Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 2096/BGDĐT-KHTC
V/v thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2008

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý, thường trực Đề án, hướng dẫn thêm một số điểm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc sau:

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt tinh thần và nội dung của Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ (về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012) và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, đối với các cán bộ chủ chốt của các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận (huyện).

2. Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 của địa phương. Ban Chỉ đạo Đề án của địa phương do một đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng ban thường trực, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan làm ủy viên. Tổ chức Ban Chỉ đạo cần gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố gửi Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của địa phương về Bộ Giáo dục và Đào tạo (bộ phận thường trực Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên - 49 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

3. Tiến hành kiểm tra, rà soát lại danh mục, số lượng phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại (bao gồm: các phòng học tranh tre, nứa lá, các phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác nhau, các phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp nặng cần xây dựng lại) và nhà công vụ cho giáo viên các địa phương đã báo cáo theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 8000/BGDĐT-KHTC ngày 31/7/2007 và công văn số 11839/BGDĐT-KHTC ngày 8/11/2007 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở danh mục và số lượng các loại phòng học cần xây dựng đã rà soát lại, các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể từng năm của giai đoạn 2008-2012. Kế hoạch thực hiện hàng năm cần xác định rõ: số lượng phòng học và diện tích nhà công vụ cho giáo viên cần xây dựng để thực hiện các mục tiêu và tiến độ đã ghi trong Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tính toán yêu cầu vốn đầu tư thực hiện Đề án (trong đó có đề xuất cụ thể phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách hàng năm của địa phương và vốn huy động từ các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước).

Kế hoạch thực hiện của các địa phương cần gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, theo dõi và phục vụ cho việc kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương.

4. Khẩn trương phân bổ và giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) hỗ trợ cho các chủ đầu tư, các công trình ngay sau khi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (hoặc thông báo của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương).

Cần quán triệt nguyên tắc ưu tiên phân bổ thực hiện trước đối với các huyện, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, các xã không có hoặc có ít nguồn thu, không có khả năng huy động sự đóng góp của các tầng lớp dân cư, ưu tiên cho bậc học mầm non và nhà công vụ cho giáo viên. Quyết định phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm của các địa phương cần gửi  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi chung.

Các nguồn vốn đầu tư thuộc Đề án, đặc biệt nguồn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ theo Luật Ngân sách và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Để giúp các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, cân đối và huy động các nguồn vốn của địa phương, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương sẽ thông báo dự kiến tổng mức và từng năm nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, phần ngân sách địa phương và vốn huy động khác của các tỉnh, thành phố phải đảm bảo để thực hiện Đề án.

5. Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, giảm thời gian và chi phí thiết kế, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các loại phòng học và nhà công vụ cho giáo viên để các địa phương nghiên cứu, áp dụng. Trước mắt, các địa phương có thể sử dụng các thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng ban hành áp dụng đối với Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học trong giai đoạn 2002-2007. (Bộ Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện thiết kế mẫu, thiết kế điển hình thuộc Đề án).

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng và dành quỹ đất có địa điểm và mặt bằng thuận lợi để xây dựng các trường học, nhà công vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu về diện tích đất đối với từng loại trường học, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Đất đai và Điều lệ trường học. (Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản hướng dẫn về việc này).

7. Để thuận tiện trong việc thu thập, cung cấp và tổng hợp thông tin phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp, qua thực tế triển khai thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2002-2007, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan từ khâu xác định danh mục, số lượng phòng học, diện tích nhà công vụ cho giáo viên cần xây dựng, lập phương án phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả việc thực hiện Đề án trên địa bàn.

Việc xác định chủ đầu tư đối với các dự án thành phần cần được xem xét cụ thể về lực lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ để giao nhiệm vụ cho phù hợp với khả năng thực hiện, triển khai Đề án. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có thể giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các công trình thuộc các trường trung học phổ thông, giao cho Ủy ban nhân dân quận (huyện) làm chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; không nên giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ủy ban nhân dân các xã, phường và các trường học.

8. Việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 được thực hiện theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các quy định hiện hành của Nhà nước. Tuy vậy, để giảm bớt thời gian chuẩn bị thủ tục, tranh thủ thời gian xây dựng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch và tiến độ đề ra trong năm 2008 và các năm tiếp theo, các địa phương căn cứ vào quy mô đầu tư và điều kiện xây dựng của từng công trình để có hình thức lựa chọn nhà thầu về tư vấn và xây dựng, (Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định chủ đầu tư, thực hiện chỉ định thầu và đấu thầu chọn đơn vị tư vấn và xây dựng các công trình thuộc Đề án).

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chủ động báo cáo với Tỉnh - Thành ủy và Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội khuyến học, các tổ chức chính trị - xã hội và chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, tiến độ, vốn đầu tư và chất lượng xây dựng các công trình thuộc Đề án trên địa bàn; tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá việc thực hiện Đề án, định kỳ 3 tháng, 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện với Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

10. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, các địa phương cần kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, cùng với việc sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm sử dụng có hiệu quả các trường, lớp học mới được xây dựng.

Trên đây là một số điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thêm, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 đạt kết quả.

Trong quá trình triển khai thực hiện, có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phản ảnh với các Bộ, ngành liên quan và Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương để nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTT, Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc VN;
- Hội Khuyến học VN;
- Đài Truyền hình VN;
- Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận