BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2511/BCT-CNN | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2008 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Bộ Công Thương đã nhận được Công văn số CV-080220 ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Chi hội Dệt May Đông Bắc kiến nghị giải quyết chính sách thuế đối với đối với phế liệu (vải, phụ liệu) của các doanh nghiệp dệt may. Về việc này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Trong sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may, hoạt động gia công hàng xuất khẩu được thực hiện theo hợp đồng với khách hàng nước ngoài. Theo hợp đồng gia công, nguyên phụ liệu (vải, khuy, chỉ, mex...) do khách hàng cung cấp theo định mức để sản xuất ra sản phẩm, các doanh nghiệp được nhận tiền gia công sau khi hoàn thành hợp đồng và giao đủ hàng cho khách. Trong định mức tiêu hao nguyên phụ liệu, khách hàng thường tính cho các doanh nghiệp lượng phế liệu phát sinh trong quá trình sản xuất từ 3% đến 5% để bù đắp hao hụt tự nhiên (vải thiếu hụt do không đủ số lượng, khổ vải sai tiêu chuẩn), vải đầu tấm (vải thừa trong quá trình cắt có độ dài từ 0,5m đến 3m), vải để thay thân, đổi mầu (bán thành phẩm bị lỗi), vải loại ra do không đạt tiêu chuẩn chất lượng ... Phế liệu loại ra trong quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp may cũng được coi là vật tư tiết kiệm.
Đối với số vật tư tiết kiệm trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu các doanh nghiệp tận dụng một phần vải đầu tấm, phụ liệu để sản xuất hàng nội địa, còn chủ yếu là bán phế liệu. Trong điều kiện giá gia công hàng may mặc ngày càng giảm, tiền lương của công nhân ngành may thấp, thì số tiền thu được do tiêu thụ sản phẩm từ vật tư tiết kiệm chủ yếu được dùng để bù đắp đơn giá tiền lương cho công nhân. Mặt khác, do sản phẩm và vật tư tiết kiệm có kích cỡ, màu sắc, chất liệu không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước hoặc tồn tại dưới dạng vải vụn, nên có giá trị rất thấp so với gia nhập khẩu. Các loại vải đầu cây, đầu khúc tiết kiệm này nếu phải nộp thuế nhập khẩu thì giá trị mang bán cũng không đủ tiền nộp thuế. Khi tận dụng đầu khúc, đầu tấm để tiết kiệm sản xuất các sản phẩm quần áo trẻ em chăn, gối can chắp khi tiêu thụ đã nộp thuế giá trị gia tăng 10%.
Vì vậy, để khuyến khích các doanh nghiệp thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may trong điều kiện cạnh tranh, giá gia công giảm, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính:
1. Kiến nghị Nhà nước không thu thuế nhập khẩu đối với vật tư tiết kiệm trong quá trình gia công hàng xuất khẩu (từ 3% - 5%) được thể hiện trong hợp đồng gia công.
2. Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng và ban hành các quy định về thủ tục kê khai, giám sát và quản lý đối với vật tư nhập khẩu để gia công (định mức tiêu hao nhập khẩu, thanh khoản...), để quản lý chặt chẽ vật tư gia công, đồng thời tạo thuận lợi, công bằng cho các doanh nghiệp trong thực hiện các hợp đồng gia công./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |