Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4060/TM-CATBD
V/v: Kết quả Phiên họp lần thứ nhất Uỷ ban Hợp tác chung về Thương mại Việt Nam - Mianma

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2002

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đã đón đoàn Bộ trưởng Bộ Thương mại Ma-an-ma và tổ chức phiên họp lần thứ nhất Uỷ ban Hợp tác chung về Thương mại Việt Nam - Mi-an-ma, Bộ trưởng Bộ Thương mại kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chương trình làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mi-an-ma và kết quả Phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mi-an-ma sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 8/10/2002. Đoàn đã đi thăm địa đạo Củ chi, nhà máy xay xát gạo Agrex Sài Gòn, công ty cổ phần chế tạo máy SINCO, cảng Sài Gòn - Mi-an-ma, gặp và trao đổi công việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đoàn Bộ trưởng Mi-an-ma đã đến chào xã giao và báo cáo kết quả chuyến công tác với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Ngày 7/10/2002, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cùng ngài Chuẩn tướng Pyi Sone, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mi-an-ma, đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Uỷ ban Hợp tác chung về Thương mại Việt Nam - Mi-an-ma. Tại Phiên họp Bộ trưởng Thương mại hai nước đã trao đổi tìm ra những vướng mắc trong phát triển hợp tác thương mại và bàn biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng kim ngạch thương mại song phương. Hai Bộ trưởng đã đi đến thỏa thuận cụ thể như sau:

1. Hai bên nhất trí biến quan hệ chính trị tốt đẹp thành những chương trình hợp tác kinh tế hiệu quả. Hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch hai chiều lên 30 triệu USD vào năm 2005. Để đạt được mục tiêu đó, hai bên sẽ hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác thương mại; lập danh mục hàng hóa trao đổi, ví dụ như Việt Nam có thể xuất sang Mi-an-ma máy móc thiết bị xay xát gạo, thiết bị cơ khí, dầu nhờn, phụ gia, phân bón, sản phẩm nhựa... Việt Nam nghiên cứu nhập khẩu một số hàng hóa dưới dạng nguyên liệu để chế biến hoặc xuất sang nước thứ ba. Trong trường hợp cần thiết sẽ thành lập cơ chế thích hợp để thực thi việc đổi hàng, tìm hiểu nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

2. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các thủ tục, quản lý xuất nhập khẩu ví dụ như cấp đủ giá trị cho một lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam, giảm thời gian cấp phép nhập khẩu hoặc tăng hạn ngạch nhập khẩu hàng Việt Nam, hỗ trợ sớm phê duyệt 9 mặt hàng dược phẩm mà Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I của Việt Nam đã nộp hồ sơ từ năm 2001 xin đăng ký để tiêu thụ 9 mặt hàng này ở Mi-an-ma. Phía Mi-an-ma ghi nhận sẽ thảo luận vấn đề này với các cơ quan hữu quan của Mi-an-ma.

3. Hai bên sẽ hợp tác trong các hoạt động xúc tiến thương mại ví dụ như trao đổi đoàn ở cả cấp Chính phủ và doanh nghiệp nhằm thông báo cho nhau tình hình cập nhật và cơ hội kinh doanh của mỗi nước nhằm khuyến khích giới doanh nghiệp hai nước làm ăn với nhau, khuyến khích các doanh nghiệp tham dự hội chợ triển lãm thương mại, hội thảo, mở rộng phòng trưng bày sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa ở mỗi nước đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước đối tác. Trước mắt, phía Mi-an-ma sẽ hỗ trợ Bộ Thương mại Việt Nam trong việc tổ chức hội chợ hàng Việt Nam tại Yangoon vào cuối tháng 10/2002.

4. Đề nghị phía Mi-an-ma hình thành đường bộ nối Mi-an-ma với Việt Nam qua Lào, phía Việt Nam sẽ xem xét và báo cáo với các cơ quan hữu trách của Việt Nam. Dự kiến phiên họp lần thứ hai của Uỷ ban Hợp tác chung về Thương mại sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2003 tại Mi-an-ma.

Bộ Thương mại kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Trương Đình Tuyển