Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1303/CP-KTTH

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 1303/CP-KTTH NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ VIỆC GIÁ BÁN ĐIỆN ĐẾN HỘ NÔNG DÂN

Kính gửi:

 

- Bộ Công nghiệp,
- Bộ Tài chính,
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
- Ban Vật giá Chính phủ,
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 2; sau khi xem xét các phương án của Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Công nghiệp và ý kiến của các cơ quan liên quan về giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đối với các hộ gia đình ở nông thôn, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Việc xử lý giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đối với các hộ gia đình ở nông thôn được đặt trong tổng thể việc điều chỉnh hệ thống giá điện chung trong cả nước.

Nhà nước đảm bảo phân phối và quy định giá bán điện ổn định đến công tơ tổng đặt tại các trạm biến áp ở các xã. Những chi phí phát sinh đưa lưới điện từ công tơ tổng ở xã để phân phối đến thôn, làng, hộ gia đình thì huy động sự đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của ngân sách địa phương.

2. Trước mắt, quy định giá trần bán điện tiêu dùng sinh hoạt cho hộ nông dân là 700đ/Kwh.

Ban Vật giá Chính phủ thống nhất với Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam công bố và hướng dẫn việc thực hiện mức giá trần nêu trên theo hướng:

a) Đối với những nơi giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt cho hộ nông dân hiện thấp hơn 700đ/Kwh, ủy ban nhân dân địa phương cùng ngành Điện lực tiếp tục chỉ đạo, quản lý để giữ mức giá hiện tại.

b) Đối với những nơi giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt cho hộ nông dân hiện còn cao hơn 700đ/Kwh, ủy ban nhân dân địa phương chủ trì phối hợp với ngành điện lực lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức phân phối điện đảm bảo các điều kiện: có khả năng quản lý lưới điện (từ công tơ tổng đến các hộ gia đình), thu hút và tự trang trải vốn đầu tư; giảm được chi phí tổn thất điện, để đưa giá điện xuống ngang với giá trần.

Trường hợp cá biệt, sau khi đã áp dụng mô hình phân phối có đủ các điều kiện nêu trên, những chi phí tổn thất điện vẫn không đảm bảo đưa giá xuống ngang với giá trần thì cho phép thực hiện theo giá thực tế hợp lý.

3. Việc thực hiện giá trần nêu trên chỉ áp dụng đối với điện tiêu dùng sinh hoạt bán cho hộ dân nông thôn ở những nơi có mạng lưới điện quốc gia; đối với điện sử dụng cho các nhu cầu khác ở nông thôn, thực hiện theo giá quy định chung của Nhà nước.

MỘT SỐ MÔ HÌNH PHÂP PHỐI VÀ BÁN ĐIỆN Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY

Giá quy định của Nhà nước ở công tơ tổng ở xã 360đ/Kwh. Từ sau công tơ tổng, các xã tổ chức phân phối, bán điện tới hộ dân theo nhiều cách khác nhau.

Có 6 mô hình chính:

1- Ban điện xã: ủy ban nhân dân xã lập Ban điện xã mua điện tại công tơ tổng để phân phối.

2- Thầu tư nhân: Lưới điện do xã đầu tư, nhưng giao cho cá nhân thầu, quản lý.

3- Công ty kinh doanh điện nông thôn: Công ty ký hợp đồng mua điện ở công tơ tổng để phân phối cho dân.

4- Ban điện (nước) nông thôn tỉnh: Ban này trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, chịu trách nhiệm đầu tư lưới điện hạ thế, mua điện từ công tơ tổng, để phân phối cho dân.

5- Hợp tác xã tiêu thụ điện năng.

6- Tổng công ty Điện lực và bán điện trực tiếp đến hộ dân (mới đang thí điểm).

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)