TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/KHXX | Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2007 |
CÔNG VĂN
HƯỚNG DẪN VIỆC PHÁP NHÂN KHỞI KIỆN VÀ ỦY QUYỀN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ
Trong thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được Công văn của một số Tòa án nhân dân địa phương và một số cơ quan, tổ chức kinh tế phản ánh còn có các cách hiểu khác nhau khi thực hiện hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 02) đối với các trường hợp văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của pháp nhân khởi kiện vụ án dân sự.
Để thực hiện đúng và thống nhất hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 Phần I của Nghị quyết số 02 trong trường hợp pháp nhân hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân khởi kiện vụ án dân sự (vụ án dân sự gọi chung), Tòa án nhân dân tối cao giải thích và hướng dẫn bổ sung một số điểm như sau:
1. Về người đại diện hợp pháp của pháp nhân
Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật dân sự và Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự thì người đại diện hợp pháp của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân; đại diện theo ủy quyền của pháp nhân là người được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật dân sự về đại diện.
2. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thực hiện việc khời kiện vụ án
Đối với trường hợp này trong đơn khởi kiện tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của pháp nhân, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Ví dụ: Tên, địa chỉ của người khởi kiện: Tổng công ty xây dựng H, có trụ sở tại số 15, phố X, quận M, thành phố N; người đại diện cho Tổng công ty xây dựng H: ông Nguyễn Bá Nam – Tổng Giám đốc (là người đại diện theo pháp luật).
Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân; ghi chức vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và đóng dấu của pháp nhân.
Ví dụ:
Người khởi kiện
Tổng công ty xây dựng H
Tổng Giám đốc
(Chữ ký)
Nguyễn Bá Nam
3. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện vụ án
Đối với trường hợp này trong đơn khởi kiện tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của pháp nhân, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo ủy quyền, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền.
Ví dụ: Tên, địa chỉ của người khởi kiện: Công ty TM và DV Hoàng Anh, có trụ sở tại số 33, đường X, thị xã H, tỉnh Q; người đại diện cho Công ty TM và DV Hoàng Anh: bà Lệ Thanh, Trưởng phòng Phòng kinh doanh của Công ty là người đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền số (nếu có) ngày 15/3/2007 của Giám đốc Công ty TM & DV Hoàng Anh.
Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân; ghi dòng chữ: “Người đại diện theo ủy quyền”; người đại diện theo ủy quyền ký tên; ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền và đóng dấu của pháp nhân.
Ví dụ:
Người khởi kiện
Công ty TM và DV Hoàng Anh
Người đại diện theo ủy quyền
(Chữ ký)
Lệ Thanh
4. Trường hợp Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án về tranh chấp phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện
Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật dân sự và Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự thì đối với trường hợp này trong đơn khởi kiện tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của pháp nhân, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền.
Ví dụ: Tên, địa chỉ của người khởi kiện: Ngân hàng MXY Việt Nam, có trụ sở tại số 45, phố L, quận H, thành phố Hà Nội; người đại diện cho Ngân hàng MXY: ông Trương Thanh Ba – Giám đốc chi nhánh ngân hàng MXY tỉnh Q là người đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền (hoặc quyết định đặt chi nhánh) số 72/NH-MXY ngày 17/3/2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng MXY.
Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân; ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.
Ví dụ:
Người khởi kiện
Ngân hàng MXY Việt Nam
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MXY tỉnh Q
(Chữ ký)
Trương Thanh Ba
Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật dân sự thì trong trường hợp này có thể đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận được Công văn này cần phổ biến ngay trong đơn vị mình để thực hiện, đồng thời cho niêm yết Công văn này cùng mẫu đơn khởi kiện và hướng dẫn sử dụng mẫu đơn khởi kiện.
- 1 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 2 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai thủ tục giải quyết vụ án tại toà án cấp sơ thẩm của bộ luật tố tụng dân sự do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 3 Bộ luật Dân sự 2005
- 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004