Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc 

 

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 1997 

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 1997 CÁC CĂN CỨ ĐỂ XEM XÉT BÁN NGOẠI TỆ CHO CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI KHÔNG THUỘC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢCNHÀ NƯỚC ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI NGOẠI TỆ

Để thực hiện nội dung quy định tại Điều 15 Thông tư số 02/TT-NH7 ngày 28-6-1997 hướng dẫn về QLNH đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia HĐHTKD, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định những nguyên tắc phạm vi và đối tượng xem xét cân đối ngoại tệ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước đảm bảo cân đối ngoại tệ như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG:

Để đảm bảo có nguồn ngoại tệ cung cấp cho những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, ổn định tỷ giá hối đoái, làm lành mạnh dần cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại tệ cho Nhà nước; và để các doanh nghiệp có vốn ĐTNN nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của mình quy định tại giấy phép đầu tư, nhất là nghĩa vụ tự cân đối ngoại tệ; Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích việc chuyển đổi VNĐ ra ngoại tệ cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được bảo đảm cân đối ngoại tệ. Đối với từng loại hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh khác nhau, NHNN sẽ hỗ trợ ở những mức độ khác nhau.

1. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trong giấy phép đầu tư không quy định nghĩa vụ tự cân đối ngoại tệ vì họ không có điều kiện tự cân đối ngoại tệ như các lĩnh vực thuộc các ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, văn phòng cho thuê, dịch vụ vận tải công cộng, trường học, y tế, văn hoá, cho thuê thiết bị... sẽ được xem xét cho mua ngoại tệ trên cơ sở những nội dung chi phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam. Về hồ sơ và căn cứ xem xét cho mua thực hiện theo Điểm 15 Thông tư số 02/TT-NH7 ngày 28-6-1997.

2. Đối với doanh nghiệp chỉ có một số sản phẩm nằm trong danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu thì phần ngoại tệ xin mua để phục vụ sản xuất mặt hàng nằm ngoài danh mục được xem xét theo quy định tại điểm 3 dưới đây. Riêng phần ngoại tệ để phục vụ sản xuất mặt hàng nằm trong danh mục sẽ được thực hiện trên cơ sở các quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể để các Ngân hàng thương mại thực hiện bán ngoại tệ cho các đối tượng này trên nguyên tắc chỉ bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu hợp lý để sản xuất mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu.

3. Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất có nghĩa vụ xuất khẩu sản phẩm theo quy định, Ngân hàng chỉ hỗ trợ một phần nhu cầu ngoại tệ ở mức tối thiểu và trong trường hợp thật sự cần thiết và hợp lý; Nếu có sự hỗ trợ thì lượng ngoại tệ xem xét cho mua giảm dần hàng năm và thời gian hỗ trợ có thể là trong 3 năm đầu kể từ khi chính thức đi vào hoạt động. Doanh nghiệp phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu trong các năm tiếp theo để phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư; có kế hoạch về thu, chi bằng ngoại tệ và Đồng Việt Nam theo nguyên tắc giảm chi tối đa nguồn ngoại tệ, hạn chế nhập khẩu nguyên vật liệu, tận dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước... và doanh nghiệp phải có cam kết tự cân đối được ngoại tệ sau 3 năm hoạt động (tính từ khi chính thức đi vào hoạt động). NHNN sẽ chấm dứt việc xem xét cho doanh nghiệp mua ngoại tệ sau thời gian nói trên trừ trường hợp đặc biệt do Thống đốc xem xét quyết định (nội dung này sẽ được ghi rõ trong các văn bản gửi đơn vị).

Về nội dung xem xét bán ngoại tệ cho doanh nghiệp:

Để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn bước đầu đi vào sản xuất, Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp mua ngoại tệ để thực hiện những nội dung theo thứ tự ưu tiên sau:

3.1. Nhập nguyên vật liệu sản xuất trong năm (nguyên liệu nhập khẩu phải là nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng đủ và căn cứ vào văn bản cho phép nhập khẩu của Bộ Thương mại).

3.2. Nhập phụ tùng thay thế máy móc thiết bị đồng bộ trong nước chưa sản xuất được.

Ngân hàng Nhà nước không cân đối ngoại tệ cho doanh nghiệp để trả nợ gốc, lãi những khoản vay nước ngoài và chuyển ra nước ngoài vốn pháp định hoặc vốn thực hiện dự án HĐHTKD của nhà ĐTNN (trừ những trường hợp đặc biệt do Thống đốc quyết định).

Những doanh nghiệp thuộc đối tượng này khi có nhu cầu cân đối ngoại tệ nếu có đủ hồ sơ hợp lệ và đúng với quy định sẽ được Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc xem xét quyết định lượng ngoại tệ được mua cho từng quý, 6 tháng hoặc cả năm.

II. CĂN CỨ XEM XÉT CHO DOANH NGHIỆP CÓ NGHĨA VỤXUẤT KHẨU THEO QUY ĐỊNH ĐƯỢC MUA NGOẠI TỆ:

Về hồ sơ như quy định tại Điều 15 Thông tư số 02/TT-NH7 ngày 28-6-1997; Trên cơ sở hồ sơ đầy đủ hợp lệ, NHNN xem xét những nội dung sau:

1. Tỷ lệ phần trăm sản phẩm xuất khẩu quy định tại giấy phép Đầu tư.

2. Doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định tại điểm 3 phần I văn bản này.

3. Kế hoạch thu chi ngoại tệ trong năm kế hoạch và báo cáo thực hiện năm trước năm kế hoạch.

4. Kế hoạch xuất nhập khẩu trong năm (phù hợp với kế hoạch thu chi ngoại tệ), khó khăn về thị trường xuất khẩu, chủ trương của cơ quan chức năng về tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.

5. Doanh nghiệp phải có văn bản cam kết với Ngân hàng Nhà nước kế hoạch tự cân đối ngoại tệ theo như quy định tại điểm 3 phần I văn bản này.

Trên cơ sở xem xét một cách tổng hợp các nguồn thông tin nói trên, Vụ Quản lý ngoại hối sẽ trình Thống đốc cho mua trong giới hạn khả năng nguồn ngoại tệ hiện có của Ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao cho Vụ Quản lý ngoại hối xem xét trình Thống đốc quyết định từng trường hợp cụ thể theo quy định tại văn bản này.

Sau khi được Thống đốc phê chuẩn, Vụ Quản lý ngoại hối có công văn trả lời đơn vị theo đúng quy định của Thống đốc.

Hàng tháng, chậm nhất vào ngày mùng 5, Vụ Quản lý ngoại hối có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Thống đốc về tình hình cấp phép bán ngoại tệ cho các đối tượng không thuộc diện được đảm bảo cân đối ngoại tệ.

Hàng quý, chậm nhất vào ngày 15, Vụ Quản lý ngoại hối tổng hợp và báo cáo Thống đốc về tình hình bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của các Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ.

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối có trách nhiệm triển khai thực hiện những nội dung trên.

 

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)