BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2505/BYT-ATTP | Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2008 |
Kính gửi: Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả đã xuất hiện tại 18 tỉnh/thành phố và đang có xu hướng lan rộng trên địa bàn cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là sử dụng thức ăn đường phố. Thực hiện Công điện số 511/CĐ-TTg ngày 03/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Bộ Y tế và các Bộ, Ban ngành sáng ngày 12/4/2008 về việc triển khai các giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để nhanh chóng dập tắt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả, Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đề nghị Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai quyết liệt các hoạt động để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thức ăn đường phố nói riêng với những nội dung cụ thể sau:
1. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng triển khai công tác tuyên truyền VSATTP theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để cắt đứt mắc xích sau cùng của sự lây truyền vi khuẩn tả (nếu có). Vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp sau trong giai đoạn phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả:
a. Thực hiện 5 phải
· Phải “ăn chín, uống chín/sôi”. Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn, uống.
· Phải rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.
· Phải rửa sạch và nhúng nước sôi dụng cụ bát đũa trước khi ăn.
· Phải bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, mưa gió, bụi bặm.
· Phải xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.
b. Thực hiện 6 không:
· Không ăn rau sống.
· Không ăn tiết canh.
· Không ăn mắm tôm, mắm tép sống.
· Không ăn gỏi cá, hải sản sống.
· Không ăn nem chạo, nem chua.
· Không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh.
Cần tăng cường thời lượng, tần suất và đa dạng hoá các hình thức chuyển tải các thông điệp nêu trên của Bộ Y tế về công tác bảo đảm VSATTP trong phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả. Đặc biệt đối với các địa phương đang có dịch, cần có hình thức phù hợp để chuyển tải các thông điệp đến các nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng dịch vụ thức ăn đường phố, hay thay đổi nơi cư trú (như học sinh, sinh viên, người lao động tự do, khách du lịch, cán bộ công tác,...).
2. Đánh giá thực trạng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố, xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn mạng lưới kinh doanh thức ăn đường phố, gắn liền với chương trình chỉnh trang đô thị, xây dựng đời sống văn hóa. Triển khai đồng bộ 6 nguyên tắc, 8 nội dung để đạt được 10 tiêu chí về VSATTP thức ăn đường phố, đặc biệt tập trung các hoạt động:
· Kiện toàn ngay hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP cấp quận/huyện, xã/phường.
· Tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, nhận thức, quy định pháp luật về VSATTP đối với loại hình cung ứng dịch vụ thức ăn đường phố. Nâng cao chất lượng, số lượng các bài viết, bài phát thanh về VSATTP trên hệ thống thông tin tại địa bàn xã/phường.
· Tập huấn kiến thức và cấp giấy chứng nhận cho người chế biến, kinh doanh và chủ cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố.
· Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở cung ứng dịch vụ thức ăn đường phố.
· Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm và khi tuyển dụng đối với người kinh doanh thức ăn đường phố.
· Tổ chức ký cam kết thực hiện 10 tiêu chí VSATTP thức ăn đường phố.
· Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra của Đoàn công tác liên ngành và Tổ quần chúng về VSATTP kết hợp với công tác giáo dục, truyền thông cho người cung ứng và sử dụng dịch vụ thức ăn đường phố; xử phạt nghiêm minh các cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thức ăn đường phố, đặc biệt đối với các tỉnh/thành phố đang có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả.
3. Có chính sách hỗ trợ những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tập huấn kiến thức VSATTP, khám sức khỏe, cải tạo điều kiện kinh doanh đáp ứng với yêu cầu của pháp luật về VSATTP.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP tại nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn; kiên quyết không để các cơ sở không đủ điền kiện tiếp tục kinh doanh; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, trách nhiệm triển khai công tác bảo đảm VSATTP.
Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đề nghị Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tập trung và khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 30/4/2008 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| KT. TRƯỞNG BAN |
- 1 Công văn 2066/ATTP-NĐ năm 2013 tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học trên địa bàn do Cục An toàn thực phẩm ban hành
- 2 Công văn 4462/BYT-ATTP năm 2013 về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
- 3 Công điện 511/CĐ-TTg về việc khẩn trương dập tắt dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, không để dịch lan rộng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn 4462/BYT-ATTP năm 2013 về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
- 2 Công văn 2066/ATTP-NĐ năm 2013 tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học trên địa bàn do Cục An toàn thực phẩm ban hành