Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------

Số: 2091/BTC-CST
V/v: triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực phí, lệ phí

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Ngày 01/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc miễn các khoản phí, lệ phí theo Danh mục các loại phí, lệ phí được miễn ban hành kèm theo Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg và nội dung tiến hành tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí của các bộ, địa phương như sau:

1. Về việc miễn các khoản phí, lệ phí theo Danh mục các loại phí, lệ phí được miễn ban hành kèm theo Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg

Theo Danh mục các loại phí, lệ phí được miễn ban hành kèm theo Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg có 4 khoản phí, lệ phí được miễn, bao gồm: phí an ninh, trật tự; phí phòng, chống thiên tai; lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân và lệ phí địa chính. Theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí thì các khoản phí, lệ phí nêu trên thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh). Tuy nhiên, do Hội đồng nhân dân chỉ họp thường lệ mỗi năm hai kỳ nên để việc miễn phí, lệ phí được kịp thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị: Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức được kỳ họp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn phí, lệ phí theo quy định; trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa tổ chức được kỳ họp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản miễn các khoản phí, lệ phí nêu trên theo đúng Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg và thực hiện báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Nội dung cụ thể như sau:

a. Về phí an ninh trật tự

Phí an ninh, trật tự là khoản thu đối với các tổ chức, hộ gia đình cư trú trên địa bàn địa phương, là một trong những nguồn kinh phí của Quỹ an ninh, trật tự của địa phương, nhằm mục đích hỗ trợ thêm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương của công an xã, phường, đội dân phòng, tổ tuần tra. Thực hiện miễn phí an ninh, trật tự cho tất cả các đối tượng đang nộp phí, bao gồm: tổ chức (cơ sở sản xuất, kinh doanh; đơn vị hành chính, sự nghiệp), cá nhân và hộ gia đình. Quỹ an ninh, trật tự của địa phương vẫn tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí theo quy định hiện hành là ngân sách Nhà nước chi cho công tác an ninh và hoạt động quản lý, hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b. Về phí phòng, chống thiên tai

Phí phòng, chống thiên tai là khoản thu đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình trên địa bàn nhằm phục vụ cho việc phòng, chống thiên tai của địa phương. Thực hiện miễn phí phòng, chống thiên tai cho tất cả các đối tượng đang nộp phí, bao gồm: tổ chức (cơ sở sản xuất, kinh doanh; đơn vị hành chính, sự nghiệp), cá nhân và hộ gia đình.

c. Về lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân

Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật; lệ phí hộ khẩu là khoản thu đối với người thực hiện đăng ký và quản lý hộ khẩu với cơ quan công an theo quy định pháp luật; lệ phí chứng minh nhân dân là khoản thu đối với người được cơ quan công an cấp mới, đổi hoặc cấp lại chứng minh nhân dân. Thực hiện miễn lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với: Khai sinh; kết hôn; khai tử; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi, bổ sung hộ tịch; cấp sổ hộ khẩu gia đình (sổ hộ khẩu); cấp giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể; cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn (sổ tạm trú); cấp chứng minh nhân dân. Nội dung cụ thể như sau:

- Vệ lệ phí hộ tịch: Miễn lệ phí khi thực hiện các công việc về hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, cụ thể là:

+ Miễn toàn bộ lệ phí đăng ký khai sinh, bao gồm đăng ký khai đúng hạn, đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai sinh quá hạn.

+ Miễn toàn bộ lệ phí đăng ký kết hôn, bao gồm đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn.

+ Miễn toàn bộ lệ phí đăng ký khai tử, bao gồm đăng ký khai tử đúng hạn, đăng ký khai tử quá hạn, đăng ký lại việc khai tử.

+ Miễn lệ phí đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch.

+ Đối với việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và các hoạt động đăng ký nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ con, cấp bản sao các giấy tờ về hộ tịch, xác nhận hoặc thực hiện các việc đăng ký hộ tịch khác vẫn thực hiện thu lệ phí theo quy định hiện hành.

- Về lệ phí hộ khẩu: Theo quy định của Luật Cư trú được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, lệ phí hộ khẩu được gọi là lệ phí đăng ký cư trú, các hoạt động liên quan đến việc đăng ký và quản lý hộ khẩu được thực hiện theo quy định mới về cư trú. Trong khi các địa phương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về lệ phí đăng ký cư trú, việc thu và miễn lệ phí đăng ký cư trú tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành về lệ phí hộ khẩu, như: cấp sổ hộ khẩu gia đình được xác định là cấp sổ hộ khẩu, cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn được xác định là cấp sổ tạm trú; trường hợp tách sổ hộ khẩu được xác định là cấp mới; đối với các hoạt động liên quan đến việc đăng ký và quản lý hộ khẩu nay theo Luật Cư trú mà không còn thực hiện thì không thu; vẫn thực hiện thu lệ phí đối với việc cấp đổi, cấp lại do sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị hư hỏng, bị mất, do chuyển cả hộ ra ngoài phạm vi cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (kể cả trong và ngoài phạm vi cấp tỉnh) hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

- Về lệ phí cấp chứng minh nhân dân: Miễn thu khi cấp mới chứng minh nhân dân, bao gồm cả trường hợp cấp chứng minh nhân dân do hết hạn sử dụng. Trường hợp cấp lại, cấp đổi chứng minh nhân dân do bị mất, hư hỏng không sử dụng được, thay đổi các nội dung ghi trong chứng minh nhân dân, thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi cấp tỉnh… vẫn thực hiện thu lệ phí theo chế độ quy định

d. Về lệ phí địa chính

Lệ phí địa chính là khoản thu vào tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền giải quyết các công việc về địa chính. Miễn lệ phí địa chính khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn (hoặc sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp), trừ hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Đối với các hoạt động khác, như: Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai; trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính; cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tính pháp lý của các giấy tờ nhà đất vẫn thực hiện thu lệ phí theo chế độ quy định.

2. Về nội dung tiến hành tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí

Điểm c khoản 3 Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm: “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương tiến hành tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết”.

Để việc tiến hành tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí theo đúng những nội dung quy định của Pháp lệnh và thực tế hoạt động thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiến hành tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí và gửi báo cáo về Bộ Tài chính (trước ngày 25/3/2008) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo những nội dung cơ bản mà Pháp lệnh phí, lệ phí đã quy định thuộc lĩnh vực chuyên ngành của bộ, ngành phụ trách hoặc thuộc địa phương quản lý, như:

- Tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thu phí, lệ phí.

- Việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí.

- Việc kiểm tra, theo dõi việc chấp hành các quy định pháp luật về phí, lệ phí.

Nội dung báo cáo có thể thực hiện theo đề cương như sau:

I. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí, bao gồm các nội dung:

1. Những kết quả đạt được

a. Đối Với người dân trong việc nộp phí, lệ phí.

b. Đối với cơ quan, đơn vị thu phí, lệ phí.

c. Đối với cơ quan quản lý nhà nước.

d. Kết quả thu ngân sách nhà nước về phí, lệ phí qua các năm (từ năm 2002 đến nay) và kết quả đạt được khác (nếu có).

(Có biểu mẫu tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện Pháp lệnh, phí, lệ phí kèm theo)

2. Những tồn tại, hạn chế

a. Về thẩm quyền ban hành văn bản quy định thu phí, lệ phí.

b. Về mức thu phí, lệ phí.

c. Về cơ chế quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí.

d. Về Danh mục các khoản thu phí, lệ phí.

đ. Những tồn tại, hạn chế khác (nếu có).

II. Nguyên nhân của các mặt hạn chế:

Nêu rõ nguyên nhân của từng mặt hạn chế

III. Những kiến nghị:

1. Về thẩm quyền ban hành văn bản quy định thu phí, lệ phí.

2. Về mức thu phí, lệ phí.

3. Về cơ chế quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí.

4. Về Danh mục các khoản thu phí, lệ phí (nêu rõ lý do đề nghị những khoản phí, lệ phí cần đưa ra khỏi Danh mục; những khoản phí, lệ phí cần bổ sung thêm vào Danh mục…).

5. Những kiến nghị khác (nếu có).

 

Bộ Tài chính xin thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được biết, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ CST (CST3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 


TỔNG HỢP, THỐNG KÊ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LỆNH PHÍ, LỆ PHÍ
CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG … NĂM … [1]

 

Stt

 

Tên phí, lệ phí

Cơ quan có thẩm quyền quy định thu

Văn bản quy định chế độ thu

Nội dung

Số tiền thu được và quản lý, sử dụng (1.000 đồng)

Ghi chú

Cơ quan, đơn vị thu

Mức thu

Chế độ quản lý, sử dụng [2]

Tổng số

Nếu là khoản thu không thuộc NSNN

Nếu là khoản thu thuộc NSNN

Số thuế giá trị gia tăng

Số thuế thu nhập doanh nghiệp

Số tiền nộp NSNN

Số tiền để lại cơ quan, đơn vị thu

I

CÁC KHOẢN PHÍ, LỆ PHÍ DO CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG BAN HÀNH

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II

CÁC KHOẢN PHÍ, LỆ PHÍ DO CƠ QUAN ĐỊA PHƯƠNG BAN HÀNH

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III

CÁC KHOẢN PHÍ, LỆ PHÍ ĐÃ BÃI BỎ

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV

CÁC KHOẢN PHÍ, LỆ PHÍ ĐÃ THỰC HIỆN MIỄN, GIẢM

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Mỗi năm làm một biểu (từ năm 2002 đến hết năm 2007).

[2] Nếu là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước thì ghi “nộp thuế”, nếu là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước thì nêu tỷ lệ % nộp ngân sách và tỷ lệ % trích lại cho cơ quan, đơn vị sử dụng theo chế độ quy định.