ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2089/UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 11 năm 1979 |
Kính gởi : | - Ủy ban nhân dân các quận, huyện |
Thương vụ Hội đồng Chánh phủ đã quyết định cho thanh toán các khoản Nhà nước vay của nhân dân trong thời gian kháng chiến và giao cho Bộ Tài chánh hướng dẫn các địa phương thực hiện. Nhưng đến nay Bộ Tài chánh mới có dự thảo hướng dẫn mà chưa có văn bản chính thức. Do điều kiện kinh tế hiện nay có nhiều khó khăn, nhất là những hộ nhân dân trước đây cho Nhà nước vay đến nay tuổi già sức yếu, không nơi nương tựa đã gởi đơn lên Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố. Căn cứ vào tình hình trên, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiến hành trả nợ cho dân theo bản hướng dẫn dự thảo của Bộ Tài Chánh như sau :
I- NGUYÊN TẮC TRẢ :
1. Những khoản được xác định rõ ràng là cho Nhà nước vay : Gồm cơ quan chánh quyền từ cấp quận, huyện trở lên hoặc đơn vị bộ đội từ cấp đại đội trở lên và có đủ chứng minh đều được thanh toán.
2. Người có nợ nếu đã chết thì người thừa kế là cha mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, là con đẻ (có chánh quyền xã xác nhận) được nhận tiền thanh toán.
3. Trả bằng tiền. Sau khi quy ra lúa ở thời gian cho Nhà nước vay mà tính theo giá chỉ đạo mua bán thuế nông nghiệp ở thời điểm trả nợ.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện thành lập Ban thanh toán nợ dân do Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ trì, thành phần gồm đại diện Tài chánh, Ngân hàng Thương binh xã hội, Thanh tra, Tổ chức chánh quyền, Nông hội, Phụ nữ để xác định giá lúa thời điểm cho vay, và xét hoàn cảnh từng đối tượng để trả ngay một lần hay trả nhiều lần tùy theo mức cho Nhà nước vay nhiều hay ít.
4. Các trường hợp khác hoặc thiếu chứng minh thì chờ văn bản chính thức của Bộ Tài chánh mới tiếp tục thanh toán.
II- BIỆN PHÁP TRẢ :
1. Số tiền thanh toán nợ dân chi vào loại 6 khoản 64 hạng 6 trong mục lục ngân sách Nhà nước. Từ nay đến cuối năm 1979, nếu quận, huyện nào chưa là cấp ngân sách thì thống kê danh sách làm văn bản gởi Sở Tài chánh cấp ; quận, huyện nào là cấp ngân sách rồi thì chi vào cân đối ngân sách và cùng loại, khoản, hạng trên.
2. Số tiền thanh toám mỗi lần không quá 2.000 đồng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cần vốn để sản xuất hoặc xây dựng lại nhà cửa bị phá hoại trong chiến tranh thì Ban thanh toán nợ dân xét thực tế mà thanh toán cho hợp tình hợp lý.
3. Trong dịp thanh toán nợ dân và trả tiền như trên, Ban Tài chánh và ngân hàng các quận, huyện có kế hoạch vận động người thanh toán gởi tiền vào qũy tiết kiệm.
Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Tài chánh trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với các ban thanh toán nợ dân các quận, huyện thi hành và giải quyết các trường hợp cụ thể. Nếu trường hợp nào giải quyết không được thì kịp thời báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố nghiên cứu giải quyết.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 6728/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng - giá - thuế đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6728/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng - giá - thuế đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh