Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4180/UBND-TM
Về biện pháp cân đối ngân sách cho kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2006

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 06 năm 2006 

 

Kính gửi:

- Sở Tài chính;
- Cục thuế thành phố;
- Sở Tài nguyên và môi trường;
- Sở Giao thông – Công chính;
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc;
- Sở Kế hoạch Và Đầu tư;
- Ban chỉ đạo 80;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Trung tâm thu hồi và khai thác quỹ đất phục vụ đầu tư.

 

Căn cứ Nghị quyết số 34/2005/NQ-HĐND ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006.

Mục tiêu phấn đấu của thành phố năm 2006 là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (GDP tăng từ 12% trở lên), đảm bảm kinh tế - xã hội thành phố phát triển nhanh, bền vững. Để đạt mục tiêu, thành phố cần huy động trên 62.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó vốn ngân sách chiếm 20,2% (dự kiến 12.500 tỷ đồng).

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện ngay các biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư. Cụ thể như sau:

1. Phấn đấu vượt thu ngân sách năm 2006:

1.1. Giao trách nhiệm ngành thuế:

- Triển khai các biện pháp để phấn đấu tăng thu nội địa 9,57% so với chỉ tiêu pháp lệnh (chỉ tiêu phấn đấu: 39.393.350 triệu đồng).

- Khai thác và thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc kê khai và nộp thuế của các tổ chức và cá nhân nộp thuế.

1.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm chỉ đạo các Chi cục Thuế quận - huyện kết hợp với Phòng Kinh tế, Ủy ban nhân dân phường – xã tổ chức tốt việc quản lý thu, chống sót hộ trên địa bàn, đảm bảo nộp thuế, lệ phí và các khoản thu khác nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.

2. Về đấu giá quyền sử dụng đất:

2.1. Khẩn trương tổ chức thu hồi các khu đất có khả năng đưa ra đấu giá theo kế hoạch:

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường: ngoài danh mục các khu đất đang trong quá trình làm thủ tục thu hồi đất, tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng để đấu giá từ năm 2005 chuyển sang, trong tháng 6 năm 2006, chủ trì phối hợp các quận, huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch thu hồi các khu đất mới có khả năng đưa ra đấu giá ngay trong năm 2006.

- Giao Ban Chỉ đạo 80 đẩy mạnh rà soát phê duyệt phương án thực hiện Quyết định 80 của doanh nghiệp, địa phương, thu hồi và đưa ra đấu giá mặt bằng, nhà xưởng sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, lãng phí.

- Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định các chỉ tiêu quy hoạch phù hợp - khả thi - hấp dẫn nhà đầu tư đối với các khu đất đã có quyết định thu hồi đất đưa ra đấu giá.

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ động kiểm tra rà soát nguồn đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn, chủ động đề xuất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất.

2.2. Đầu tư tạo quỹ đất mới:

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khai thác quỹ đất xây dựng kế hoạch đầu tư tạo quỹ đất mới, tăng thu ngân sách từ đất khi Nhà nước thực hiện quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng.

3. Điều chỉnh giá đất tại khu vực đô thị hóa, khu đô thị mới và các khu vực nhà nước đầu tư hạ tầng:

Để khai thác có hiệu quả các nguồn thu còn nhiều tiềm năng, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương điều chỉnh quy hoạch đối với khu vực đô thị hóa, khu đô thị mới và các khu vực nhà nước đầu tư hạ tầng.

Căn cứ kết quả quy hoạch được điều chỉnh, vào kết quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vào việc đưa các công trình cầu, đường vào sử dụng, Sở Tài chính chủ động phối hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện trình Ủy ban nhân thành phố điều chỉnh giá đất đối với khu vực nêu trên kịp thời theo quy định.

4. Tăng cường thu phí bảo vệ môi trường:

Kết quả thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hiện nay còn thấp hơn mức lộ trình cam kết với Ngân hàng Thế giới theo Hiệp định tín dụng phát triển của dự án "Cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh". Trong khi đó, dân số của thành phố ngày càng tăng, cùng với sự phát triển nhanh của công nghiệp, nhu cầu kinh phí để trang trải cho các hoạt động bảo vệ môi trường cũng gia tăng (như nạo vét kênh rạch, tiêu thoát nước, duy tu bảo dưỡng hệ thống cống thoát nước, duy tu, bảo dưỡng và vận hành các hệ thống xử lý nước thải…). Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm:

4.1. Sở Giao thông – Công chính:

- Tăng cường quản lý, kiểm soát thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

- Lập phương án xác lập lộ trình khả thi tăng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt với mức thu phù hợp để nâng cao trách nhiệm của người dân.

4.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tránh thất thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

- Lập phương án xác lập lộ trình tăng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp nhằm đảm bảo nhu cầu sử duụg theo nội dung nêu trên.

5. Thu phí thu gom - vận chuyển - xử lý rác:

Thành phố đã chuyển một bước từ cơ chế bao cấp cho các doanh nghiệp công ích đối với các loại dịch vụ đô thị vệ sinh môi trường sang cơ chế khoán, đấu thầu; tuy nhiên năm 2006 ngân sách vẫn bố trí cho dịch vụ này là 330 tỷ.

Để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư từ xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, sơ kết việc thực hiện cơ chế khoán, đấu thầu thu gom, vận chuyển, xử lý rác và báo cáo đề xuất triển khai đề án người dân tham gia trả chi phí thu gom - vận chuyển - xử lý rác, đồng thời mở rộng đấu thầu, khoán đối với rác lĩnh vực có liên quan.

6. Về thực hiện đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt:

Giao Sở giao thông - Công chính khẩn trương thực hiện đấu thầu khai thác một số tuyến xe buýt trong tháng 7 năm 2006, theo dõi rút kinh nghiệm để nhân rộng trong quý IV năm 2006 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng hành khách và giảm tiền trợ giá xe buýt trên từng hành khách.

7. Tổ chức thực hiện:

Các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện được phân công nêu trên khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, sớm huy động mọi nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển từ nay đến cuối năm của thành phố. Hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố để theo dõi và có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành uỷ;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- Thường trực Ủy ban nhân dân TP;
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐNDTP;
- VP HĐ-UB: CVP; PVP/KT;
- Tổ TM, TH;
- Lưu (TM/P) P.50

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Hữu Tín