BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2491 TM/TTTN | Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2004 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trước tình hình giá phôi thép và giá thép thành phẩm trên thị trường thế giới giảm, giá trong nước do nguồn hàng cung ứng dồi dào nên cũng đang giảm dần; Bộ Công nghiệp, Hiệp hội Thép Việt Nam và Tổng công ty Thép Việt Nam đã có công văn kiến nghị điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phôi thép và thành phẩm. Sau khi nghiên cứu kĩ tình hình thị trường, giá cả và cân đối cung cầu mặt hàng thép, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể quan điểm của mình như sau:
1. Giải pháp hạ các loại thuế nhập khẩu phôi và các loại thép xây dựng xuống mức 0% và việc khuyến khích nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm là giải pháp tình thế, cấp bách nhằm “hạ nhiệt” thị trường thép trong nước. Thực tế đã chứng minh, cùng với việc giá cả thế giới các loại thép và phôi thép giảm, lượng sắt thép cung ứng cho thị trường tăng mạnh (các nhà máy và các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh bán ra, không găm hàng như trước, lượng thép thành phẩn nhập về nhiều) và vốn XDCB được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng đã góp phần hạ mạnh giá bán các sản phẩm thép trong nước. Giá bán thép xây dựng phi 6 cuối tháng 2/2004 (trước khi điều chỉnh thuế) đã lên tới 9,0 - 9,3 triệu đồng/tấn, hiện nay đã xuống mắc 7,2 - 7,5 triệu đồng/tấn đối với thép nội và 7,8 - 8 triệu đồng/tấn đối với thép liên doanh.Vì vậy, đã đến lúc cần xem xét việc tăng dần thuế nhập khẩu phôi và thép thành phẩm để hỗ trợ sản xuất thép trong nước, nhất là đối với các cơ sở sản xuất phôi.
2. Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, dự kiến khả năng cung cấp về thép xây dựng từ 1/5/2004 đến 31/7/2004 là 989.800 tấn (tồn kho sản xuất đến 30/4 là 184.800 tấn; tồn kho lư thông đến 30/4 là 70.000 tấn, tồn kho phôi qui thành phẩm khoảng 250.000 tấn, phôi sản xuất trong nước đến 31/7 quy thành phẩm khoảng 155.000 tấn và lượng phôi đã kí hợp đồng nhập về trước 31/7 quy thành phẩm là 330.000 tấn); ước nhu cầu cả nước từ 1/5 đến 31/7 là 660.000 tấn và đến 31/8 là 880.000 - 900.000 tấn, đó là chưa kể lượng thép xây dựng nhập khẩu về Việt Nam (trong đó số lượng thép xây dựng đã được đăng ký nhập khẩu về Việt Nam trước 15 tháng 5 năm 2004 để được chỉ tiêu nhập 3.000 xe máy EU là 100.000 tấn) nên sẽ không có hiện tượng thiếu thép trong 3 - 4 tháng tới.
3. Nhằm tránh hiện tượng khi điều chỉnh thuế nhập khẩu lên đúng vào lức giá thế giới và giá bán trong nước lại lên, tiếp tục gây khó khăn cho việc tiêu thụ thép, ảnh hưởng đến tốc độ XDCB (5 tháng chi đầu tư phát triển chỉ đạt 28,4% dự toán năm - cùng kỳ 2003 đạt 30,2%; chi đầu tư XDCB đạt 28,7% dự toán năm - cùng kỳ đạt 30,2%); Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công nghiệp, Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp bảo đảm ổn định giá bán thép xây dựng phi 6-8 trên thị trường không vượt quá mức 7,5 triệu đồng/tấn. Theo tính toán, nếu giá phôi nhập khẩu ở mức 350 USD/tấn C&F (hiện nay chào khoảng 300 - 310 USD/tấn với mức thuế nhập 5% thì giá bán ĐBKD khoảng 7.500 đ/kg. Vì vậy, Bộ Thương mại kiến nghị trước mắt điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu cụ thể như sau:
- Phôi thép: không phân biệt xuất xứ là 0%. Bộ Thương mại cho rằng mức thuế này chưa nên coi đó là mức cố định vì tình hình còn biến động. Mặt khác, một số cơ sở sản xuất phôi thép của ta đang xây dựng cũng cần được bảo hộ, khi các cơ sở này đưa vào sản xuất cũng cần được bảo vệ, tại thời điểm đó cần điều chỉnh thuế phôi lên mức hợp lý.
- Thép xây dựng thành phẩm: trong ASEAN 10% ngoài ASEAN 20%.
Đối với các hợp đồng nhập khẩu phôi và thép xây dựng trước thời điểm tăng thuế mới, đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế cũ.
4. Do tình hình thị trường thép thế giới còn diễn biến phức tạp, sau khi tăng mạnh vào đầu năm (giá phôi lên đỉnh điểm 489 - 500 USD/tấn) đã giảm mạnh từ cuối tháng 4/2004 đến nay (hiện chỉ khoảng 300 USD/tấn) nên khó dự báo chính xác tình hình tới. Nhưng khả năng khó có thể giảm xuống thấp như các năm trước (dưới 200 USD/tấn) nên ngành Thép cấn xem xét lại quy hoạch và kế hoạch phát triển tổng thể nhằm đưa tỷ trọng nguồn phôi sản xuất trong nước lên cao, hạn chế tối đa mọi biến động bất lợi của thị trường thế giới tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo kịp thời.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |