Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 5329/TCHQ-GSQL
V/v tiếp nhận và xử lý hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu qua cảng biển

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2007

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Hiện nay, tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang tồn tại vướng mắc về thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu. Sau khi thống nhất với Bộ Giao Thông Vận tải tại công văn số 5194/BGTVT-PC ngày 20/08/2007 về việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu qua cảng biển, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể để Cục Hải quan tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện như sau:

1) Những vấn đề Hải quan cần biết về việc sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá:

1.1. Bản khai hàng hoá (Cargo Declaration) hoặc Bản lược khai hàng hoá (Cargo Manifest) xuất khẩu, nhập khẩu là bản khai báo của trưởng tàu với cơ quan Hải quan về hàng hoá được vận chuyển trên tàu khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh cho tàu. Căn cứ để lập bản khai hàng hoá chính là các vận tải đơn (hợp đồng vận tải hàng hoá giữa người gửi hàng và người vận tải). Vì vậy, việc sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá phải xuất phát từ việc sửa chữa, điều chỉnh vận tải đơn (B/L), trên cơ sở yêu cầu của người gửi hàng đối với người vận tải (chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu), và người vận tải hoặc đại diện hợp pháp của người vận tải) sẽ thông báo cho trưởng tàu biết (khi chưa lập bản khai hàng hoá) hoặc thông báo cho cơ quan Hải quan biết (khi đã lập bản khai hàng hoá) việc sửa chữa, điều chỉnh.

Yêu cầu sửa chữa, điều chỉnh vận tải đơn dẫn đến việc sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá thường có các nội dung: (1) sửa chữa tên người nhận hàng, (2) tên mặt hàng; (3) số lượng, trọng lượng hàng; (4) số seal hãng tàu; (5) số hiệu container; (6) tên cảng đích ghi trên vận tải đơn.

1.2. Hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu / bản lược khai hàng hoá nhập khẩu gồm:

- Yêu cầu sửa chữa, điều chỉnh vận tải đơn của người gửi hàng ở nước ngoài;

- Điện xác nhận của chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu từ nước ngoài (bản dịch tiếng Việt Nam, bản sao tiếng Anh mỗi loại 01 bản) về nội dung điều chỉnh.

- Đơn xin điều chỉnh của chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu;

- Bản khai hàng hoá điều chỉnh;

- Văn bản uỷ quyền của chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu cho người được uỷ quyền làm việc với cơ quan Hải quan để xin điều chỉnh nội dung Bản khai hàng hoá;

- Riêng vận tải đơn đích danh, nếu điều chỉnh tên người nhận hàng thì phải có văn bản từ chối nhận hàng của người nhận hàng trên vận tải đơn.

2. Thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu:

2.1. Nơi tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu:

- Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi đã làm thủ tục nhập cảnh cho tàu là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu.

- Chỉ tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu trước khi người nhận hàng làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.

2.2. Trình tự tiếp nhận và xử lý đối với hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu:

- Lãnh đạo Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm phân công công chức thực hiện các công việc: tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu nội dung thông báo sửa chữa, điều chỉnh với bản khai hàng hoá do thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp đã nộp khi phương tiện vận tải nhập cảnh.

- Công chức tiếp nhận hồ sơ có ý kiến đề xuất chấp nhận hay không chấp nhận (có ghi rõ lý do vì sao không chấp nhận) về nội dung sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá (có mẫu phiếu kèm theo).

- Chuyển hồ sơ cho lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định. Sau khi lãnh đạo Chi cục chấp nhận nội dung sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá thì lãnh đạo Chi cục xác nhận trên bản khai hàng hoá điều chỉnh và gửi 01 bản sao đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục cho hàng hoá nhập khẩu biết để làm thủ tục hải quan. Trường hợp lãnh đạo Chi cục không chấp nhận nội dung sửa chữa, điều chỉnh trên bản khai hàng hoá thì lãnh đạo phải ghi rõ lý do vì sao không chấp nhận để thông báo cho chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu biết.

2.3. Thời gian giải quyết công việc trên không quá 04 giờ làm việc kể từ khi công chức tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá từ chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu.

3. Trường hợp đặc thù của cảng tổng hợp Bình Dương, Tổng cục sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết, đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời Tổng cục Hải quan (qua Vụ Giám sát quản lý) để có chỉ đạo giải quyết./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Túc

 

Cục Hải quan:

Chi cục Hải quan:

PHIẾU TIẾP NHẬN HỒ SƠ

1. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ:

2. Hồi ngày ....... tháng ......... năm 200 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu........................... tôi đã tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hoá nhập khẩu của

3. Hồ sơ gồm:

- .................................

- .................................

- .................................

- .................................

- .................................

4. ý kiến đề xuất:

 

 

 

 

Ký tên, đóng dấu công chức:

 

5. ý kiến của lãnh đạo Chi cục Hải quan:

 

 

 

Ký tên (ghi rõ họ tên)

 

6. Thông báo cho chủ tàu / đại lý chủ tàu.

7. Kết thúc công việc: hồi            ngày    tháng   năm 200... ./.