BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 496/BXD-HĐXD | Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2008 |
Kính gửi: Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1995/SXD-KTXD ngày 06/11/2008 của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc về việc hướng dẫn thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về thẩm định lại dự toán các công trình xây dựng:
- Theo quy định khi phê duyệt dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải tổ chức thẩm định dự án để xem xét tính hiệu quả và tính khả thi của dự án. Một trong các yếu tố để đảm bảo tính khả thi là phải xem xét về khả năng bố trí vốn; nếu chưa bố trí đủ nguồn vốn thì phải cân nhắc chưa nên phê duyệt dự án vì không đảm bảo tính khả thi.
- Về thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán cần chia ra 2 trường hợp:
Trường hợp đối với công trình phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình:
Trường hợp này, theo quy định chủ đầu tư là người tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để phục vụ cho việc quản lý chi phí và làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu. Nếu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, giá trị dự toán có sự thay đổi do có sự biến động khách quan thì chủ đầu tư có quyền thẩm định phê duyệt lại để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu; nếu việc điều chỉnh dự toán làm vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư (khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007).
Trường hợp đối với công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP đối với công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật thì tổng mức đầu tư đồng thời là dự toán công trình. Như vậy, khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật có nghĩa là đã phê duyệt tổng mức đầu tư (đồng thời là phê duyệt dự toán). Vì vậy, khi có sự biến động về giá cả làm thay đổi dự toán thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư xem xét phê duyệt điều chỉnh dự toán (cũng là điều chỉnh tổng mức đầu tư).
2. Về thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
Theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư các dự án sử dụng mọi nguồn vốn có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; nếu chủ đầu tư không có điều kiện năng lực thì thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thẩm tra trước khi phê duyệt. Tuy nhiên, tuỳ thuộc tình hình thực tế ở địa phương; đồng thời để tiết kiệm chi phí cho việc thuê tư vấn thẩm tra và kiểm tra việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật nhằm bảo đảm mức độ an toàn và chống lãng phí đối với những công trình trọng điểm của tỉnh và những công trình có kỹ thuật phức tạp thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể giao cho các Sở có xây dựng chuyên ngành giúp chủ đầu tư thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán đối với những công trình phải lập dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để làm cơ sở cho chủ đầu tư phê duyệt. Các Sở được giao thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình.
3. Về thẩm định thiết kế bản vẽ thi công theo đề nghị của chủ đầu tư:
Các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành là các cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc chức năng được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao. Do vậy, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì các Sở có công trình chuyên ngành chỉ thẩm định thiết kế cơ sở; còn các bước thiết kế tiếp theo đều do chủ đầu tư thẩm định. Do đó, để đảm bảo khách quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán của chủ đầu tư thì các Sở không thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán những công trình này (trừ những công trình như nêu tại điểm 2 ở trên).
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |