BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2469/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2009 |
Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ
Để có cơ sở quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về nhãn mác hàng hóa. Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho ý kiến về trường hợp cụ thể như sau:
Hiện nay, một số Công ty nhập khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc hiệu Nokia hoặc Samsung, khi tiến hành làm thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan kiểm tra thấy trên sản phẩm chỉ gắn nhãn “Made by Nokia” hoặc “Made by Samsung” chứ không có nhãn xuất xứ (nước sản xuất).
Theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn sản phẩm thì hàng hóa nhập khẩu thuộc diện bắt buộc ghi nhãn trên sản phẩm mà trên đó phải ghi nước xuất xứ, trong trường hợp nhãn chính không thể hiện được đầy đủ thông tin yêu cầu, doanh nghiệp phải bổ sung nhãn phụ trước khi đưa vào lưu thông hàng hóa. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, Cơ quan Hải quan chấp nhận cho thông quan hàng hóa nhưng doanh nghiệp phải thực hiện quy định dán nhãn phụ về xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP dẫn trên.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN thì nhãn phụ có thể được dán trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa. Đối với điện thoại di động nhập khẩu thì khó gắn trên sản phẩm nên nhãn phụ được dán trên vỏ hộp của sản phẩm và nhãn này dễ bị thay đổi khi bán đến người tiêu dùng. Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, hầu hết sản phẩm điện thoại di động nhập khẩu bán cho người tiêu dùng không ghi nhãn phụ theo quy định nhưng các lực lượng chức năng chưa kiểm tra và xử lý. Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, trên nhãn gốc của điện thoại di động nhập khẩu phải ghi rõ nước xuất xứ theo quy định tại Điều 17 – Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thay cho nhãn ghi hãng sản xuất gắn trên sản phẩm như đang tiêu thụ hiện nay tại Việt Nam. Nếu nhãn gốc của sản phẩm không thể hiện nước xuất xứ thì cơ quan hải quan sẽ tạm thời chưa cho thông quan và yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải dán nhãn phụ trước khi thông quan hàng hóa. Như vậy, người nhập khẩu khi ký kết hợp đồng mua bán với người xuất khẩu (nhà sản xuất hàng hóa) phải yêu cầu ghi rõ nước xuất xứ trực tiếp trên nhãn sản phẩm bên cạnh việc ghi hãng sản xuất.
Để có cơ sở hướng dẫn Hải quan địa phương và trả lời cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến về yêu cầu đối với việc gắn nhãn mác xuất xứ đối với hàng điện thoại như nêu trên.
Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác và mong sớm nhận được ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 344/TY-TTr,PC năm 2018 về phối hợp xử phạt hành chính về nhãn mác hàng hóa đối với sản phẩm động vật nhập khẩu do Cục Thú y ban hành
- 2 Thông tư 09/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành
- 3 Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá