UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3437/UB-VX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 6 năm 2004 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các sở - ngành và Đoàn thể TP, |
Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương nhiều người. Đặc biệt, từ ngày 30/5/2004 đến ngày 06/6/2004 đã liên tiếp xảy ra 5 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 6 người và làm bị thương 7 người. Trong đó đã xảy ra 2 trường hợp sự cố thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động làm chết 3 người, bị thương 4 người. Để kịp thời chấn chỉnh tình hình trên, chủ động ngăn ngừa có hiệu quả tai nạn lao động, sự cố trong quá trình sản xuất, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo tăng cường việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố như sau:
1- Giám đốc các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hộ lao động, về tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động của đơn vị mình. Qua thanh tra, kiểm tra đánh giá việc làm được, chưa được; phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo hộ lao động; có biện pháp khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót; đồng thời có kế hoạch đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.
2- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố và các sở - ngành chức năng của thành phố, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và Uỷ ban nhân dân các quận - huyện tổ chức điều tra, khảo sát tình hình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động trên địa bàn thành phố; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc quản lý chặt chẽ các thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và sự cố trong sản xuất do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng vận hành các loại thiết bị không đúng theo tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn lao động và vệ sinh lao động.
3- Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các sở - ngành thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tổ chức bộ máy và nhân sự Bảo hộ lao động của các đơn vị, doanh nghiệp. Hội đồng Bảo hộ lao động thành phố, sở - ngành và các quận - huyện chủ động phối hợp với các sở - ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân lao động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn toàn diện trong sản xuất và trong sinh hoạt.
4- Hội đồng Bảo hộ lao động thành phố có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các sở - ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tổ chức bộ máy và nhân sự Bảo hộ lao động của các đơn vị, doanh nghiệp. Hội đồng Bảo hộ lao động thành phố, sở - ngành và các quận - huyện chủ động phối hợp với các sở - ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động và người sử dụng lao động vê pháp luật bảo hộ lao động, vê tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.
5- Giám đốc các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; tổ chức bộ máy bảo hộ lao động cơ sở và bố trí người làm công tác bảo hộ lao động của đơn vị, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho tất cả lao động làm việc tại đơn vị mình (kể cả lao động thời vụ, thử việc, học nghề); tổ chức lực lương sơ cấp cứu tai nạn lao động tại chỗ có đủ năng lực và phương tiện hoạt động; chấp hành nghiêm các quy định về khai báo tai nạn lao động; thống kê, báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho các cơ quan có thẩm quyền.
6- Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố nhanh chóng tổ chức điều tra, kết luận các trường hợp tai nạn lao động, kịp thời đưa ra xét xử trước pháp luật các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
7- Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng định kỳ hàng tuần (hoặc tháng) mở chuyên mục thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hộ lao động, về các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, về kinh nghiệm phòng chống tai nạn lao động; thông tin trên Báo - Đài những đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; đồng thời phê phán những đơn vị thực hiện chưa tốt, những hành vi vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động.
Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, Giám đốc các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể để tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của đơn vị mình; Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực của Hội đồng bảo hộ lao động thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo hộ lao động của các cơ sở, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân thành phố theo quy định./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |