận/ đơn vị phối hợp thực hiện ở Trung ương (trước ngày 15/6/2003).

b) Giai đoạn tổ chức điều tra tại địa bàn (từ 1/7/2003 đến 20/7/2003)

- Kiểm tra tình hình thực hiện quy trình, tổ chức chỉ đạo và thực hiện công tác điều tra của các tỉnh, thành phố;

- Tổ chức phúc tra ở một số địa bàn để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung và chuẩn bị cho công tác xử lý, tổng hợp ở Trung ương.

c) Giai đoạn nghiệm thu phiếu điều tra, nhập tin và xử lý tổng hợp, công bố kết quả điều tra ở Trung ương (từ 5/8 đến 11/10/2003).

- Tổ chức nghiệm thu toàn bộ phiếu điều tra và kết quả tổng hợp nhanh của các tỉnh, TP. (từ 5/8 đến 10/8/2003).

- Nhập tin, xử lý tổng hợp trên máy tính toàn bộ kết quả điều tra của 64 tỉnh, thành phố tại Trung tâm tính toán Tổng cục Thống kê và một số tỉnh/ thành phố (từ 10/8 đến 10/9/2003).

- Tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả điều tra của BCĐ các tỉnh, thành phố và kết quả xử lý tổng hợp của Trung tâm tính toán TCTK (từ 10/9 đến 20/9/2003);

- Chuẩn bị báo cáo công bố kết quả điều tra (từ 20/9 đến 1/10/2003);

- Tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra (từ 1/10 đến 10/10/2003);

- Lưu giữ kết quả điều tra: Số liệu gốc phải được lưu giữ bằng đĩa mềm tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Trung tâm Thông tin - Thống kê Lao động và Xã hội).

2. Ban chỉ đạo điều tra các tỉnh, thành phố

a) Giai đoạn chuẩn bị (từ 15/6/2003 đến 30/6/2003)

- Tiếp nhận các địa bàn mẫu do Trung ương chọn để chọn và lập danh sách hộ gia đình, hộ thuộc diện nhà nước thu hồi đất và doanh nghiệp (nếu có) thuộc diện điều tra.

- Lập kế hoạch và tiến độ thực hiện điều tra phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và bảo đảm tuân thủ phương án cũng như quy trình và tiến độ quy định của BCĐ điều tra TW.

- Tổ chức lực lượng điều tra và tổ trưởng điều tra.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng điều tra, BCĐ điều tra tỉnh, thành phố cần huy động đủ số lượng cán bộ làm nhiệm vụ điều tra viên và tổ trưởng điều tra, chủ yếu là cán bộ của hai ngành Lao động và Thống kê. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương mà bố trí lực lượng cho phù hợp; mỗi tỉnh, thành phố có thể huy động từ 20 đến 30 người. Số cán bộ này do BCĐ điều tra tỉnh, thành phố quản lý trong suốt thời gian điều tra và được tổ chức thành các tổ công tác, mỗi tổ gồm 5 người trong đó có 1 tổ trưởng. Các địa phương cử người am hiểu tình hình địa bàn điều tra để dẫn đường cho điều tra viên đến từng hộ phỏng vấn và ghi phiếu.

Điều tra viên nên là người đã từng tham gia các cuộc điều tra Lao động - Việc làm ở địa phương các năm trước, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác và có khả năng vận động quần chúng, được huấn luyện kỹ về nghiệp vụ điều tra.

Tổ trưởng điều tra phải là người nắm vững nghiệp vụ điều tra, có khả năng chỉ đạo công tác điều tra để có thể kiểm tra, giám sát công việc của điều tra viên và chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác điều tra trên địa bàn được phân công.

Căn cứ vào số địa bàn điều tra, số hộ điều tra và lực lượng cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra, BCĐ tỉnh, thành phố bố trí kế hoạch cho mỗi tổ công tác điều tra ở một số địa bàn theo hình thức thích hợp, đảm bảo đúng thời gian và tiến độ quy định.

- Huấn luyện nghiệp vụ điều tra

Huấn luyện nghiệp vụ là nội dung bắt buộc đối với mọi thành viên tham gia cuộc điều tra.

Ban chỉ đạo điều tra tỉnh/thành phố mở lớp huấn luyện cho điều tra viên và tổ trưởng điều tra sau khi thống nhất và ký kết hợp đồng với BCĐ điều tra TW về: nội dung, phạm vi, tiến độ cũng như chất lượng của thông tin đã được thu thập, tổng hợp tại địa phương.

Thời gian huấn luyện của cấp tỉnh, thành phố là 2 ngày.

Nội dung tập huấn gồm:

- Phương án điều tra;

- Hướng dẫn cách ghi phiếu điều tra;

- Tổng hợp nhanh kết quả điều tra.

Để các lớp huấn luyện đạt kết quả tốt, các giảng viên cần chuẩn bị kỹ bài giảng, bố trí thời gian thảo luận trên lớp, có những ví dụ minh hoạ cho câu hỏi, trả lời và dành thời gian thực tập ghi phiếu (bài tập) để các học viên trao đổi, rút kinh nghiệm. Trước khi kết thúc huấn luyện cần kiểm tra, đánh giá nhận thức của học viên trước khi triển khai bước điều tra ghi phiếu tại địa bàn.

Thời gian kết thúc tập huấn trước ngày 25/6/2003.

b) Giai đoạn điều tra, ghi phiếu tại địa bàn (từ 1/7/2003) đến 15/7/2003)

- Việc điều tra ghi phiếu hộ gia đình phải thực hiện theo nguyên tắc phỏng vấn trực tiếp đủ số lượng các hộ thuộc địa bàn điều tra, làm đúng những quy định về nghiệp vụ điều tra; không bỏ sót, đối tượng điều tra, không ghi sai hoặc bỏ sót những nội dung đã quy định trong phiếu điều tra.

- Tổ trưởng điều tra kiểm tra toàn bộ những thông tin mà điều tra viên đã ghi chép trong phiếu hộ gia đình nếu phát hiện những sai sót phải yêu cầu điều tra viên trở lại hộ để xác minh và sửa phiếu điều tra đảm bảo độ tin cậy của các thông tin ghi trên phiếu.

- BCĐ điều tra tỉnh, thành phố có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo điều tra TW và đội ngũ giám sát viên tiến hành giám sát, kiểm tra và phúc tra tình hình triển khai thực hiện điều tra trên địa bàn. Mỗi địa bàn được chọn phúc tra (theo nguyên tắc ngẫu nhiên) sẽ tiến hành phúc tra 100% số hộ đã điều tr. Số địa bàn phúc tra dự kiến khoảng 5% số địa bàn điều tra. Nếu qua kiểm tra, phúc tra, chất lượng điều tra không đạt yêu cầu, BCĐ điều tra TW quyết định tổ chức điều tra lại thì BCĐ điều tra địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm giải quyết phần kinh phí phát sinh có liên quan.

c) Giai đoạn nghiệm thu phiếu mã hoá, xử lý tổng hợp nhanh kết quả điều tra của tỉnh, thành phố (từ 16/7/2003 đến 5/7/2003).

- Từ 16/7/2003 đến 20/7/2003: Tổ trưởng điều tra kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao toàn bộ phiếu điều tra của các địa bàn thuộc phạm vi quản lý cho BCĐ điều tra tỉnh, thành phố.

- Từ 21/7/2003 đến 5/8/2003, BCĐ tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chuyên viên giúp việc tiếp tục kiểm tra các thông tin đã ghi trên phiếu và tiến hành mã hoá, tổng hợp nhanh kết quả điều tra theo quy định của BCĐ điều tra Trung ương.

- Từ 5/8/2003, các tỉnh, thành phố kiểm kê, sắp xếp phiếu điều tra theo thứ tự của từng địa bàn điều tra và gửi về Ban chỉ đạo điều tra TW cùng với kết quả tổng hợp nhanh trước ngày 10/8/2003 theo địa chỉ: “Trung tâm Thông tin - Thống kê Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Số 2 Đinh Lễ - Hà Nội. Tel. 04.8269490”.

d) Việc nhập tin tổng hợp kết quả tại tỉnh thành phố

Để dần từng bước các tỉnh, thành phố có thể tiến hành xử lý nhập tin và xử lý tổng hợp nhanh kết quả điều tra.

Quy trình tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin xử lý, tổng hợp nhanh đối với địa phương như sau:

1. Tuyển chọn lực lượng nhập tin và tập huấn nghiệm vụ

2. Kiểm tra thông tin làm sạch phiếu, mã hoá tất cả phiếu điều tra sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu mới đưa vào nhập tin.

3. Nhập tin: Địa phương có khả năng nhập tin thực hiện công việc nhập tin cho các hộ điều tra mình phụ trách.

Ban chỉ đạo điều tra Lao động - Việc làm Trung ương (Trung tâm tính toán thống kê Trung ương) xây dựng, hướng dẫn và cung cấp chương trình nhập tin và tổng hợp nhanh thống nhất; kiểm tra, nghiệm thu kết quả nhập tin. Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm nhập theo đúng công ty quy định (không tự sửa chương trình) để đảm bảo xử lý, tổng hợp thống nhất.

4. Tổng hợp nhanh: Các tỉnh, thành phố sẽ tổng hợp nhanh kết quả điều tra bằng chương trình của Trung ương.

5. Tổng hợp chi tiết: Được thực hiện tại Trung ương, khi có kết quả sẽ gửi về địa phương để thống nhất sử dụng.

6. Chuyển giao tài liệu: Ban chỉ đạo các tỉnh/thành phố kiểm tra các phiếu điều tra do các huyện, quận thực hiện. Nhập tin theo chương trình thống nhất của Trung ương. Tổng hợp nhanh kết quả điều tra; chuyển đĩa nhập tin, biểu tổng hợp nhanh và toàn bộ phiếu điều tra về Trung tâm Thông tin - Thống kê Lao động và Xã hội.

VI. KINH PHÍ TRA

Kinh phí tra do BCĐ Lao động - Việc làm TW cấp căn cứ vào số địa bàn và khối lượng mẫu phân bổ cho tỉnh, thành phố. Do kinh phí điều tra có hạn, BCĐ điều tra các tỉnh, thành phố có thể tranh thủ sự hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa phương để hoàn thành tốt cuộc điều tra này.

Ban chỉ đạo điều tra TW sẽ hướng dẫn các địa phương về nguyên tắc chi tiêu, chế độ cấp và sử dụng kinh phí cũng như việc thanh quyết toán nguồn kinh phí được BCĐTW cấp.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TRA LAO ĐỘNG- VIỆC LÀM TW




Lê Duy Đồng