Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/CV-TD5

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 18/CV-TD5 NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1997 VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VIỆC THỰC HIỆN NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH (TRONG NƯỚC) CỦA CÁC NGÂN HÀNG

Kính gửi:

- Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
- Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

 

Ngày 16/9/1994, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quy chế về nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng kèm theo Quyết định số 196/QĐ-NH14. Sau khi Quy chế được ban hành đã mở rộng hoạt động nghiệp vụ của các Ngân hàng (bao gồm các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, tham gia dự thầu, thực hiện hợp đồng xây lắp v.v.., nâng cao uy tín của các Ngân hàng...

Bên cạnh đó do một số Ngân hàng chưa triển khai chỉ đạo cụ thể tại đơn vị mình nên việc thực hiện của từng Ngân hàng ở từng nơi, còn có lúc tuỳ tiện, chấp hành không đúng quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. ở những Ngân hàng này đã quản lý việc bảo lãnh không sát sao, để khách hàng lợi dụng, không trả được nợ gây thất thoát và làm giảm uy tín của các Ngân hàng, như việc bảo lãnh không đúng thẩm quyền ở Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp Hải Phòng... Đặc biệt nghiêm trọng là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Sóc Trăng đã tự ý đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp, hoặc tái bảo lãnh cho ngân hàng thương mại.

Để thực hiện kế hoạch và biện pháp chấn chỉnh hoạt động ngân hàng theo Công văn số 756/CV-NH3 ngày 16/12/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Ngân hàng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cần rà soát lại việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng, có văn bản hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ bảo lãnh trong hệ thống ngân hàng của mình (nếu đơn vị nào chưa có hướng dẫn) và xem xét lại các văn bản quy định của Ngân hàng mình theo đúng tinh thần Quy chế về nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 196/QĐ-NH14 ngày 16/9/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và một số điểm bổ sung, sửa đổi quy chế nói trên ban hành kèm theo Quyết định số 262/QĐ-NH14 ngày 19/9/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình rà soát, chấn chỉnh cần lưu ý một số điểm sau:

1. Thẩm quyền ký bảo lãnh: Tổng Giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng bảo lãnh là người ký bảo lãnh; Tổng Giám đốc (Giám đốc) có thể uỷ quyền bằng văn bản cho Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc Giám đốc chi nhánh trực thuộc ký bảo lãnh trong phạm vi nhất định và chịu trách nhiệm về việc bảo lãnh của người được uỷ quyền. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác.

2. Mức bảo lãnh cho một doanh nghiệp: Tổng số tiển bảo lãnh cho một doanh nghiệp không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng bảo lãnh.

3. Việc xác lập quỹ bảo lãnh: Các ngân hàng khi bảo lãnh cho các doanh nghiệp phải lập quỹ bảo lãnh tối thiểu bằng 5% số tiền bảo lãnh và phải hạch toán vào một tiểu khoản riêng tại ngân hành bảo lãnh.

4. Tài sản thế chấp bảo lãnh: Cần xem xét kỹ quyền sở hữu tài sản, công chứng của các cơ quan công chứng Nhà nước, tính chuyển nhượng của tài sản thế chấp.

5. Mức phí bảo lãnh: Mức phí bảo lãnh tối đa mà các ngân hàng thu của doanh nghiệp được bảo lãnh là 1% năm tính trên số tiền còn được bảo lãnh.

6. Tổng hợp và báo cáo việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng (hoặc chi nhánh) theo Biểu số 9 đính kèm Công văn số 756/CV-NH3 ngày 16/12/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

7. Sau khi tiến hành rà soát, xem xét lại tình hình bảo lãnh của các ngân hàng, đối với những món bảo lãnh mà Ngân hàng (hoặc chi nhánh) phải trả thay hoặc những món bảo lãnh có khả năng phải trả thay khi đến hạn doanh nghiệp phải trả nợ, đề nghị Tổng Giám đốc các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố cần làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan) dẫn đến ngân hàng bảo lãnh phải trả thay (đã trả và sẽ trả thay), từ đó đề ra các biện pháp chấn chỉnh.

Đề nghị các Ngân hàng và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phản ánh, báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) trước ngày 31/1/1997 nội dung sau:

- Những vướng mắc cần đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi trong Quy chế về nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 196/QĐ-NH14 ngày 16/9/1994 và những điểm sửa đổi quy chế nói trên tại Quyết định số 262/QĐ-NH14 ngày 19/9/1995 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

- Toàn bộ tình hình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh của đơn vị mình (hoặc địa phương mình) theo các chỉ tiêu nêu trên và các biện pháp chấn chỉnh.

 

Phùng Khắc Kế

(Đã ký)