Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/CV-NH14

Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 36 CV-NH14 NGÀY 22 THÁNG 1 NĂM 1996 VỀ VIỆC CHẤP HÀNH QUY CHẾ BẢO LÃNH VÀ TÁI BẢO LÃNH CỦA NGÂN HÀNG.

Kính gửi:

- Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng thương mại.
- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

 

Thực hiện Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số: 58/CP ngày 30-08-1995 của Chính phủ, đồng thời để mở rộng nghiệp vụ bảo lãnh của các Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy chế bảo lãnh và tái bảo lãnh vay vốn nước ngoài kèm theo Quyết định số: 23/QĐ-NH14 ngày 21-02 -1994 và Quy chế nghiệp vụ bảo lãnh của các Ngân hàng kèm theo Quyết định số: 196/QĐ-NH14 ngày 16-09-1994. Tại các Quy chế này đã quy định:

Các Ngân hàng bảo lãnh cho các doanh nghiệp và bảo lãnh, tái bảo lãnh cho nhau. Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh, tái bảo lãnh cho các Ngân hàng và bảo lãnh cho một số doanh nghiệp khi được Chính phủ chỉ định.

Thẩm quyền ký bảo lãnh, tái bảo lãnh là Tổng Giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng nhận bảo lãnh và có thể uỷ quyền (bằng văn bản) cho Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc Chi nhánh trực thuộc mình ký bảo lãnh, tái bảo lãnh trong phạm vi nhất định và chịu trách nhiệm về việc làm của người được uỷ quyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố (nơi được uỷ quyền) xem xét hồ sơ xin bảo lãnh, tái bảo lãnh của các Ngân hàng để trình Thống đốc duyệt. Sau đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có thể uỷ quyền cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố (nơi được uỷ quyền) được ký các giấy tờ bảo lãnh, tái bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước.

Sau thời gian thực hiện, nhìn chung các Ngân hàng đã chấp hành đúng các quy định trên, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay được vốn để thực hiện các dự án mang lại hiệu quả và góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Tuy nhiên vẫn còn một số Chi nhánh Ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng, khi triển khai nghiệp vụ không nghiên cứu kỹ các văn bản của Ngân hàng TW, dẫn đến làm trái quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: ký bảo lãnh không đúng thẩm quyền như Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tự ý ký nhiều chứng thư bảo lãnh cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển kinh tế Sóc Trăng mua hàng trả chậm của một số khách hàng trong nước với số tiền bằng nhiều chục tỷ đồng. Hiện nay Giám đốc Công ty đã bỏ trốn do không thanh toán được các khoản tiền còn nợ của khách hàng. Đáng chú ý là một số Chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển lại căn cứ vào các chứng thư bảo lãnh phi pháp trên để cho vay đối với khách hàng, dẫn đến chưa thu hồi được nợ.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Tổng Giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng Thương mại và Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố:

1. Tổ chức nghiên cứu, để quán triệt đầy đủ chủ trương của Nhà nước và của ngành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài và các văn bản quy định về nghiệp vụ bảo lãnh, tái bảo lãnh;

2. Rà soát và chấn chỉnh lại việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh tại các đơn vị trong hệ thống của mình, đảm bảo các món đang và tiếp tục bảo lãnh phải theo đúng các quy định hiện hành, có biện pháp xử lý kịp thời để không tái diễn các sai phạm trong việc bảo lãnh, tái bảo lãnh.

3. Tổ chức kiểm tra và báo cáo kịp thời về Ngân hàng Nhà nước việc chấp hành Quy chế bảo lãnh, tái bảo lãnh.

 

Chu Văn Nguyễn

(Đã ký)