BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1989/BXD-VP | Hà nội, ngày 19 tháng 09 năm 2007 |
Kính gửi : Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong Hội nghị Kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm 2007 và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2007 diễn ra tại Bộ Xây dựng vào ngày 17/7/2007, các Sở xây dựng đã nêu ra các vướng mắc, kiến nghị trong quản lý đầu tư xây dựng tại địa phương. Bộ Xây dựng đã tổng hợp, nghiên cứu các vướng mắc, kiến nghị này và có ý kiến như sau:
1. Về quy hoạch xây dựng trong hồ sơ thiết kế cơ sở:
Trong hồ sơ thiết kế cơ sở, quy hoạch xây dựng phải là quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được lập trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 được các cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo phân cấp. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt, giải quyết như sau :
Đối với dự án đầu tư công trình đơn lẻ, không có trong quy hoạch xây dựng hoặc chưa có quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để được xem xét chấp thuận về vị trí, quy mô; sau đó chủ đầu tư lập quy hoạch tổng mặt bằng trình duyệt theo quy định; đồng thời Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều chỉnh hoặc lập quy hoạch xây dựng theo quy định (khoản 2, mục II, phần I của Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ).
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung (khu đô thị, khu công nghiệp…) chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thuộc phạm vi dự án do mình quản lý và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định tại điểm 1c, khoản III, mục II của Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.
2. Về sự kết nối với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào:
Trong quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt phải thể hiện được vị trí đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của từng công trình với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực), kèm theo công suất đấu nối cho phép. Khi thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng, cơ quan quản lý xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào. Như vậy, khi thẩm định thiết kế cơ sở, cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở không yêu cầu chủ đầu tư phải xin thoả thuận vị trí và công suất đấu nối với các cơ quan quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, mà chỉ xem xét sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt.
3. Về cấp giấy phép xây dựng cho công trình ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 65 của Luật Xây dựng thì một trong những điều kiện để công trình được cấp giấy phép xây dựng là phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt. Song trong thực tế hiện nay quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 ở hầu khắp các địa phương chưa được phủ kín, nên căn cứ để xem xét cấp giấy phép xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ vướng mắc này, các Sở Xây dựng địa phương cần tham mưu và đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và tập trung mọi nguồn lực để tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 (đối với những khu vực thuộc về trách nhiệm của địa phương phải lập quy hoạch chi tiết 1/500) để làm căn cứ cho việc xem xét cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, trước mắt ưu tiên cho những khu vực có nhu cầu đầu tư lớn. Trường hợp chưa kịp lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 với đầy đủ các nội dung theo đúng quy định, thì bước đầu có thể xác định một số nội dung cần quản lý liên quan đến giấy phép xây dựng trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 như: vị trí, ranh giới, quy mô các khu chức năng; các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, cốt xây dựng; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; phạm vi và hành lang bảo vệ đê điều, các công trình kỹ thuật; các quy định về kiến trúc để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; sau đó phải tiếp tục bổ sung và hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
4. Về hồ sơ xin giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc dự án đã có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định:
Đối với công trình thuộc dự án theo quy định phải xin giấy phép xây dựng mà đã có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, thì hồ sơ xin giấy phép xây dựng được quy định tại khoản 3, mục II, Phần II của Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ.
Đối với trường hợp cơ quan cấp giấy phép xây dựng không đồng thời là cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấp phép, Bộ Xây dựng sẽ có hướng dẫn riêng theo hướng ngoài các tài liệu theo quy định nêu trên, Chủ đầu tư cần bổ sung thêm vào trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng một số bản vẽ có trong Hồ sơ thiết kế cơ sở đã được thẩm định, liên quan đến nội dung quản lý trong giấy phép xây dựng như: Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình.
5. Về sắp xếp lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình:
Việc sắp xếp, tổ chức và hoạt động của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã được quy định tại Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD và được giải thích rõ hơn tại văn bản số 1394/BXD-PC ngày 28/6/2007 của Bộ Xây dựng (xin gửi bản sao kèm theo văn bản này). Sở Xây dựng cần nghiên cứu các quy định này để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện theo nguyên tắc ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập và thực hiện một số nhiệm vụ do chủ đầu tư giao. Ban quản lý dự án không kiêm chức năng làm chủ đầu tư.
Hoạt động tư vấn quản lý dự án là loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện đòi hỏi phải có nghề nghiệp và kinh nghiệm. Do đó các tổ chức tư vấn quản lý dự án phải được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Các chi phí cho quản lý dự án được tính trong chi phí tổng mức đầu tư của từng dự án. Vì vậy, việc thành lập các Trung tâm tư vấn quản lý dự án hoạt động như đơn vị sự nghiệp có thu khi chưa có dự án và chưa xác định được chủ đầu tư là không phù hợp với các quy định hiện hành.
6. Về quy định đối với các chức danh giám đốc tư vấn quản lý dự án, chỉ huy trưởng công trường, giám sát thi công xây dựng quy định tại khoản 4 điều 48 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP:
Việc quy định các chức danh nêu trên không được đảm nhận quá một công việc trong cùng một thời gian là nhằm đảm bảo quản lý chất lượng công trình xây dựng cũng như quản lý chặt chẽ các hoạt động khác trên công trường. Tuy nhiên, do đặc thù ở các địa phương có số lượng công trình nhỏ tương đối nhiều lại nằm trải trên các địa bàn nên không đủ lực lượng để thực hiện công việc theo quy định.
Để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho các khu vực thiếu người có đủ điều kiện năng lực theo quy định, thì tuỳ thuộc vào tính chất của dự án và tình hình cụ thể về điều kiện năng lực của lực lượng tư vấn ở địa phương mà có thể linh hoạt áp dụng cho phép các cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc tư vấn quản lý dự án, chỉ huy trưởng công trường, giám sát thi công xây dựng được thực hiện hơn một công việc trong cùng một thời gian cho một chủ đầu tư, nhưng đảm bảo nguyên tắc công việc phải được kiểm soát, nghiệm thu theo quy định, không làm gián đoạn thực hiện công việc theo tiến độ; đồng thời phải chịu trách nhịêm về chất lượng, tiến độ của công trình.
7. Về Thanh tra xây dựng:
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV ngày 22/6/2005 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra xây dựng ở địa phương, các địa phương còn có những khó khăn, vướng mắc, những cách hiểu không thống nhất trong việc tổ chức lại lực lượng Thanh tra Xây dựng của địa phương mình. Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể như sau:
6.1. Về kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức Thanh tra Xây dựng:
Các Sở Xây dựng dựa vào hoàn cảnh kinh tế xã hội của địa phương, tình hình đầu tư xây dựng, thực trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng... để lập đề án thành lập Thanh tra chuyên ngành xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Nội dung của Đề án thành lập Thanh tra chuyên ngành xây dựng phải đầy đủ, chi tiết, đảm bảo tính thuyết phục cao và phải có các nội dung cơ bản sau:
Cơ sở pháp lý: Nêu đầy đủ các căn cứ pháp lý thành lập Thanh tra Xây dựng địa phương.
Nêu rõ vị trí, chức năng của Thanh tra xây dựng là cơ quan thuộc Sở Xây dựng, có trách nhiệm giúp giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở Xây dựng. Cụ thể hoá 10 nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV.
Trình bày rõ phương án tổ chức của Thanh tra Sở, theo đó Thanh tra Sở được tổ chức thống nhất dưới sự quản lý, điều hành của Chánh Thanh tra Sở. Chánh Thanh tra Sở chịu trách nhiệm trước giám đốc Sở. Cách thức tổ chức các Đội Thanh tra độc lập, Đội thanh ra liên huyện, Đội thanh tra cơ động.
Về biên chế của Thanh tra Sở: Sở Xây dựng căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật về tổ chức, biên chế để có cơ sở đề xuất phù hợp như: Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng; Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước; Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03/11/2004 của Bộ Nội vụ ban hành danh mục các ngạnh công chức, viên chức.
Về mối quan hệ công tác của Thanh tra Sở. Làm rõ mối quan hệ giữa Thanh tra Sở và Giám đốc Sở; sự phụ thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh; Thanh tra Sở chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng; mối quan hệ với thanh tra các ngành, chính quyền các cấp trong quá trình thanh tra đối với các vấn đề có liên quan đến xây dựng..
Nêu rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ cho Thanh tra Sở hoạt động trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi Đội thanh tra trình.
Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân phường, xã trong việc phối hợp với các Đội thanh tra xây dựng trong việc kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi có yêu cầu của Đội thanh tra.
6.2. Về tổ chức bộ máy và hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng:
a) Về tổ chức bộ máy:
Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Đội Thanh tra độc lập theo quy định tại điểm 6, Mục III của Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV thì Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc quản lý, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra hoạt động của Đội thanh tra theo quy định của pháp luật.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đội trưởng, Đội phó Đội thanh tra do Giám đốc Sở Xây dựng quyết định theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở và có sự thoả thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã.
b) Về chỉ đạo hoạt động đối với Đội thanh tra độc lập:
Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập các Đội thanh tra độc lập, Đội thanh tra liên quận, huyện, thị xã theo quy định tại điểm 4, 5 Mục III của Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV thì các đội thanh tra này trực thuộc và chịu sự chỉ đạo toàn diện của Thanh tra Sở Xây dựng.
Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập các Đội thanh tra độc lập theo quy định tại điểm 6, Mục III của Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV thì Đội thanh tra độc lập trực thuộc và chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã. Thanh tra Sở có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
c) Về qui chế hoạt động:
Vấn đề qui chế hoạt động của các Đội thanh tra độc lập, Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV quy định Chánh Thanh tra Sở ban hành qui chế hoạt động của các Đội thanh tra độc lập là hợp lý, bởi lẽ công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng là công việc mang tính chuyên môn, đặc thù. Thanh tra Sở Xây dựng là đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng thanh tra xây dựng, đồng thời ban hành qui chế hoạt động của các Đội thanh tra xây dựng độc lập là đúng pháp luật, đồng thời có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các Đội thanh tra độc lập.
d) Vấn đề mở tài khoản:
Trong thời gian chưa thành lập được các tổ chức thanh tra theo quy định thì việc đăng ký mở tài khoản chưa thực hiện được. Do vậy, Thanh tra Sở Xây dựng cần khẩn trương đề xuất phương án thành lập các tổ chức Thanh tra với Sở Xây dựng. Sở Xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các tổ chức Thanh tra Xây dựng địa phương để lực lượng Thanh tra Xây dựng sớm đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn số 1394 /BXD-PC về hướng dẫn về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành.
- 2 Thông tư 02/2007/TT-BXD hướng dẫn về: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Nghị định 112/2006/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành
- 3 Nghị định 112/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 4 Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng do Bộ xây dựng ban hành
- 5 Thông tư liên tịch 10/2005/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra xây dựng ở địa phương do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành
- 6 Nghị định 16/2005/NĐ-CP về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 7 Quyết định 78/2004/QĐ-BNV ban hành Danh mục các ngạch công chức và ngạch viên chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 8 Luật xây dựng 2003
- 9 Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước
- 10 Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp