Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2137/TCT-PCCS
V/v: xử phạt đối với hành vi làm mất biên lai thu phí, lệ phí

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2007 

 

Kính gửi: Cục Thuế Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

Trả lời công văn số 2014/CT-TTr1 ngày 08/05/2007 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc xử phạt đối với hành vi làm mất biên lai thu phí, lệ phí, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1/ Về xử phạt đối với hành vi làm mất biên lai:

Tại Điều 4 và khoản 5, Điều 14 Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí quy định:

Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002.

“a) Phạt tiền 500.000 đồng đối với hành vi làm mất liên giao cho khách hàng của mỗi số chứng từ chưa sử dụng;

b) Phạt tiền 200.000 đồng đối với hành vi làm mất các liên của mỗi số chứng từ, trừ liên giao cho khách hàng của chứng từ chưa sử dụng;”

Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Biển Đông có đơn vị trực thuộc là Phòng khám đa khoa Nhân Đức, thuộc lĩnh vực đầu tư: thành lập bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân, làm mất biên lai thu tiền mẫu số C40a-NCL mua tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, Điều 14 Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 nêu trên. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng. Cục thuế căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/07/2002 để xác định mức phạt.

2/ Về chứng từ thu phí:

Tại phần D, mục III, Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí có quy định: “Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu phí là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước (gọi tắt là phí không thuộc ngân sách nhà nước).

Tiền thu phí không thuộc ngân sách nhà nước được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí. Tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được…”

Tại điểm 7, phần A, mục I, và điểm 2, phần A, mục IV Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí có quy định:

“Mức phí không thuộc ngân sách nhà nước phải chịu thuế theo quy định tại khoản 2, điều 17 của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP bao gồm cả thuế giá trị gia tăng theo thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho ngành dịch vụ tương ứng quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn hiện hành.”

“Đối với phí không thuộc ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng.”

Căn cứ vào quy định nêu trên, phí thu từ dịch vụ y tế tại Phòng khám đa khoa Nhân Đức do Công ty cổ phần Biển Đông đầu tư vào lĩnh vực bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân… là phí không thuộc NSNN, khi thu phí đơn vị phải sử dụng hoá đơn theo quy định tại điểm 2, phần A, mục IV Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 nêu trên.

Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành thu hồi, thanh quyết toán biên lai chưa sử dụng và hướng dẫn đơn vị sử dụng hoá đơn theo quy định.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được biết và thực hiện.

 

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC;
- Lưu: VT, PCCS.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

 


 
Phạm Duy Khương