BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2359/TCT-CS | Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2008 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bình Dương
Trả lời công văn số 1730/CT-TT&HT ngày 13/8/2008 Cục Thuế tỉnh Bình Dương về hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá vàng, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại điểm 1 Mục III Phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định về nguyên tắc xác định các khoản chi phí không tính vào chi phí hợp lý như sau:
“1.1. Các khoản chi không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định hoặc hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
1.2. Các khoản chi không liên quan đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế.
1.3. Các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ”.
Tại điểm 2.16 Mục III Phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC (nêu trên) quy định khoản chi phí lãi tiền vay sau đây không tính vào chi phí hợp lý: “Phần chi phí lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính vượt mức lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay. Phần chi phí lãi tiền vay của các đối tượng khác vượt mức lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay hoặc phần chi phí lãi tiền vay vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cao nhất cùng thời điểm của tổ chức tín dụng mà cơ sở kinh doanh có quan hệ giao dịch”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bằng vàng, đến thời điểm trả nợ do giá vàng tăng nên phần nợ gốc có phát sinh khoản chênh lệch cao hơn so với thời điểm vay, khoản chênh lệch này không phải là chi phí lãi tiền vay nên không chịu mức khống chế theo quy định tại điểm 2.16 Mục III Phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC (nêu trên) và khoản chênh lệch này vẫn được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN nếu có đầy đủ chứng từ theo quy định.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Bình Dương biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |