BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2605/BXD-VKT | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 1999 |
Kính gửi: Bộ Công nghiệp
Bộ Xây dựng đã nhận được công văn số 3718/CV-KHĐT ngày 8/9/1999 của Bộ Công nghiệp về việc thỏa thuận ban hành đơn giá XDCB chuyên ngành điện. Sau khi xem xét Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Công tác xây lắp công trình đường dây tải điện là công tác xây dựng chuyên ngành điện của Bộ Công nghiệp có những đặc thù riêng (kỹ thuật cao, an toàn điện tuyệt đối, ở xa khu dân cư, rải theo tuyến, qua nhiều địa hình phức tạp …) đã được Bộ Xây dựng thỏa thuận định mức dự toán chuyên ngành xây lắp đường dây tải điện (văn bản số 2345/BXD-VKT ngày 28/8/1999) và đã được Bộ Công nghiệp ban hành kèm theo quyết định số 2005/QĐ-KHĐT ngày 7/9/1999. Vì vậy Bộ Xây dựng thống nhất để Bộ Công nghiệp đưa vào áp dụng bộ Đơn giá dự toán XDCB đường dây tải điện (kèm theo phụ lục công văn này) để làm cơ sở quản lý vốn đầu tư xây dựng, xác định giá trị dự toán – Tổng dự toán xây lắp phục vụ cho công tác lập kế hoạch và xác định giá xét thầu cây lắp các công trình xây dựng đường dây tải điện trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/1999.
Tập đơn giá này chỉ áp dụng cho các công trình xây lắp đường dây tải điện. Trong quá trình thực hiện nếu cần thiết phải điều chỉnh bổ sung đề nghị Bộ Công nghiệp trao đổi với Bộ Xây dựng để cùng nghiên cứu giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
THUYẾT MINH VÀ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG
ĐƠN GIÁ DỰ TOÁN XDCB ĐƯỜNG DÂY TẢI ĐIỆN
I. NỘI DUNG ĐƠN GIÁ DỰ TOÁN XDCB ĐƯỜNG DÂY TẢI ĐIỆN
Đơn giá XDCB đường dây tải điện bao gồm chi phí trực tiếp về vật liệu, nhân công và chi phí sử dụng máy thi công cần thiết để thực hiện và hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác hoặc kết cấu xây lắp công trình.
1. Chi phí vật liệu
Chi phí vật liệu là chi phí vật liệu chính (bê tông, cấu kiện bê tông, bán thành phẩm), vật liệu phụ, vật liệu luân chuyển (ván khuôn, đà giáo…) cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác hoặc kết cấu xây lắp (không bao gồm chi phí vật liệu đã tính vào chi phí chung hoặc các chi phí thuộc chi phí khác), một số vật liệu chính (dây dẫn, sứ, phụ kiện …) chưa tính trong đơn giá, được bổ sung vào chi phí vật liệu của đơn giá (kể cả hao hụt nếu có) khi lập dự toán. Giá vật liệu trong đơn giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
2. Chi phí nhân công
Chi phí nhân công là chi phí tiền lương cơ bản, lương phụ, phụ cấp lương của công nhân trực tiếp xây lắp công trình và một số khoản chi phí có thể khoán cho công nhân theo quy định của Nhà nước.
3. Chi phí máy thi công
Chi phí máy thi công là chi phí sử dụng các loại máy thiết bị chạy bằng động cơ điện, động cơ điezen, hơi nước (kể cả hệ thống trang bị phục vụ cho việc sử dụng máy thi công) trực tiếp tham gia thi công xây lắp để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác hoặc kết cấu xây lắp, bao gồm: Chi phí khấu hao cơ bản, chi phí khấu hao sửa chữa lớn, chi phí nhiên liệu động lực, tiền lương, lương phụ và phụ cấp lương, (kể cả một số khoản chi phí có thể khoán cho công nhân theo quy định của Nhà nước) của công nhân điều khiển máy, chi phí sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý máy thi công.
Do đặc điểm công trình đường dây tải điện trải dài theo tuyến qua nhiều địa phương, khu vực có điều kiện xây dựng khác nhau; Để việc quản lý đơn giá, dự toán được chặt chẽ và thuận lợi đồng thời bảo đảm đơn giá, dự toán phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện xây dựng và biện pháp thi công cụ thể của công trình. Đối với đơn giá một số loại công tác xây lắp như: Công tác lắp dựng cột, kéo rải căng dây lấy độ võng, lắp đặt phụ kiện, kéo rải cáp điện, lắp đặt hộp nối cáp, đầu cáp … được quy định theo đơn giá XDCB chưa tính giá trị cấu kiện, cột, dây và phụ kiện …
II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐƠN GIÁ DỰ TOÁN XDCB ĐƯỜNG DÂY TẢI ĐIỆN
1. Phân khu vực đơn giá
Đơn giá dự toán XDCB trạm biến áp được xây dựng theo định mức dự toán chuyên ngành xây lắp đường dây tải điện ban hành kèm theo quyết định số: 2005/QĐ-KHĐT ngày 7/9/1999 của Bộ Công nghiệp và giá vật liệu, nhân công, máy thi công chuẩn của 3 khu vực trong cả nước, tính theo thời điểm giá Quí I – 1999.
Khu vực I (28 tỉnh)
Bao gồm các tỉnh phía Bắc:
Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Nội, Hà Tây, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh.
Khu vực II (14 tỉnh)
Bao gồm các tỉnh miền Trung:
Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc.
Khư vực III (19 tỉnh)
Bao gồm các tỉnh miền Nam:
Lâm Đồng, Thành Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
2. Định mức dự toán chuyên ngành xây lắp đường dây tải điện
Định mức dự toán chuyên ngành xây lắp đường dây tải điện do Bộ Công nghiệp ban hành kèm theo quyết định số 2005/QĐ-KHĐT ngày 7/9/1999 (được Bộ Xây Dựng thỏa thuận bằng văn bản số 2435/BXD-VKT ngày 28/8/1999).
3. Giá vật liệu tại hiện trường xây lắp
Giá vật liệu phụ đến hiện trường xây lắp của đường dây tải điện được tính bình quân theo ba khu vực (khu vực I, khu vực II, khu vực III)
Các cấu kiện, cột, dây, phụ kiện căn cứ vào giá mua tại nguồn cung cấp.
Chi phí vận chuyển vật liệu, cột, dây, cấu kiện đường dài căn cứ theo giá cước hiện hành để tính cho từng công trình và bổ sung vào giá vật liệu, cột, dây, phụ kiện trong đơn giá.
4. Tiền lương và phụ cấp lương
- Lương cơ bản của công nhân xây lắp áp dụng theo Nghị định số 05/CP ngày 26/1/1994 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn 05/LB-TT ngày 4/2/1994 của Liên Bộ Lao động thương binh và Xã hội – Ban tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính về quy định tạm thời mức lương đối với người đương nhiệm trong các cơ quan Nhà nước. Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp. Thông tư số 04/LB-TT ngày 27/1/1997 của Liên Bộ Lao động thương binh và Xã hội – Ban tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính, hướng dẫn (thực hiện điều chỉnh mức lương và trợ cấp đối với công chức, viên chức hành chính sự nghiệp …) cùng các chế độ hiện hành của Nhà nước.
- Lương cơ bản của công nhân xây lắp đường dây tải điện tính theo tiền lương nhóm 4 bảng lương A6 xây dựng cơ bản, kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và thông tư số 28 LB-TT ngày 2/12/1993 của Liên Bộ Lao động thương binh và Xã hội - Tài chính, hướng dẫn bổ sung thực hiện chế độ tiền lương mới, đối với công nhân viên chức trong các doanh nghiệp.
- Phụ cấp lưu động bằng 20% so với lương tối thiểu.
- Phụ cấp không ổn định sản xuất bằng 10%; một số khoản lương phụ (lễ, phép, tết …) bằng 12% và một số khoản chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% so với lương cơ bản.
- Đối với công tác xây lắp công trình đường dây có cấp điện áp < 110kV thì chi phí nhân công trong đơn giá được nhân hệ số 0,95.
Nếu các công trình được hưởng thêm các khoản phụ cấp lương và các chế độ chính sách khác chưa tính trong thành phần đơn giá thì được bổ sung các khoản này vào chi phí nhân công theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc lập và quản lý giá xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư.
5. Giá ca máy thi công
Giá ca máy thi công căn cứ vào bảng giá ca máy thi công ban hành kèm theo Quyết định số 1260 BXD-VKT ngày 28/11/1998 của Bộ Xây dựng và các đơn giá ca máy chuyên ngành xây lắp đường dây.
6. Kết cấu đơn giá XDCB đường dây tải điện:
Đơn giá dự toán XDCB đường dây tải điện được quy định cho ba khu vực cụ thể như sau:
Tập 1: Đơn giá XDCB đường dây tải điện các tỉnh thuộc khu vực I (28 tỉnh phía Bắc)
Tập 2: Đơn giá XDCB đường dây tải điện các tỉnh thuộc khu vực II (14 tỉnh miền Trung)
Tập 3: Đơn giá XDCB đường dây tải điện các tỉnh thuộc khu vực III (19 tỉnh miền Nam)
Thành phần công việc trong đơn giá được quy định chung theo nhóm khối lượng xây lắp chủ yếu. Công tác xây lắp phải thực hiện theo quy trình qui phạm kỹ thuật để bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng đưa công trình vào sử dụng.
III. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐƠN GIÁ DỰ TOÁN XDCB ĐƯỜNG DÂY TẢI ĐIỆN
Tất cả các dự toán công trình đường dây tải điện đều phải căn cứ vào khối lượng bóc tách từ thiết kế bản vẽ thi công và đơn giá XDCB đường dây tải điện để lập, thẩm tra, xét duyệt dự toán, xác định giá xét thầu và thanh quyết toán công trình (đối với công trình được phép chỉ định thầu)
Dự toán được lập theo trình tự sau:
- Xác định khối lượng xây lắp theo thiết kế bản vẽ thi công, theo yêu cầu kỹ thuật xây lắp, theo các chỉ tiêu kỹ thuật khác đã được cấp có thẩm quyền quy định.
- Lập dự toán theo quy định hiện hành trên cơ sở khối lượng công tác xây lắp theo yêu cầu của thiết công trình, các chỉ tiêu kinh tế khác và đơn giá XDCB đường dây tải điện đã được ban hành.
- Đối với công trình đường dây tải điện có chế độ lương, lương phụ, phụ cấp lương khác với quy định trong đơn giá thì chi phí nhân công trong dự toán áp dụng theo quy định trong đơn giá và điều chỉnh cho phù hợp với chế độ của công trình được hưởng.
- Định mức chi phí chung, thuế thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
IV. QUẢN LÝ THỰC HIỆN
Những điều kiện được điều chỉnh giá xây dựng thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng việc lập và quản lý giá xây dựng, công trình thuộc các dự án đầu tư.
Trường hợp Nhà nước thay đổi về giá cả, tiền lương và các chính sách có liên quan, thì được điều chỉnh bổ sung chi phí so với chi phí có liên quan đã tính trong đơn giá.
Đối với các dự toán hạng mục công trình, điều chỉnh chi phí do thay đổi giá cả và tiền lương được tiến hành hàng tháng, hàng quí bằng cách xác định mức bù trừ chênh lệch hoặc điều chỉnh theo của từng khoản mục chi phí trong dự toán sau đó tổng hợp lại để xác định và điều chỉnh dự toán chung cho công trình.
- Trường hợp giá cả vật liệu thay đổi do các cơ quan có thẩm quyền ban hành thì áp dụng theo quy định trong thông tư Liên bộ về hướng dẫn việc thực hiện thông báo và kiểm soát giá vật liệu xây dựng, giá thiết bị trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng của Liên Bộ Vật giá Chính phủ - Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng.
- 1 Thông tư liên bộ 4-LBTT năm 1997 về việc điều chỉnh mức lương và trợ cấp đối với công chức, viên chức hành chính sự nghiệp; người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội năm 1997 do Bộ lao động thương binh và xã hội - Ban Tổ chức cán bộ chính phủ - Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư liên tịch 28-LB/TT năm 1993 bổ sung chế độ tiền lương mới đối với công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp do Bộ Tài chính-Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 1 Thông tư liên tịch 28-LB/TT năm 1993 bổ sung chế độ tiền lương mới đối với công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp do Bộ Tài chính-Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 2 Thông tư liên bộ 4-LBTT năm 1997 về việc điều chỉnh mức lương và trợ cấp đối với công chức, viên chức hành chính sự nghiệp; người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội năm 1997 do Bộ lao động thương binh và xã hội - Ban Tổ chức cán bộ chính phủ - Bộ Tài chính ban hành