Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC KIỂM LÂM
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 209/KL-TTPC
V/v hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị định số 159/2007/NĐ-CP , trong lực lượng Kiểm lâm

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2008

 

Kính gửi:

- Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
- Các VQG trực thuộc

 

Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sau đây viết tắt là Nghị định 159) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2007. Thời gian qua, Cục Kiểm lâm nhận được đề nghị của một số Chi cục Kiểm lâm đề nghị giải đáp một số vướng mắc khi áp dụng trong thực tế. Để thực hiện thống nhất các quy định của Nghị định 159, Cục Kiểm lâm hướng dẫn nghiệp vụ trong việc áp dụng một số quy định của Nghị định này như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh đối với gỗ nhập khẩu của Nghị định 159

Lực lượng kiểm lâm có quyền hạn và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tất cả các loại lâm sản theo quy định tại Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Trong khi thi hành công vụ, khi kiểm tra đối với gỗ nhập khẩu thì xem xét cụ thể để giải quyết như sau:

a) Đối với gỗ nhập khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành của nhà nước, đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu hàng hoá của Hải quan, cơ quan Kiểm lâm đã đóng dấu búa kiểm lâm theo quy định tại Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm và Quyết định số 107/2007/QĐ-BNN ngày 31/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN , thì cơ quan kiểm lâm áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 159, không áp dụng xử phạt vi phạm hành chính kể cả trường hợp có chênh lệch về khối lượng, số lượng.

Nếu gỗ không có dấu hiệu đặc biệt của nước xuất khẩu và không có dấu búa kiểm lâm Việt Nam, thì yêu cầu chủ gỗ làm rõ nguyên nhân và hướng dẫn chủ gỗ hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức đóng búa kiểm lâm theo quy định tại Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN và Quyết định số 107/2007/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi giải quyết thủ tục vận chuyển, chế biến, tiêu thụ.

Gỗ nhập khẩu hợp pháp vận chuyển tiêu thụ không thực hiện đúng quy định hiện hành (kể cả trường hợp gỗ không có dấu búa kiểm lâm) thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 159 để xử lý vi phạm về thủ tục hành chính.

b) Mọi trường hợp nhập khẩu gỗ bất hợp pháp đều phải điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 159.

2. Áp dụng quy định về “không xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép mà người điều khiển phương tiện đồng thời là chủ lâm sản.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 8 Điều 3 Nghị định 159 “Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm d khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22 của Nghị định này” và quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 “Người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép đồng thời là chủ lâm sản hoặc không có cơ sở để xác định lâm sản vận chuyển trái phép là của người khác thì bị xử phạt theo quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản này và còn bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 của Điều này”. Theo đó, mọi trường hợp chủ lâm sản có hành vi vi phạm hành chính gây hậu quả vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 159, thì không xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với người điều khiển phương tiện nếu đồng thời là chủ lâm sản hoặc không có cơ sở để xác định lâm sản vận chuyển trái phép là của người khác, nếu hậu quả hành vi vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 159, thì không xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Về xử lý đối với hành vi vi phạm tang vật là củi, than khai thác trái phép:

Hành vi khai thác rừng trái phép để lấy củi, đốt than phải xử lý về hành vi khai thác rừng trái phép quy định tại Điều 19 Nghị định 159.

Trường hợp phát hiện củi, than cất giữ, vận chuyển do khai thác trái phép mà có, thì cơ quan kiểm lâm làm rõ cá nhân, tổ chức có hành vi khai thác trái phép và cũng áp dụng quy định tại Điều 19 Nghị định 159 để xử lý.

4. Về áp dụng việc tịch thu phần khối lượng gỗ vận chuyển vượt quá sai số cho phép của những lóng gỗ, tấm gỗ, hộp gỗ có nguồn gốc hợp pháp, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 159, chỉ xem xét xử lý tịch thu phần khối lượng gỗ vượt quá sai số cho phép. Xử lý khối lượng gỗ này áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 Nghị định 159.

Sai số cho phép áp dụng đối với từng lóng gỗ, tấm gỗ, hộp gỗ được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 của Quy chế quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Về xác định mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm

a) Đối với gỗ: việc xác định gỗ quy tròn áp dụng theo quy định tại điểm b và điểm c Điều 7 Nghị định 159; gỗ đẽo tròn, đẽo không theo hộp (từ 5 cạnh trở lên) tuỳ từng trường hợp cụ thể, có thể cơ quan kiểm lâm xác định tỷ lệ quy đổi bằng cách nhân với hệ số từ 1,1 đến 1,3 phù hợp với thực tế.

b) Phân biệt gỗ và củi:

- Gỗ tròn loại có đường kính đầu lớn dưới 6 cm áp dụng như củi để xử lý vi phạm; loại có đường kính đầu lớn từ 6 cm trở lên áp dụng như gỗ để xử lý vi phạm.

- Gỗ xẻ không tính là củi.

6. Về tạm giữ giấy tờ, phương tiện vi phạm để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt được quy định tại khoản 4, Điều 45, Nghị định 159.

7. Về thời hạn xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp đã chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra quyết định trả lại hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Theo đó, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho các trường hợp này được áp dụng như sau:

a) Nếu trước khi chuyển vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã xin gia hạn thời hạn xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm.

b) Nếu trước khi chuyển vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm  quyền xử phạt chưa xin gia hạn thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm.

c) Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm có thể xin gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên; 
- TT Hứa Đức Nhị (b/cáo);  
- Cơ quan KL vùng I,II,III;
- Các Vườn QG trực thuộc;
- Lưu VT, TTPC.

CỤC TRƯỞNG




Hà Công Tuấn