Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số 4304/VPCP-KTTH

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2004

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Thương mại, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn,
Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh,
- Bản 127 Trung ương

 

Sau khi xem xét ý kiến của Bộ Tài chính (công văn số 260/TM-KV1 ngày 16 tháng 7 năm 2004) và báo cáo của một số cơ quan về tình hình buôn bán, trao đổi hàng hoá biên mậu Việt - Trung, Thủ tướng chính phủ có ý kiến như sau:

Cho đến nay, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường lớn về buôn bán, trao đổi mậu dịch với ta, trong đó xuất nhập khẩu và trao đổi hàng hoá theo đường mậu dịch biên giới (biên mậu) chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch, buôn bán giữa hai nước, góp phần tiêu thụ một phần quan trọng hàng hoá của Việt Nam. Tuy vậy, hoạt động biên mậu trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, như thâm hụt thương mại kéo dài, vấn đề phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, công tác điều hành hoạt động biên mậu.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tiếp tục phát triển và đẩy mạnh quan hệ mậu dịch với Trung Quốc nhất là thị trường các tỉnh Hoa Nam, ngoài việc triển khai các biện pháp Bộ Tài chính đã kiến nghị, yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện một số việc dưới đây:

1. Hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá theo đường biên mậu diễn ra khá đa dạng (chính ngạch, tiểu ngạch, buôn bán ở chợ biên giới, khu kinh tế cửa khẩu,trao đổi dân cư…), do vậy công tác điều hành phải rất linh hoạt, cụ thể; Bộ Thương mại khẩn trương bàn với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan để thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới và hướng dẫn hoạt động buôn bán biên mậu theo các quy định tại Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ chủ động phối hợp với phía Trung Quốc để cùng xử lý kịp thời và cụ thể các vấn đề phát sinh trong hoạt động buôn bán biên mậu.

2. Căn cứ các thoả thuận đã ký kết giữa ta và Trung Quốc, Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc nghiên cứu và thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ vào thị trường Trung Quốc dưới mọi hình thức; thoả thuận với phía Trung Quốc về hạn ngạch xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản hiện Trung Quốc còn áp dụng hạn ngạch.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bàn với Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao để triển khai việc ký kết các thoả thuận về kiểm dịch động, thực vật với phía Trung Quốc và một số nước Châu Á khác để khai thông, đẩy nhanh hơn nữa xuất khẩu các loại nông sản, rau, hoa quả vào các thị trường này; khuyến khích việc thoả thuận trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai nước trong việc mở rộng các hình thức hợp tác chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, lương thực và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải chủ động phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh, thực hiện phương châm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu là giải pháp quan trọng để cân bằng thương mại với Trung Quốc.

3. Trong quá trình soạn thảo các nguyên tắc đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên cơ sở các thoả thuận cấp cao, các Bộ, ngành cần lưu ý đến các dự án phát triển các hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hoá của các tỉnh Hoa Nam Trung Quốc qua các cảng biển phía Bắc Việt Nam; mở rộng quy mô cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm chế biến cho các tỉnh Hoa Nam; phát triển đa dạng các hình loại du lịch… tạo điều kiện tăng nhanh kim ngạch buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa hai nước.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số ngành sản xuất hiện đã và đang được các nhà đầu tư Châu Á chuyển dịch vào Việt Nam dưới mọi hình thức (nh đối với ngành dệt may, giầy dép, chế biến đồ gỗ, sản xuất lắp ráp xe gắn máy, ô tô, vật liệu xây dựng…) để bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp, tránh đầu tư trái phép, tăng cường công tác thẩm định các dự án để tránh nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu, đã qua sử dụng; khuyến khích các nhà đầu tư Châu Á đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, rau quả xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

5. Yêu cầu Bộ trưởng các Bộ quản lý sản xuất xuất khẩu trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại công văn số 78/CP-KTTH ngày 20 tháng 01 năm2003, về việc xây dựng các tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu để đưa vào cơ chế điều hành xuất nhập khẩu thời kỳ 2006 - 2010; thường xuyên giám sát, chỉ đạo hoạt động sản xuất của ngành, tăng cường các giải pháp tiết kiệm vật tư nguyên liệu để hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá, xem đây là giải pháp quan trọng để chống hàng nhập lậu.

6. Đồng ý việc Bộ Thương mại tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh theo các phương thức tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu qua khu vực Quảng Ninh đối với các mặt hàng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu là: hàng điện tử các loại, quần áo, phụ tùng ô tô và thuốc lá điều 555. Giao Bộ Thương mại chủ trì cùng các cơ quan hữu quan và Văn phòng Chính phủ kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh này ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, bao gồm cả hoạt động gửi các mặt hàng này qua kho ngoại quan và hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng, dầu; báo cáo Thủ tướng chính phủ trong tháng 10 năm 2004 về thực trạng và kiến nghị việc điều chỉnh các chính sách, cơ chế liên quan để tăng cường công tác chống hàng nhập lậu.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo các cơ quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh liên quan đến, thực hiện.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quốc Huy