ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 225/UBND-CNN | TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 01 năm 2007 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân các quận - huyện; |
Tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người trong khu vực và trên thế giới diễn biến còn rất phức tạp. Đến nay, các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia, Inđônêsia, Trung quốc, Hàn quốc đều đã ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm và các trường hợp nhiễm bệnh trên người. Tại Việt Nam dịch bệnh cúm gia cầm đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và có nguy cơ lan rộng. Nguyên nhân do một số địa phương tổ chức tiêm phòng vắccin cúm gia cầm chưa chặt chẽ, công tác quản lý đàn và thực hiện thủ tục kiểm dịch xuất đàn gia cầm chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật; những người buôn bán, vận chuyển, giết mổ trái phép gia cầm vẫn còn chủ quan với dịch, không hợp tác với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, qua kết quả kiểm tra của 4 Đoàn liên ngành thành phố đã phát hiện nhiều đối tượng vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người như: kinh doanh gia cầm sống, kinh doanh sản phẩm gia cầm không bao bì, giết mổ gia cầm trái phép, ấp nở thủy cầm và tình trạng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ,… chưa có dấu hiệu giảm và cách đối phó ngày càng tinh vi hơn so với trước đây. Nguyên nhân do Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các địa phương chưa chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm đúng với chủ trương, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố.
Để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) xảy ra ở thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các sở - ngành thành phố tổ chức triển khai ngay các nội dung sau:
1. Tuyên truyền để nhân dân hiểu, nhận thức rõ về nguy hại của dịch cúm gia cầm đối với phát triển chăn nuôi, sức khỏe con người và tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân và cộng đồng. Việc tuyên truyền phải đảm bảo kịp thời, chính xác, không gây hoang mang lo sợ cho người dân. Giao Sở Văn hóa và Thông tin và Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố chuẩn bị ngay đề cương tuyên truyền gởi cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện và sở - ngành thành phố.
2. Giao Chi cục Thú y, các Trạm Thú y và Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn có trách nhiệm giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời gia cầm bị bệnh ngay từ cơ sở xóm, ấp, khu phố, xã, thị trấn để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm quận - huyện xử lý kịp thời, tiêu hủy ngay gia cầm bệnh và áp dụng các biện pháp tổng hợp để khoanh vùng ngăn chặn dịch ngay từ đầu, không để dịch lây lan rộng và lây sang người.
3. Giao Sở Y tế nếu có xảy ra dịch tổ chức cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời và xử lý triệt để các trường hợp bị nhiễm cúm (H5N1) và cùng Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, xử lý phân, chất thải nơi giết mổ, buôn bán gia cầm để khống chế không cho virút cúm A (H5N1) phát tán ra môi trường.
4. Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và Chi cục Thú y có kế hoạch cụ thể triển khai chiến dịch tiêu độc khử trùng trong thời gian từ nay đến ngày 30 tháng 01 năm 2007. Tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy 100% các trường hợp kinh doanh gia cầm sống, kinh doanh sản phẩm gia cầm không bao bì, giết mổ gia cầm trái phép, ấp nở thủy cầm và chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trái phép. Không tái chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ lẽ ở hộ gia đình. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến đề xuất việc tiếp tục duy trì các biện pháp tạm ngưng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm sau ngày 28 tháng 02 năm 2007.
5 Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các địa phương có báo cáo nhanh định kỳ 2 ngày/lần kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi cục Thú y thành phố) để tổng hợp báo cáo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và cúm A ở người. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố tiếp tục giao ban định kỳ 2 tuần/lần, nhằm chấn chỉnh các vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A trên người, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ điều chỉnh lịch giao ban hàng tuần, hoặc hàng ngày./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |