Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 6665/BGDĐT-GDMN
V/v Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Mầm non năm học 2009-2010

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2009

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Thực hiện Chỉ thị 4899/CT-BGDĐT ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) năm học 2009-2010; Quyết định số 4385/QĐ-BGDĐT , ngày 30 tháng 6 năm 2009 về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2009 - 2010 của GDMN, GDPT và GDTX; Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo về phương hướng, nhiệm vụ của giáo dục mầm non năm học 2009 – 2010 cụ thể như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

- Năm học 2009 – 2010, GDMN tiếp tục thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”;

- Tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở diện rộng với nhiều biện pháp cụ thể thiết thực, phù hợp với các cơ sở GDMN;

- Thực hiện chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”;

- Triển khai thực hiện đại trà chương trình GDMN mới, tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lí và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới phương pháp giáo dục; củng cố, phát triển số lượng và chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia;

 - Tập trung chỉ đạo thực hiện Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, đặc biệt quan tâm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc trước khi vào lớp 1.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015 ban hành theo quyết định số 149/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung vào các giải pháp củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và cơ sở vật chất khác của giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm không ngừng cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

- Chú trọng công tác tuyên truyền về GDMN, huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ và cộng đồng cùng chăm lo cho giáo dục mầm non, đồng thời huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục mầm non bền vững.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 06/CT-TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rèn luyện tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp, hiệu quả trong các nội dung giáo dục và hoạt động của nhà trường. Tổ chức các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010).

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. Gắn nội dung cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, ngăn chặn và xử lý kịp thời các biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo.

Triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phối hợp với các tổ chức ban ngành, đoàn thể chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào, huy động nhân lực và sự đóng góp của xã hội, của gia đình nhằm xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh trong các cơ sở giáo dục mầm non; xây dựng mối quan hệ ứng xử thân thiện giữa các thành viên trong nhà trường; tăng cường giáo dục các kĩ năng sống cho trẻ (kĩ năng tự phục vụ, nề nếp thói quen vệ sinh tốt; mạnh dạn trong giao tiếp; thân thiện với bạn bè; lễ phép với người lớn tuổi; tích cực trong các hoạt động vui chơi, học tập...). Các trường chủ động xây dựng các tiêu chí “thân thiện” phù hợp với thực tiễn, văn hóa của địa phương.

Tiếp tục duy trì thực hiện xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; sưu tầm các trò chơi dân gian, bài hát dân ca, câu đố, hò, vè... đưa vào hoạt động vui chơi của trẻ; đảm bảo đến cuối năm học 100% cơ sở GDMN có nhà vệ sinh phù hợp, an toàn và sạch sẽ. Phấn đấu 50% số trường đạt tiêu chuẩn “trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ loại khá trở lên. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm điển hình về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong và ngoài địa phương.

Xây dựng các điển hình tiên tiến của GDMN; nêu gương những tập thể, cá nhân CBQL và giáo viên có nhiều nỗ lực vượt khó, có nhiều đóng góp cho GDMN, cho phong trào thi đua để tuyên truyền, cổ vũ trong ngành và toàn xã hội, biểu dương khen thưởng kịp thời. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng phong trào GDMN của mỗi nhà trường, mỗi địa phương.

2. Tăng cường, củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới giáo dục mầm non

Các tỉnh thành phố tích cực thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Căn cứ thực tiễn của địa phương, tham mưu với chính quyền các cấp quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường lớp, mở rộng quy mô GDMN, phấn đấu đạt được mục tiêu chung về tỷ lệ trẻ được đến trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009 - 2015. Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu long, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung kinh phí xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tuyển dụng và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo viên để huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường; đảm bảo trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1; Các vùng còn lại huy động hết trẻ 5 tuổi được học trong các loại hình trường khác nhau.

Tiếp tục huy động trẻ nhà trẻ đến trường tăng ít nhất từ 0,5 – 1% và từ 2- 3 % ở mẫu giáo. Phấn đấu tỷ lệ chung toàn quốc đạt trên 20% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 80% trẻ mẫu giáo được đến trường. Những tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ dưới 10% và mẫu giáo dưới 75% cần phấn đấu tăng thêm tỷ lệ ít nhất 1% ở nhà trẻ và 2 % ở mẫu giáo. Đối với trẻ 5 tuổi, tất cả các địa phương huy động đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, trong đó có 70 - 75% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

3.1. Công tác chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng

Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non. Thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong đội ngũ cán bộ giáo viên và các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo Luật phòng chống HIV/AIDS.

Triển khai thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống bệnh tật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Quyết định số 58/QĐ-BGDĐT về quy định các hoạt động y tế trong các cơ sở GDMN, Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở GDMN.

Bộ sẽ tổ chức tập huấn về dinh dưỡng và thực hiện VSATTP cho các cán bộ quản lí và giáo viên mầm non cốt cán ngoài biên chế tại một số tỉnh. Ở những nơi có tổ chức ăn bán trú cần phối hợp với ngành y tế trong việc kiểm tra và cấp giấy phép bếp đạt tiêu chuẩn VSATTP. Tăng 3 – 5 % tỷ lệ trẻ được ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non. Những nơi chưa tổ chức được ăn bán trú cần có biện pháp phối hợp với gia đình để trẻ được ăn trong thời gian ở trường nhằm thực hiện mục tiêu phòng chống SDD trẻ em. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện cân, đo theo dõi sức khỏe của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và nhu cầu về dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam trong giai đoạn mới. Tăng tỷ lệ trường mầm non có mô hình phòng chống SDD, phòng chống béo phì, và giảm từ 1 - 2% số trẻ SDD so với cùng kì năm trước, nhằm giảm tỷ lệ trẻ SDD xuống dưới 10%.

Phối hợp với các ngành, đặc biệt là ngành y tế trong việc chăm sóc sức khoẻ, quản lý tiêm chủng, phòng dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 4631/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) trong các cơ sở giáo dục.

Đào tạo, bồi dưỡng và tuyển đủ cán bộ chuyên trách về y tế cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Bộ tiếp tục phối hợp với quỹ Unilever Việt Nam triển khai chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Duy trì hỗ trợ chương trình năm thứ hai tại 5 tỉnh miền núi phía bắc (Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Lào Cai). Tổ chức liên hoan “Gia đình và sức khỏe trẻ thơ” tại Quảng Bình vào tháng 11 năm 2009, tổ chức tổng kết và tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục vệ sinh cá nhân trẻ cho 10 tỉnh tham gia chương trình tại Thừa Thiên Huế vào tháng 12 năm 2009. Năm 2010 Bộ tiếp tục triển khai chương trình này tại 5 tỉnh Nam Trung Bộ: Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

3.2. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới

 Triển khai thực hiện chương trình GDMN mới ở các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Các sở giáo dục và đào tạo chủ động xây dựng lộ trình thực hiện, đảm bảo trong vòng 3 năm chương trình GDMN mới được thực hiện đại trà ở tất cả các cơ sở GDMN.

Từng bước đầu tư trang thiết bị giáo dục, tài liệu, học liệu, phương tiện cho các cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện chương trình GDMN mới. Khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Tăng cường trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc thực hiện chương trình cho các đơn vị quản lí, chỉ đạo và các trường mầm non thực hiện chương trình GDMN mới.

Chỉ đạo các trường chưa đủ điều kiện thực hiện chương trình GDMN mới có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để tiếp cận với chương trình.

Bộ sẽ tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN mới cho cán bộ quản lí và giáo viên mầm non cốt cán của địa phương và tổ chức Hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm sau mỗi năm thực hiện.

Các trường sư phạm, khoa sư phạm tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, đảm bảo giáo sinh mầm non khi ra trường có khả năng thực hiện ngay chương trình giáo dục mầm non mới.

Bộ sẽ ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi và hướng dẫn sử dụng ở một số tỉnh trước khi triển khai diện rộng.

Chỉ đạo dứt điểm, không còn lớp mẫu giáo thực hiện chương trình 36 buổi và không dạy trẻ trước chương trình lớp 1. Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giáo dục MN, xây dựng tài liệu tăng cường Tiếng Việt cho trẻ DTTS phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương, làm tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào tiểu học.

Bộ sẽ tổ chức Hội thảo bàn về xây dựng “Trường Mầm non chất lượng cao” tại thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2010.

3.3. Tiếp tục triển khai nội dung giáo dục ATGT, giáo dục bảo vệ môi trường và giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Triển khai tuyên truyền giáo dục thực hiện Luật an toàn giao thông cho các bậc phụ huynh, cho trẻ, giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý GDMN theo nội dung chương trình quy định và hướng dẫn của Bộ bằng nhiều hình thức; tiến hành đánh giá, rà soát lại nội dung, phương pháp, thời lượng giáo dục an toàn giao thông đang thực hiện và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Bộ sẽ tổ chức tập huấn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo thực hiện nội dung giáo dục an toàn giao thông trong chương trình GDMN theo Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12.

