BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3127/TCT-PCCS | Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2006 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thông qua kết quả công tác kiểm tra nội bộ ngành trong thời gian qua và những thông tin theo phản ánh từ phía người nộp thuế tại các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp cho thấy ở một số cơ quan thuế, cán bộ thuế tình hình chấp hành kỷ luật hành chính trong công tác quản lý chưa nghiêm, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không được cơ quan thuế các địa phương, cán bộ thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu đối với người nộp thuế, gây bức xúc cho người nộp thuế và làm phương hại đến uy tín của ngành thuế. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu thuộc về trách nhiệm Điều hành của lãnh đạo đơn vị và năng lực của cán bộ thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, nhưng cũng một phần là do Tổng cục Thuế và các Vụ chức năng tham mưu cho Bộ chưa phối hợp tốt, nên có nhiều văn bản trả lời chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn về nội dung. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đã có văn bản số 202 TB/BTC ngày 12/5/2006 về việc phân công, phân định nhiệm vụ và quan hệ phối hợp công tác giữa Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Để thực hiện nghiêm túc sự phân công, phân định nhiệm vụ theo văn bản số 202 TB/BTC nêu trên và nhằm thúc đẩy việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, đảm bảo việc triển khai các công việc có liên quan chất lượng tốt, đúng tiến độ về thời gian và tránh chồng chéo, tăng cường kỷ luật hành chính, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế, Chi cục Thuế triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thuế theo Quyết định số 218/2003/QĐ-TTG ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ thì thủ trưởng cơ quan thuế các cấp phải có trách nhiệm thực thi đúng thẩm quyền đã được phân cấp. Vì vậy trong quản lý thuế, các Cục Thuế, Chi cục Thuế khi nhận được các vướng mắc, kiến nghị của các cơ sở kinh doanh phải giải quyết kịp thời đúng thẩm quyền được phân cấp và tiến độ về thời gian theo quy định. Trường hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế, Chi cục Thuế nhưng cần xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan thuế cấp trên thì Cục Thuế, Chi cục Thuế phải có văn bản gửi cơ quan thuế cấp trên, đồng thời gửi cho cơ sở có kiến nghị được biết. Trong văn bản gửi xin ý kiến cơ quan thuế cấp trên, Cục Thuế, Chi cục Thuế phải đề xuất phương án giải quyết, không được đùn đẩy công văn kiến nghị của đơn vị lên cấp trên. Đối với các vướng mắc, kiến nghị về thuế vượt thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế thì Cục Thuế phải lập báo cáo chuyển về Tổng cục Thuế để xử lý kịp thời cho doanh nghiệp hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thuế.
2- Các Cục Thuế, Chi cục Thuế khi nhận được các văn bản của Bộ Tài chính (do Lãnh đạo Bộ ký) và văn bản do Tổng cục Thuế trả lời cho doanh nghiệp liên quan đến vụ việc Cục Thuế, Chi cục Thuế đang giải quyết thì phải chấp hành, thực hiện ngay theo nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ, Tổng cục. Trường hợp Cục Thuế, Chi cục Thuế nhận được các văn bản trên, nhưng chưa thống nhất với nội dung giải quyết của Bộ, Tổng cục hoặc chưa hiểu rõ nội dung văn bản thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, Cục Thuế, Chi cục Thuế phải có văn bản báo cáo lại Tổng cục Thuế để có văn bản chỉ đạo thực hiện hoặc Tổng cục Thuế sẽ báo cáo Bộ có văn bản chỉ đạo (đối với văn bản do Lãnh đạo Bộ ký). Đối với các vụ việc giải quyết với các đối tượng doanh nghiệp cụ thể, nếu có khó khăn vướng mắc khi xử lý thì các Cục Thuế, Chi cục Thuế phải báo cáo lên Tổng cục Thuế xin ý kiến chỉ đạo để thực hiện thống nhất trong toàn ngành, không được tự ý báo cáo vượt cấp lên Bộ Tài chính.
3- Trường hợp các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trả lời cho doanh nghiệp hoặc trả lời trực tiếp Cục Thuế, Chi cục Thuế (bằng văn bản ký dưới dạng thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì đề nghị Cục Thuế, Chi cục Thuế báo cáo Tổng cục Thuế cho ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi chính sách thuế và chấp hành nghiêm túc về phân định thẩm quyền, phân công nhiệm vụ theo Thông báo số 202 TB/BTC ngày 12/5/2006 của Bộ Tài chính.
4- Khi có vướng mắc trong việc triển khai thực hiện pháp luật về thuế, lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế cần yêu cầu các cán bộ thuế đề xuất nội dung công văn hỏi cơ quan thuế cấp trên phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có liên quan để không ký những công văn hỏi những vấn đề đã quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hướng dẫn chung của Bộ Tài chính hoặc của Tổng cục Thuế. Để giảm thủ tục hành chính trong việc giải quyết các vướng mắc về thuế, Tổng cục Thuế sẽ chuyển trả Cục Thuế, Chi cục Thuế các công văn hỏi về những nội dung mà trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chung của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn cụ thể. Trường hợp Cục Thuế, Chi cục Thuế không trực tiếp hỗ trợ và trả lời người nộp thuế lần đầu mà vẫn gửi công văn để hỏi cấp trên hoặc có tính chất đùn đẩy, gây khó khăn cho người nộp thuế trong khi những nội dung hỏi đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế hoặc đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ thì Tổng cục Thuế (Văn phòng Tổng cục Thuế) sẽ có thông báo nhắc nhở và yêu cầu kiểm Điểm đánh giá cụ thể nguyên nhân, năng lực của cán bộ, năng lực của lãnh đạo Cục, lãnh đạo Chi cục trực tiếp ký công văn.
5- Đối với các Công văn của lãnh đạo Bộ, của Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế, Chi cục Thuế triển khai đánh giá tình hình quản lý thuế trên địa bàn thì các Cục Thuế, Chi cục Thuế phải nghiêm túc thực hiện báo cáo theo quy định và phải gửi báo cáo đúng thời hạn. Việc chấp hành kỷ luật trong việc thực hiện đúng thời hạn báo cáo là cơ sở để đánh giá thành tích thi đua hàng năm của Cục Thuế, Chi cục Thuế và các đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế.
6- Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 322 TCT/QĐ-TCCB ngày 12/2/2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Thuế. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế phát hiện hành vi vi phạm pháp về luật thuế, làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước thì cơ quan thuế phải ra quyết định truy thu ngay số thuế đó vào Ngân sách Nhà nước. Nếu hành vi vi phạm đó là trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho lực lượng cảnh sát để tiến hành Điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật như đã hướng dẫn tại Công văn số 897/TCT-PCCS ngày 13/3/2006 của Tổng cục Thuế.
Các vụ, việc vi phạm pháp luật về thuế do lực lượng cảnh sát chuyển giao cho ngành Thuế để xử lý hành chính, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ mức độ vi phạm về thuế và xử lý theo thẩm quyền, sau đó thông báo kết quả cho lực lượng cảnh sát biết.
Đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nội dung Công văn này đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị và thực hiện nghiêm túc để nâng cao kỷ luật hành chính trong việc chấp hành pháp luật thuế, trong công tác quản lý thuế. Đơn vị nào có cán bộ, công chức không chấp hành nghiêm túc nội dung yêu cầu trên, cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn, làm thiệt hại cho người nộp thuế, thất thu cho Ngân sách Nhà nước thì lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế và cán bộ, công chức thuế được phân công trực tiếp thực hiện công việc liên quan đến người nộp thuế phải chịu trách nhiệm theo quy định về kỷ luật đối với cán bộ, công chức.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |