BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5509/BGTVT-TTr | Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2008 |
Kính gửi: | - Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW; |
Bộ Giao thông vận tải nhận được một số ý kiến phản ảnh về vướng mắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, trong đó việc chuyển hồ sơ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vượt quá thẩm quyền của cơ quan phát hiện vi phạm.
Căn cứ Luật Thanh tra, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Thông tư số 04/2007/TT-BGTVT ngày 13/3/2007 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn hoạt động thanh tra giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thông tư số 04/2007/TT-BGTVT), Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và Thông tư số 04/2007/TT-BGTVT.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải vượt quá thẩm quyền xử lý, cơ quan phát hiện hành vi vi phạm phải thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ vi phạm hành chính đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d khoản 9 phần III Thông tư 04/2007/TT-BGTVT và Chương III Nghị định số 62/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a. Trường hợp hành vi vi phạm do Thanh tra Cục phát hiện có mức xử phạt vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền của Chánh Thanh tra hàng hải thì chuyển hồ sơ vi phạm cho Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
b. Trường hợp hành vi vi phạm do Cảng vụ hàng hải phát hiện có mức xử phạt vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền của Giám đốc Cảng vụ hàng hải thì chuyển hồ sơ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền (gần nhất) ra quyết định xử phạt. Trường hợp cần thiết, Giám đốc Cảng vụ chuyển hồ sơ vi phạm đến Chánh Thanh tra hàng hải, Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Việc chuyển hồ sơ, quyết định xử phạt phải khẩn trương, không được gây chậm trễ vô lý, ảnh hưởng đến đối tượng vi phạm.
c. Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định xử phạt quyết định cả hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có); quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).
d. Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Chánh Thanh tra hàng hải chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan pháp luật đề nghị xử lý theo hướng dẫn tại điểm d khoản 2 phần V Thông tư 04/2007/TT-BGTVT.
3. Giao Cục Hàng hải Việt Nam kiểm tra, đôn đốc thực hiện và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ GTVT theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi ý kiến về Thanh tra Bộ GTVT để kịp thời xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 9354/VPCP-CN năm 2017 về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 04/2007/TT-BGTVT hướng dẫn hoạt động thanh tra giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Nghị định 62/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
- 4 Luật Thanh tra 2004
- 5 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002