Bộ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho 32 tỉnh để tập huấn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường (mỗi tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho 200 GVMN cốt cán). Trên cơ sở đội ngũ CBQL và GVMN cốt cán được tập huấn ở cấp trung ương và cấp tỉnh, các sở giáo dục và đào tạo triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên mầm non, đảm bảo trong năm học tới 100% giáo viên mầm non được bồi dưỡng nội dung giáo dục bảo vệ môi trường. Các sở tăng cường kiểm tra thực hiện việc lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình GDMN. Năm học 2009 - 2010 Bộ sẽ chỉ đạo điểm tổ chức Hội thi về giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non ở một số tỉnh.

Các địa phương triển khai thực hiện QĐ số 4020/QĐ-BGDĐT ngày 23/7/2008 của Bộ GD&ĐT về việc đưa nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ sẽ mở lớp tập huấn cho CBQL và GVMN cốt cán của 63 sở giáo dục và đào tạo triển khai tích hợp nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả vào chương trình giáo dục mầm non.

3.4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường mầm non

Các sở giáo dục và đào tạo cần tham mưu, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai và thực hiện ứng dụng CNTT trong GDMN theo Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho việc ứng dụng CNTT và kết nối Internet cho các trường mầm non. Phấn đấu đến hết năm học 2009 - 2010 có ít nhất 50% giáo viên mầm non có khả năng ứng dụng CNTT trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ và 50% số trường trở lên được kết nối Internet.

Nhân rộng việc sử dụng các phần mềm giáo dục, nuôi dưỡng trẻ: Kidsmart, Happykid, Nutrikids và các phần mềm quản lí khác cho hoạt động của trường mầm non. Sử dụng hợp lí các phần mềm xây dựng bài giảng tương tác điện tử ở những nơi có điều kiện.

Phấn đấu mỗi tỉnh có ít nhất 2 sản phẩm ứng dụng CNTT về các hoạt động giáo dục phát triển, bài giảng tương tác điện tử, trò chơi có sử dụng máy tính hoặc kết hợp với máy tính. Bộ sẽ tổ chức khảo sát đánh giá và tổng kết 5 năm ứng dụng CNTT trong GDMN.

4. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục giai đoạn 2005 – 2010”. Các sở giáo dục và đào tạo tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; tổ chức dạy tiếng dân tộc cho CBQL và GVMN đang công tác tại các vùng dân tộc; tiếp tục quản lí chất lượng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2007.

Các cơ sở giáo dục mầm non tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Đảm bảo không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong năm học này.

Về chính sách đối với giáo viên, nhân viên: các sở giáo dục và đào tạo tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 71/2007/TT-BGDĐT-BNV về Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tuyển dụng giáo viên, nhân viên (kế toán, văn phòng, y tế...) cho trường mầm non phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN và khả năng ngân sách của địa phương;

Rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý những nơi còn thiếu. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực về quản lý trường học, nâng cao hiểu biết các văn bản quy định hiện hành cho CBQL trường mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đảm bảo thực hiện tốt chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Bộ sẽ tổ chức “Giao lưu CBQL mầm non giỏi toàn quốc” vào cuối năm học 2009 - 2010.

5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và kinh phí GDMN

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguồn vốn kiên cố hoá để xây mới phòng học, đảm bảo có đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thu hút các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn ...

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Ưu tiên tập trung xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở 61 huyện nghèo theo Quyết định 30A của Thủ tướng Chính phủ làm nòng cốt cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở địa bàn. Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có thêm ít 2 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Năm học 2009 – 2010, Bộ ban hành danh mục thiết bị giáo dục mầm non tối thiểu phục vụ chương trình GDMN mới. Các sở xây dựng kế hoạch tham mưu, chỉ đạo để mua sắm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ đáp ứng theo danh mục thiết bị đồ chơi tối thiểu.

6. Thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

Thực hiện Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg về việc hỗ trợ cho trẻ em trong các gia đình nghèo, tạo điều kiện để trẻ đến trường, lớp mầm non.

Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Lập hồ sơ theo dõi sự tiến bộ của trẻ khuyết tật học hòa nhập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chỉ đạo thực hiện điều chỉnh các nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật theo nhu cầu, khả năng và điều kiện thực tế nhằm đảm bảo công bằng cho trẻ khuyết tật. Tổ chức lập kế hoạch phối hợp với Giáo dục Tiểu học thực hiện việc chuyển giao trẻ khuyết tật mầm non vào tiểu học, đảm bảo quá trình giáo dục của trẻ liên tục và có sự tiếp nối giữa hai cấp học. Sử dụng hiệu quả, sáng tạo các tài liệu đã được cấp phát, các nội dung đã được tập huấn. Tăng cường tuyên truyền cho cha mẹ trẻ khuyết tật, cha mẹ trẻ khác trong trường lớp, cộng đồng và các ban ngành về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Phát huy những kết quả đạt được trong hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế, tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị thực hiện tốt để áp dụng hiệu quả và phù hợp tại địa phương.

7. Công tác phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ, cộng đồng và tuyên truyền về giáo dục mầm non

Đổi mới nội dung truyền thông về kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ phù hợp với nhiệm vụ của ngành học và điều kiện thực hiện ở các vùng, miền.

Tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức về giải pháp và kết quả phát triển giáo dục mầm non của địa phương; phổ biến những quy định của ngành; sưu tầm, phát hành các ấn phẩm về giáo dục mầm non tại cơ sở để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy con cho cha mẹ, nhất là đối với những vùng có tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ thấp. Những nơi có điều kiện có thể xây dựng trang thông tin điện tử để phụ huynh trao đổi học tập về cách nuôi dạy con tại gia đình, phát huy ảnh hưởng của GDMN đối với xã hội, đồng thời tích cực huy động sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng cùng chăm lo cho giáo dục mầm non.

8. Về công tác quản lý

8.1. Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non

Sở giáo dục và đào tạo tích cực tham mưu chuyển đổi loại hình trường theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT quy định về trình tự thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Đồng thời đề xuất chính sách để khi chuyển đổi, các trường mầm non vẫn đảm bảo ổn định và phát triển, tạo điều kiện cho trẻ đến trường thuận lợi và đủ trường lớp để thực hiện chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.

Tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến và hướng dẫn cơ sở thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về GDMN mới được ban hành, nhất là tổ chức thực hiện việc quản lý hoạt động của các trường, nhóm lớp tư thục, tạo điều kiện phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

8.2. Về quản lý và phát huy hiệu quả các dự án

Một số địa phương thực hiện dự án của các tổ chức Unicef, Plan, CRS, Y tế Hà Lan - Việt Nam, US, UK, SCJ, Unilever, P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ khác cần nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và yêu cầu của dự án, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển giáo dục mầm non của địa phương.

8.3. Công tác kiểm tra, thanh tra

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra việc quản lí chỉ đạo giáo dục mầm non ở các địa phương theo các văn bản pháp quy đã ban hành. Trong năm học này Bộ sẽ kiểm tra toàn diện về GDMN từ 3 đến 5 tỉnh, thành; kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra thực hiện các dự án về GDMN...ở các địa phương khác.

Các sở giáo dục và đào tạo. Phòng giáo dục và đào tạo tiến hành thanh, kiểm tra ít nhất 25% số cơ sở GDMN trên địa bàn, đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non theo các tiêu chuẩn quy định trong Điều lệ trường mầm non, Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tập trung kiểm tra các cơ sở GDMN tư thục theo các tiêu chuẩn của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục.

8.4. Thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý ở các cấp quản lý giáo dục, các trường sư phạm và các cơ sở giáo dục mầm non. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ kịp thời, có chất lượng. Mở rộng kết nối Internet, khai thác thông tin mạng giáo dục, hệ thống email để trao đổi văn bản hành chính điện tử, ứng dụng CNTT vào quản lý văn bản, quản lý hành chính. Thống nhất biểu mẫu thống kê để hướng dẫn ngay từ đầu năm học.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ vào hướng dẫn trên, các sở giáo dục và đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của năm học đối với giáo dục mầm non và triển khai tới các cơ sở giáo dục mầm non của địa phương.

Thực hiện báo cáo định kỳ đúng thời gian, đúng quy định; các thông tin số liệu yêu cầu chính xác.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giáo dục mầm non, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở giáo dục và đào tạo cần báo cáo kịp thời để Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị có liên quan;
- Lưu VT,Vụ GDMN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa