BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7808/BGDĐT-KTKĐCLGD | Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2008 |
Kính gửi: | - Các sở giáo dục và đào tạo; |
Thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; tiếp tục triển khai cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp; nói không với đào tạo không đạt chuẩn…; căn cứ Chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2008 – 2009, Chỉ thị số 46/2008/CT-BGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2008 – 2009 như sau:
Phần I.
CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Củng cố, kiện toàn bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục đã được thành lập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách về khảo thí và đảm bảo chất lượng của các trường, khoa sư phạm; triển khai thành lập các phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc sở GD&ĐT ở những tỉnh còn lại. Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục các cấp từ Trung ương đến địa phương.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế thi và tuyển sinh; xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức các kỳ thi năm học 2008 – 2009 đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, đánh giá đúng thực chất.
3. Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, từng bước nâng cao chất lượng dạy học đồng bộ với thực hiện lộ trình đổi mới các kỳ thi có quy mô toàn quốc. Giữ ổn định hình thức thi như năm 2008 đối với các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, các môn còn lại thi theo hình thức tự luận.
4. Xây dựng và từng bước triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học phổ thông; tích cực thực hiện và đề xuất áp dụng mở rộng Chương trình quản lý chất lượng trường trung học phổ thông.
Phần II.
CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Đối với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục
1.1. Công tác tổ chức
Thực hiện có hiệu quả việc tuyển dụng bổ sung biên chế, đảm bảo về cơ cấu, phẩm chất, năng lực và nghiệp vụ công tác. Kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Cục, thành lập Phòng công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.
Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học; thực hiện kế hoạch gửi cán bộ của Cục đi đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong, ngoài nước.
1.2. Công tác khảo thí
a) Chuẩn bị và triển khai tổ chức các kỳ thi:
- Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện quy chế thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp trung học phổ thông; sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi để các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện.
- Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008 lần 2, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm các kỳ thi và tuyển sinh năm 2008 để chuẩn bị cho các kỳ thi năm 2009.
- Từ giữa tháng 9/2008, xúc tiến công tác chuẩn bị cho các kỳ thi năm 2009; tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn: nội dung thi, cấu trúc đề thi, thời gian làm bài thi và nghiệp vụ tổ chức đối với tất cả các khâu của kỳ thi.
- Tổ chức cho đội ngũ cộng tác viên là cán bộ, giảng viên, giáo viên các bộ môn tập trung làm việc thường xuyên để biên soạn và biên tập câu trắc nghiệm, nâng cao chất lượng ngân hàng câu trắc nghiệm.
b) Tổ chức Hội nghị Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông kết hợp tập huấn qua mạng (dự kiến vào tháng 10/2008).
c) Tổ chức tốt các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và tập huấn các đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực.
1.3. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục
a) Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
b) Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để triển khai thực hiện quyết định số 04/2008/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học; đề xuất chủ trương phân cấp đánh giá chất lượng giáo dục cho các sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT.
c) Xây dựng và ban hành quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
d) Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai đánh giá và công nhận các chương trình giáo dục đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng và đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trên cơ sở các quy trình, chu kỳ kiểm định và các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đã được ban hành.
đ) Phối hợp với các dự án và đơn vị liên quan triển khai xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung cấp chuyên nghiệp trình độ đại học.
e) Triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trường và khoa sư phạm, với quy mô hợp lý để bổ sung thông tin và minh chứng cho các hoạt động kiểm định chất lượng liên quan.
g) Xây dựng văn bản hướng dẫn phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của các sở GD&ĐT triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng.
h) Chỉ đạo 25 sở GD&ĐT được chọn triển khai “Chương trình quản lý chất lượng trường trung học phổ thông” tổng kết, rút kinh nghiệm.
i) Nghiên cứu, áp dụng quy trình đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của các tổ chức quốc tế; từng bước đăng ký tham gia các hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế.
k) Chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị thường niên năm 2009 của Mạng lưới chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQN) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tháng 3/2009.
2. Đối với các sở giáo dục và đào tạo
2.1. Công tác tổ chức
a) Củng cố, hoàn thiện bộ máy, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và đẩy mạnh hoạt động của các phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục đã được thành lập ở các đơn vị. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, các đơn vị tiếp tục kiện toàn các phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, đảm bảo mỗi phòng có ít nhất 3 cán bộ nắm vững nghiệp vụ khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; trong đó, có cán bộ thành thạo về công nghệ thông tin.
Khẩn trương thành lập phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc sở GD&ĐT ở các tỉnh còn lại; thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được Giám đốc sở phân công và theo sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ GD&ĐT về công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục.
b) Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, đáp ứng yêu cầu của công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục của đơn vị. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ thi, kiểm tra, đánh giá cho cán bộ quản lý, cán bộ, giáo viên nhằm đảm bảo tính chính xác, nghiêm minh, công bằng, khách quan trong thi, kiểm tra, đánh giá. Cử đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cán bộ tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn về chuyên môn, nghiệp vụ khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục.
Cử cán bộ đi học thạc sĩ đo lường và đánh giá giáo dục hoặc các chuyên ngành tương tự ở trong và ngoài nước, đảm bảo đến năm 2010 có đủ cán bộ để chủ động triển khai công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng của sở.
2.2. Công tác khảo thí
a) Có biện pháp quản lý tích cực, chủ động trong dạy và học, nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá để phản ánh đúng chất lượng dạy và học, thực hiện thành công nhiệm vụ năm học theo tinh thần cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”.
b) Chỉ đạo các trường tăng cường đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ. Phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức kiểm tra vấn đáp, tự luận và trắc nghiệm khách quan. Trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đối với chương trình của từng cấp học. Tiếp tục đổi mới ra đề kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của người học, phù hợp với nội dung chương trình, thời gian quy định; hạn chế lối học tủ, học vẹt, ghi nhớ máy móc.
c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập của nhà trường. Có kế hoạch tổ chức việc ôn tập bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người học, cần chú ý đối tượng có học lực yếu, đối tượng chưa tốt nghiệp ở các kỳ thi trước; khắc phục tình trạng học sinh ‘‘ngồi nhầm lớp’’; kiên quyết không để học sinh chưa đủ trình độ lớp 12 dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
d) Tập huấn kỹ về nghiệp vụ thi cho cán bộ quản lý, cán bộ, giáo viên để đảm bảo quán triệt, thực hiện đúng quy chế thi và các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đảm bảo tính chính xác, trung thực, nghiêm minh, công bằng, khách quan trong thi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng như trong các kỳ thi toàn quốc.
đ) Rà soát, lựa chọn trong số cán bộ, giáo viên những người có năng lực chuyên môn để tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ biên soạn, biên tập đề thi để từng bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ cho việc ra đề kiểm tra chất lượng đầu năm, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ ở đơn vị.
e) Chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các kỳ thi và tuyển sinh; tổ chức thi, tuyển sinh gọn nhẹ, thiết thực, đảm bảo đánh giá đúng trình độ, năng lực người học; khắc phục những thiếu sót, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực.
g) Đối với thi chọn học sinh giỏi: Tổ chức việc thi, tuyển chọn học sinh giỏi; tuyển chọn các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông theo đúng Quy chế thi chọn học sinh giỏi.
h) Đối với thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Thực hiện đúng quy chế thi hiện hành; tăng cường sự phối hợp giữa các sở GD&ĐT với các trường đại học, cao đẳng trong các khâu của kỳ thi. Cần làm tốt hơn nữa các khâu tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi, nhất là tại những địa phương thực hiện các quy trình này chưa chặt chẽ trong năm 2007 và 2008.
2.3. Công tác đảm bảo chất lượng
a) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng từ sở GD&ĐT đến các phòng GD&ĐT và các trường.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các trường phổ thông, các phòng GD&ĐT triển khai công tác đảm bảo chất lượng. Mỗi sở triển khai đánh giá khoảng 2,5% số trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (trung bình mỗi sở có 10 trường) trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau theo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành nhằm xác định thực trạng chung của các cơ sở giáo dục; đề ra được các giải pháp cải tiến và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng văn hoá chất lượng trong từng đơn vị; chuẩn bị triển khai chủ đề của năm học tiếp theo (năm học 2009 – 2010) là Năm học đánh giá chất lượng giáo dục; tích cực tham gia các hoạt động đánh giá chất lượng do Bộ GD&ĐT khởi xướng.
c) Các sở GD&ĐT được chọn triển khai “Chương trình quản lý chất lượng trường trung học phổ thông” cần bám sát tiến độ, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các trường trung học phổ thông tham gia chương trình này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo Bộ GD&ĐT (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) theo quy định.
d) Định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết và các hội thảo về công tác đánh giá và quản lý chất lượng giáo dục để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt được, tạo điều kiện cho xã hội biết và tham gia giám sát chất lượng giáo dục.
3. Đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm; các khoa sư phạm trong các trường đại học; các trường trung cấp chuyên nghiệp
3.1. Công tác tổ chức
a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức các “trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục” hoặc các đơn vị chuyên trách tại các trường; tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để đảm bảo cho các đơn vị này hoạt động có hiệu quả; tiến tới thực hiện độc lập, khách quan giữa khâu dạy với khâu kiểm tra, đánh giá; triển khai kế hoạch phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng.
b) Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong nhà trường về hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của tập thể nhà trường đối với công tác quản lý, đảm bảo chất lượng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng ở các trường, cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ) về chuyên môn, nghiệp vụ khảo thí, đánh giá và đảm bảo chất lượng ở trong và ngoài nước; triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
c) Căn cứ thực tiễn công tác tại đơn vị, tích cực đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản chỉ đạo về thi, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT.
3.2. Công tác khảo thí
a) Tiếp tục thực hiện đổi mới thi kiểm tra, đánh giá thường xuyên và tổ chức thi tuyển sinh nghiêm túc, công bằng và khách quan.
b) Tích cực tham gia công tác ra đề thi cho các kỳ thi quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các sở GD&ĐT trong việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
3.3. Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục
a) Tăng cường công tác xây dựng văn hoá chất lượng trong đơn vị. Triển khai tốt chủ trương tự đánh giá hằng năm và các hoạt động trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục; định kỳ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
b) Tích cực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác đảm bảo chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tham gia tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực đảm bảo chất lượng.
Phần III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên đây là nội dung cơ bản của công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2008 - 2009; yêu cầu các sở GD&ĐT và các trường, khoa sư phạm, trường trung cấp chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đến các cơ sở giáo dục; quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị để thực hiện.
Các sở GD&ĐT thực hiện kế hoạch năm học 2008-2009 và chế độ báo cáo theo quy định tại Quyết định số 38/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2008-2009 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học 2008-2009 về công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng, nếu có vấn đề nảy sinh, vướng mắc cần phản ánh, báo cáo kịp thời về Bộ GD&ĐT theo địa chỉ: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, 30 Tạ Quang Bửu, Hà Nội; E-mail cucktkd@moet.edu.vn; fax (4) 8683892; điện thoại (4) 8684826, 8683992 để phối hợp giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 6999/BGDĐT-KTKĐCLGD năm 2013 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2013 - 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Công văn 5466/BGDĐT-GDTRH về Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2013-2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Công văn 5835/BGDĐT-KTKĐCLGD hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2012 - 2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4 Chỉ thị 47/2008/CT-BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008 - 2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5 Chỉ thị 46/2008/CT-BGDĐT về tăng cường công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6 Quyết định 38/2008/QĐ-BGDĐT về kế hoạch thời gian năm học 2008-2009 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7 Quyết định 04/2008/QĐ-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8 Chỉ thị 33/2006/CT-TTg về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn 5835/BGDĐT-KTKĐCLGD hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2012 - 2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Công văn 5466/BGDĐT-GDTRH về Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2013-2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Công văn 6999/BGDĐT-KTKĐCLGD năm 2013 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2013 - 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành