Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 534-TC/VT

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1991

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 534-TC/TV NGÀY 26/4/1991 VỀ VIỆC THU LỆ PHÍ TIẾP NHẬN HÀNG VIỆN TRỢ

 

Thực hiện ý kiến của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng tại văn bản số 343-KTĐN ngày 5/2/1991 về việc giao cho Bộ Tài chính xây dựng quy chế thu phí tiếp nhận hàng viện trợ. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

1- Phí tiếp nhận hàng viện trợ: được hiểu là toàn bộ các khoản chi phí hợp lý, đề làm các thủ tục cần thiết và đưa hàng hoá tới cửa khẩu Việt Nam.

Phí tiếp nhận hàng viện trợ không bao gồm chi phí vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu về tới nơi sử dụng.

2- Đối tượng được thu phí tiếp nhận hàng viện trợ: các đơn vị doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, hoặc các đơn vị chủ hàng (chủ dự án) trực tiếp nhận hàng viện trợ ở các cửa khẩu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3- Nội dung của chi phí tiếp nhận hàng viện trợ gồm:

a) Chi phí thông tin ngày giờ tàu về, chi phí làm các thủ tục cấp trình giấy phép nhập hàng, tờ khai hải quan, miễn thuế, giấy xác nhận là hàng viện trợ.

b) Các chi phí phát sinh tại cửa khẩu gồm: chi phí kiểm dịch, giám định: cước phí bốc dỡ, lưu kho lưu bãi, chuyển hàng hoá ; cước do cảng địa phương quản lý và các khoản chi phí khác do cảng quy định.

c) Các chi phí cần thiết cho việc tổ chức hoạt động dịch vụ trong quá trình nhận hàng.

4- Phương pháp xác định chi phí tiếp nhận hàng viện trợ.

Do tính chất đa dạng và phức tạp của hàng hoá nói chung và hàng viện trợ nói riêng nộp phí tiếp nhận hàng viện trợ được tính bằng mức bình quân tối đa cho một tấn hàng thực nhận tại cửa khẩu.

Các đơn vị tiếp nhận hàng viện trợ chỉ được thu tiền của các chủ hàng (chủ dự án)bằng hoặc thấp hơn mức quy định tại điểm 5 sau đây.

5- Mức phí tiếp nhận 1 tấn hàng tại cảng bình quân tối đa không quá 12.560đ/tấn.

Việc xác định mức chi phí bình quân tối đa này là dựa vào căn cứ của các quy định sau:

- Quyết định số 107-VGNN/CVT ngày 10/5/1988 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.

- Quyết định số 08 VGNN/TLSX ngày 28/2/1990 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.

- Thông báo số 790 - VGNN/TLSX ngày 21/11/1990 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước về hướng dẫn thi hành cước phí, cảng biển.

Mức phí bình quân tối đa trên đã có tính đến các chi phí cần thiết cho hoạt động dịch vụ trong quá trình giao nhận hàng tại cảng.

6- Nguồn thanh toán phí tiếp nhận viện trợ.

- Đối với nguồn viện trợ do Bộ, ngành trung ương làm chủ dự án nhưng thực hiện chủ yếu ở các địa phương (dự án PAM, UNICEP, tiêm chủng mở rộng...) thì chủ dự án phải có phương án tiếp nhận, phân phối, sử dụng phù hợp với những cam kết với bên viện trợ và điều kiện thực hiện trong nước. Trên cơ sở đó lập dự toán thu chi để thực hiện dự án gồm chi phí tiếp nhận, chi phí trong nước, thực hiện dự án gồm chi phí tiếp nhận, chi phí trong nước thực hiện dự án, gửi Bộ Tài chính xét duyệt. Nếu phải dùng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp các Bộ, ngành phải lập kế hoạch với Bộ Tài chính để bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng quý, hàng năm.

- Đối với nguồn viện trợ do chủ dự án trực tiếp thực hiện thì chi phí tiếp nhận hàng viện trợ phải bố trí, sắp xếp trong kế hoạch chi thường xuyên của các Bộ, địa phương.

7- Các quy định khác.

- Các đơn vị tiếp nhận hàng viện trợ từ tàu nước ngoài phải có phương án tiếp nhận, giải phóng tàu nhanh không để xảy ra phạt chậm tàu hàng bằng ngoại tệ. Nếu có xảy ra phạt chậm tàu bằng ngoại tệ thì các đơn vị làm dịch vụ nhận hàng tự tìm nguồn thanh toán. Bộ Tài chính không chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này.

- Trong quá trình thực hiện, nếu giá cước phí cảng biển biến động (có thông báo của Uỷ ban Vật giá Nhà nước điều chỉnh tăng hoặc giảm) thì mức chi phí quy định trên cùng được điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thông báo của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.

Đề nghị các Bộ, ngành, các đơn vị địa phương chỉ đạo việc thực hiện các quy định trên đây ở các đơn vị trực thuộc. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi.

 

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)