ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1762/UBND-VX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 4 năm 2009 |
Kính gửi: | - Liên đoàn lao động thành phố; |
Căn cứ Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện trong việc hỗ trợ có hiệu quả đối với người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, các đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức thực hiện các nội dung sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Sở giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
b) Chủ trì phối hợp Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức theo dõi cập nhật kịp thời, đầy đủ số doanh nghiệp và số lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế; tổng hợp tình hình định kỳ hàng tháng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, rà soát xác nhận cụ thể phương án sắp xếp lao động của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, có nhu cầu vay vốn để giải quyết các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc- mất việc cho người lao động bị mất việc làm trong năm 2009.
d) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định khoản nợ lương người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố số tiền cần tạm ứng từ ngân sách thành phố để tổ chức chi trả nợ lương cho người lao động bị mất việc làm.
e) Chỉ đạo các Trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động mất việc.
2. Sở Tài chính:
a) Chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu và xác nhận về các nguồn của doanh nghiệp để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc làm gồm: Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm, các khoản tiền lương phải trả cho người lao động kể cả Quỹ dự phòng tiền lương, các nguồn đã trích để đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định khoản nợ lương công nhân của doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, xử lý tài sản của doanh nghiệp để hoàn trả khoản tạm ứng từ ngân sách thành phố;
c) Tiếp nhận hồ sơ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề xuất ngân sách thành phố tạm ứng khoản nợ lương công nhân, có ý kiến đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và lập hồ sơ về lao động, tiền lương và tài chính của doanh nghiệp này báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc xử lý tài sản của doanh nghiệp để hoàn trả khoản tạm ứng từ ngân sách thành phố.
c) Thành lập tổ công tác thường trực giải quyết các trường hợp doanh nghiệp có chủ bỏ trốn gồm đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư là tổ trưởng; đại diện Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố là thành viên để giải quyết các khoản nợ lương của người lao động trong doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
4. Sở giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
Chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp trên địa bàn, theo luật doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) gặp khó khăn về tài chính do suy thoái kinh tế được vay để giải quyết chế độ chính sách cho người lao động (tiền lương, trợ cấp thôi việc và mất việc làm, Bảo hiểm xã hội) năm 2009, theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh:
Chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình thủ tục cho lao động mất việc làm, lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài về nước trước hợp đồng được vay vốn tự tạo việc làm, học nghề.
6. Liên đoàn lao động thành phố:
Chỉ đạo cho các Liên đoàn lao động quận, huyện, Công đoàn cơ sở phổ biến chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế về vay vốn học nghề, tự tạo việc làm do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện.
7. Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố:
a) Tổ chức triển khai Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp trong các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố.
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi chặt chẽ và cập nhật kịp thời (định kỳ hàng tháng) tình hình lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do suy giảm kinh tế.
c) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định phương án sắp xếp lao động trong doanh nghiệp thuộc các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.
8. Bảo hiểm xã hội thành phố :
Có trách nhiệm xác nhận số tiền doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội của những người lao động bị mất việc làm hoặc thôi việc trong năm 2009 để làm cơ sở xác định số tiền nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sẽ được vay và thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị mất việc, thôi việc theo quy định.
9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện.
b) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận – huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật định kỳ hàng tháng tình hình lao động bị mất việc trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chi trả lương cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.
Vì tính chất quan trọng trong việc ổn định đời sống của lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện tốt nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối tổng hợp và đề xuất hướng tháo gỡ trình Ủy ban nhân dân thành phố ./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Công văn 3773/UBND-CT năm 2015 về tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp do thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Công văn 7874/VP-VX năm 2014 thực hiện Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH về việc làm do Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành
- 4 Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành