Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2213/TCT-HTQT
V/v: bổ sung bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2006 


Kính gửi: Cục thuế Bình Thuận  

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 583 CT/TTr ngày 11 tháng 5 năm 2006 của Cục thuế tỉnh Bình Thuận về việc đề nghị Tổng cục Thuế xem xét hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế, khi gửi tờ khai thuế GTGT hàng tháng cho cơ quan thuế cần gửi các bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Việc thu thập thông tin từ các bên thứ ba (đối tác, khách hàng…) về tình hình kinh doanh, tính chất và biến động ngành nghề, thị trường có liên quan đến doanh nghiệp có thể được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như hợp đồng, báo cáo tài chính, thông tin từ báo chí (kể cả báo điện tử), từ việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn… Trong đó, dữ liệu từ Mẫu Bảng kê số 02/GTGT và 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính cũng là một nguồn có tác dụng hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, do dữ liệu thông tin từ Mẫu Bảng kê số 02/GTGT và 03/GTGT không phản ánh được quy mô, biến động trên thị trường, ngành nghề và hiệu quả khai thác thông tin từ dữ liệu này chưa tốt (do không có hỗ trợ của tin học nên dẫn đến việc quá tải về văn bản giấy tờ lưu giữ trong khi dữ liệu không được khai thác thường xuyên đối với tất cả các ĐTNT) nên để giảm bớt thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, khi thực hiện cơ chế TK-TN, các doanh nghiệp được giảm nhẹ thủ tục gửi bảng kê kèm theo Tờ khai thuế GTGT hàng tháng.

Cơ chế TK-TN trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế theo số thuế đã kê khai cho doanh nghiệp, cơ quan thuế chấp nhận các số liệu kê khai này và xác minh tính chính xác số liệu kê khai của doanh nghiệp ở khâu thanh tra, kiểm tra. Do đó, khi theo dõi, phân tích kê khai thuế thường xuyên của doanh nghiệp hoặc phân tích hồ sơ phục vụ kiểm tra, thanh tra, trường hợp cần thiết, Cục thuế có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu sát với thực tế (ví dụ: ngoài bảng kê hóa đơn còn cần xem hợp đồng, hồ sơ thanh toán để xác định bản chất của giao dịch). Quy định này đã được nêu tại Quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 1166/QĐ-TCT ngày 31/10/2005 của Tổng cục Thuế.

Về việc kiểm tra xác minh, đối chiếu hóa đơn đối với doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế hiện không gửi bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra hàng tháng được thực hiện như sau: Cục thuế nhận xác minh lập bản yêu cầu xác minh hóa đơn gửi đến doanh nghiệp yêu cầu xác minh; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác của hóa đơn cần xác minh do doanh nghiệp phát hành; căn cứ công văn trả lời của doanh nghiệp, Cục thuế nhận xác minh trả lời cho Cục thuế gửi xác minh. Cách làm này phù hợp với Điểm 5 Điều 17 Luật thuế GTGT về việc các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm cung cấp tài liệu có liên quan đến việc tính thuế và nộp thuế.

Hiện nay, Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh (phòng Tư khai - Tự nộp) đã thực hiện một số sáng kiến về đối chiếu, xác minh hóa đơn có hiệu quả. Do đó, Cục thuế tỉnh Bình Thuận có thể liên hệ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Cục thuế TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai.
- Lưu: VT, HTQT.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG



 
Lê Hồng Hải