BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7985/BGDĐT-GDTrH | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2008 |
Kính gửi: | Các Sở GDĐT: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tây, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bến Tre |
Trong thời gian qua với sự nỗ lực của các địa phương, Chương trình Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh. Các đối tác Pháp ngữ, trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, đều đánh giá cao tầm quan trọng, sự cần thiết của Chương trình và sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện Chương trình. Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện Chương trình này trong năm học 2008-2009 như sau:
A. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG
1. Thực hiện mục tiêu tổng thể của Chương trình: một mặt đảm bảo cho học sinh nắm vững tiếng Pháp, mặt khác từng bước sử dụng ngôn ngữ này như một công cụ để tiếp thu kiến thức khoa học thông qua các môn học dạy bằng tiếng Pháp. Chương trình và các tài liệu sư phạm giúp học sinh mở rộng hiểu biết về thế giới, nâng cao kiến thức đã học bằng tiếng Việt, phát triển các kỹ năng và phương pháp học tập mới.
2. Ngoài hệ 12 năm (lộ trình A), các Sở GDĐT xem xét nhu cầu của học sinh có thể đề nghị được mở lại Chương trình 7 năm (lộ trình B), hoặc các lớp tiếng Pháp tăng cường (không học các môn khoa học bằng tiếng Pháp), từ lớp 6. Cần đảm bảo cho học sinh sau mỗi cấp học đạt các điều kiện quy định về học lực được tiếp tục theo học ở cấp học tiếp theo.
3. Duy trì và phát triển dạy học tiếng Pháp Ngoại ngữ 1 (NN1) hệ 7 năm bắt đầu từ lớp 6 bên cạnh các lớp tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong mạng lưới trường lớp liên thông, tạo điều kiện cho học sinh được học liên tục tiếng Pháp trong suốt quá trình học tập ở trường phổ thông.
4. Tùy điều kiện, có thể đưa tiếng Anh làm NN2 từ lớp 6 cho các lớp tiếng Pháp tăng cường (đã học tiếng Pháp từ tiểu học - lộ trình A) và từ lớp 10 cho những lớp học tiếng Pháp từ lớp 6. Sử dụng sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh mới cho lớp 6, SGK tiếng Anh hệ 3 năm cho cấp THPT. Đối với các lớp đã dạy tiếng Anh NN2 từ trước, sử dụng SGK như đã đăng kí với Bộ và thực hiện như đã hướng dẫn từ lúc mở lớp.
5. Tạo điều kiện để học sinh của Chương trình được học đầy đủ các môn khoa học bằng tiếng Pháp (Toán và Vật lí), nơi khó khăn cũng cần dạy học 1 trong 2 môn.
6. Rà soát, tuyển dụng bổ sung giáo viên tiếng Pháp và các môn khoa học dạy bằng tiếng Pháp để có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đủ năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu của Chương trình.
7. Sử dụng ngân sách giáo dục và nguồn huy động ngoài ngân sách để trả lương cho giáo viên hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng trong Chương trình và trả phụ cấp lương cho giáo viên. Mức trả lương cho giáo viên hợp đồng và phụ cấp lương do các Sở GDĐT quyết định cần căn cứ vào nguồn thu, tính đến mặt bằng giá hiện tại để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên, động viên giáo viên đầu tư cao nhất để nâng cao chất lượng dạy học. Mức lương của giáo viên hợp đồng khi hoàn thành định mức giảng dạy cần được trả tối thiểu bằng mức lương của giáo viên đã được biên chế có cùng thâm niên, cùng cấp học.
8. Cuối cấp THPT, Bộ GDĐT sẽ cấp Chứng chỉ tốt nghiệp Chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp và Đại sứ quán Pháp sẽ cấp xác nhận kết quả kỳ thi hết cấp THPT của Chương trình để cho phép ghi tên học tại các cơ sở đào tạo Pháp ngữ tại Việt Nam hoặc tại Pháp mà không cần có một chứng chỉ tiếng Pháp nào khác. Học sinh thi không đỗ sẽ được đăng ký dự thi lại vào kỳ thi năm sau. Trung tâm thi Pháp ngữ tiếp tục quản lý, tổ chức các kỳ thi hết cấp THCS, hết cấp THPT và việc cấp chứng chỉ Pháp ngữ.
9. Thực hiện kiểm tra định kỳ trong quá trình học tập. Trung tâm thi Pháp ngữ (CEF) sẽ gửi các đề nguồn kiểm tra học kỳ do Trợ lý sư phạm biên soạn để các Sở tham khảo biên soạn đề kiểm tra (Quy định cụ thể về kiểm tra và đánh giá thực hiện theo văn bản Hướng dẫn số 13605/THPT ngày 13/12/2001).
10. Các trường làm đầy đủ học bạ song ngữ cho học sinh các cấp, học bạ cấp THCS sẽ được sử dụng tiếp ở cấp THPT.
B. CÁC VẤN ĐỀ CỤ THỂ
I. TỔ CHỨC DẠY HỌC
1. Cấp Tiểu học
a) Về nội dung, thực hiện như tài liệu hướng dẫn giảng dạy đối với cấp tiểu học.
b) Về thời lượng, duy trì 420 phút cho các hoạt động trên lớp (12 tiết học, mỗi tiết 35 phút mỗi tuần). Việc phân chia thời khoá biểu cụ thể do hiệu trưởng thực hiện trên cơ sở chia đều các tiết học trong tuần, tránh tập trung nhiều tiết trong một buổi học. Không dạy ra ngoài nội dung, kiến thức theo quy định của Chương trình, không dạy thêm để tránh quá tải đối với học sinh.
c) Về sách giáo khoa, dùng bộ sách “Petite Grenouille 1 & 2” cho các lớp 1, 2 và 3; dùng sách “Ici et Ailleurs 4è” và sách “Ici au Vietnam 4è” cho lớp 4 ; dùng sách “Ici et Ailleurs 5è” và sách “Ici au Vietnam 5è” cho lớp 5.
Bộ tài liệu tăng cường cho Chương trình đã được sử dụng từ năm học 2004-2005; tài liệu này cho phép hoàn thiện các hoạt động dạy học. Đó là các tài liệu sau đây:
- Conseils pour les animations dans les classes bilingues au niveau primaire, tập 1 và tập 2;
- Dossier de renforcement 3e année Classes bilingues Vietnam, tập 1 và 2;
- Réaménagement du programme de français et de culture francophone en classes de 4e et 5e;
- Phân phối chương trình môn Toán các lớp 4, 5;
- Bảng điều chỉnh chương trình “Eveil” các lớp 4, 5.
2. Cấp Trung học cơ sở
2.1. Lộ trình A
a) Thực hiện theo tài liệu hướng dẫn dạy học các bộ môn lộ trình A.
b) Thời lượng 12 tiết/tuần chung cho cả tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp. Trong đó: lớp 6, môn Toán: 3 tiết/tuần; tiếng Pháp: 9 tiết/tuần; các lớp 7, 8 và 9: môn tiếng Pháp: 7,5 tiết/tuần (học kỳ 1: 8 tiết, học kỳ 2: 7 tiết); Vật lí: 1,5 tiết/tuần (học kỳ 1: 1 tiết, học kỳ 2: 02 tiết); Toán: 3 tiết/ tuần. Nếu chưa dạy đủ các môn khoa học cần đảm bảo dạy 8 tiết tiếng Pháp/tuần.
c) Về SGK:
- Môn tiếng Pháp: dùng bộ sách “Ici et Ailleurs”.
- Môn Toán các lớp 6, 7, 8 và 9: dùng bộ SGK “Triangle”.
- Môn Vật lí các lớp 7, 8 và 9: dùng tài liệu biên soạn theo chủ đề (Dossiers thématiques).
2.2. Lộ trình B
a) Thời lượng: 9 tiết/tuần: lớp 6 gồm 7 tiết tiếng Pháp/tuần và 2 tiết Toán/tuần; từ lớp 7 đến lớp 9 gồm 6 tiết tiếng Pháp/tuần, 2 tiết Toán/tuần và 1 tiết Vật lí/tuần.
b) SGK:
- Môn tiếng Pháp, dùng SGK tiếng Pháp (hệ 7 năm biên soạn tại Trung tâm nghiên cứu sư phạm quốc tế Paris - CIEP) và các tài liệu bổ trợ.
- Môn Toán các lớp 6, 7, 8 và 9, dùng bộ SGK “Triangle”.
- Đối với môn Vật lý các lớp 7, 8 và 9, dùng tài liệu biên soạn theo chủ đề (Dossiers thématiques).
c. Dạy học môn Toán và Vật lí: Phải phù hợp với trình độ tiếng Pháp của học sinh lộ trình B, phối hợp với giáo viên tiếng Pháp cung cấp từ vựng và những khái niệm cơ bản về Toán và Vật lí, nhất là trong 2 năm học đầu cấp, huy động các kiến thức bộ môn mà học sinh đã tích lũy trong chương trình bằng tiếng Việt, sao cho đến cấp THPT học sinh hệ B có thể học các môn này với yêu cầu tương đương với học sinh hệ A.
2.3. Các lớp tiếng Pháp tăng cường
Giảng dạy tiếng Pháp theo chương trình, thời lượng, SGK và kiểm tra, đánh giá như Chương trình Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp lộ trình B.
3. Cấp Trung học phổ thông (cả 2 lộ trình A và B)
a) Nội dung dạy học: Thực hiện như nêu trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy các bộ môn viết cho lộ trình A và B.
b) Thời lượng: 12 tiết/tuần, trong đó Toán: 3 tiết/tuần; Vật lí: 2 tiết/tuần, tiếng Pháp: 7 tiết/tuần.
c) SGK:
- Lộ trình A, sử dụng các cuốn “Recueil de textes 10e A”, “Recueil de textes 11e A”, “Recueil de textes 12e A” biên soạn lại năm 2006 và các sách giáo viên tương ứng (Guides pedagogiques).
- Lộ trình B, môn tiếng Pháp dùng SGK “Tiếng Pháp” (SGK hợp tác với Pháp, hệ 7 năm) và các tài liệu bổ trợ.
- Các môn Toán và Vật lí, dùng tài liệu biên soạn theo chủ đề (dossiers thématiques) chung cho cả 2 lộ trình.
II. KẾ HOẠCH THI HẾT CẤP THCS VÀ CẤP THPT
1. Thời gian làm bài thi
Thời gian làm bài thi tiếng Pháp (kể cả thời gian nghe băng ghi âm) lớp 9: 120 phút; lớp 12: 180 phút; thời gian làm bài mỗi bài thi môn khoa học đối với lớp 9 là 60 phút, đối với lớp 12 là 120 phút.
2. Kiểm tra điều kiện dự thi
Các Sở GDĐT kiểm tra hồ sơ học bạ của học sinh và chỉ chấp nhận những học sinh có đủ điều kiện dự thi; gửi học bạ học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp THPT về Trung tâm thi Pháp ngữ trước ngày 5/6/2009 để có đủ hồ sơ xét duyệt kết quả thi.
3. Lịch thi
Lớp 9 THCS: ngày 10/6/2009; lớp 12 THPT: các ngày 15-16/6/2009.
4. Hình thức thi
a) Thi nói môn tiếng Pháp (chỉ dành cho lớp 11 lộ trình A):
Nội dung thi chủ yếu trong phạm vi chương trình lớp 11; thời gian thi trong tháng 5/2009 (ngày cụ thể sẽ thông báo sau), thời gian làm bài 15 phút.
Điểm bài thi nói sẽ được tính vào điểm môn tiếng Pháp lớp 12 tại kỳ thi cấp Chứng chỉ Pháp ngữ với tỷ lệ 20% (2,0 điểm trên tổng số 10 điểm của bài thi).
b) Thi viết:
III. TUYỂN SINH LỚP 6 VÀ LỚP 10
1. Tuyển sinh lớp 6 song ngữ
a) Học sinh lớp 5 đạt điểm trung bình cộng môn Toán và môn tiếng Việt cả năm từ 8 trở lên, có điểm trung bình cộng của các môn tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp từ 6,0 trở lên (thang điểm 10), được chuyển thẳng vào các lớp 6 tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (lộ trình A).
b) Học sinh đạt điểm trung bình cộng dưới 6,0 có thể học theo Chương trình tăng cường tiếng Pháp để được nhận chứng chỉ C tiếng Pháp sau lớp 12 hoặc có thể học theo Chương trình Ngoại ngữ tiếng Pháp hiện hành.
2. Tuyển sinh lớp 10 song ngữ
a) Học sinh tốt nghiệp THCS đạt loại khá trở lên, đạt điểm trung bình cộng của các bài thi các môn tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp từ 6,0 trở lên, được xét tuyển vào lớp 10.
b) Học sinh đạt điểm trung bình cộng các bài thi các môn tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp từ 5,0 đến dưới 6,0 (trong đó có điểm bài thi tiếng Pháp từ 7,0 trở lên) được xét tuyển vào học lớp Tăng cường tiếng Pháp (không học các môn khoa học bằng tiếng Pháp); học sinh đạt điểm trung bình cộng các bài thi các môn tiếng Pháp và khoa học bằng tiếng Pháp dưới 5,0 sẽ học theo chương trình Ngoại ngữ tiếng Pháp hiện hành.
Nhận được công văn này, đề nghị các Sở GDĐT triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ GDĐT tình hình thực hiện vào đầu năm học 2008-2009. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần báo cáo với Bộ GDĐT để giải quyết.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |