Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 275/CP-KTTH

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 275/CP-KTTH NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO VÀ TIÊU THỤ LÚA, GẠO VỤ ĐÔNG XUÂN 1998-1999

Kính gửi:

 

- Các Bộ: Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp,
- Ngân hàng Nhà nước,
- Ban Vật giá Chính phủ,
- Tổng Cục Hải quan,
- UBND các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ,
Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau
- Ban chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón (Ban chỉ đạo)
- Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực,
- Tổng công ty lương thực miền Nam,
- Tổng công ty lương thực miền Bắc.

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số doanh nghiệp về tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong quý I1999, việc bảo đảm phân bón cho kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 1999, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

I. VỀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ THỊ TRƯỜNG VÀ ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO

1. Trong quý I/1999, do nhu cầu của thị trường gạo thế giới có biến động nên kết quả xuất khẩu chưa sát với dự kiến của kế hoạch năm 1999 đã đề ra. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo lưu ý việc nắm bắt tình hình thông tin về thị trường gạo cần được chặt chẽ hơn. Việc công bố các biên pháp điều hành cần được thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp, Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

2. Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, phù hợp với tình hình sản xuất, thu mua lúa gạo trong nước và nhu cầu của thị trường bên ngoài, đặc biệt là từ quý II năm 1999, yêu cầu Bộ Thương mại cùng Ban chỉ đạo phối hợp điều hành theo các nguyên tắc:

- Thúc đẩy nhanh việc giao hàng theo các hợp đồng đã ký và đã được mở thư tín dụng thanh toán.

- Doanh nghiệp nào có khả năng thực hiện hết hạn ngạch trong tháng 4/1999 thi Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh hạn ngạch trong từng tỉnh; trường hợp không điều chỉnh trong tỉnh được thì Bộ thương mại căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh , xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung hạn ngạch.

- Cho phép các doanh nghiệp ngoài đầu mối được trực tiếp xuất khẩu gạo nếu giao dịch, ký được hợp đồng giá tốt và đáp ứng được các điều kiện thương mại theo hướng dẫn của Bộ Thương mại.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét kế hoạch trả nợ các nước bằng hàng hoá trong năm 1998-1999 để trao đổi với các nước nhận một phần nợ bằng gạo.

3. Bộ Thương mại và Tổng Công ty lương thực miền Nam cần đẩy nhanh việc ký kết các hợp đồng Chính phủ về mua, bán gạo với một số nước Châu Á đã có thoả thuận sơ bộ với ta để thực hiện trong quý II/1999, theo các nguyên tắc đã nêu tại quyết định số 250/1998/QĐ-TTg ngày 24/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp nào ký được hợp đồng có giá tương đương giá của các hợp đồng Chính phủ thì Bộ Thương mại cho phép thực hiện.

4. Giao Bộ Thương mại bàn với Bộ Ngoại giao để xúc tiến việc thăm dò, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu gạo sang Châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ; trường hợp các thị trường này có khó khăn về vấn đề thanh toán thì bàn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có các hình thức hỗ trợ tín dụng bán gạo trả chậm, nhằm mở rộng, duy trì và ổn định thị trường gạo Việt Nam.

Việc mở rộng thị trường và cơ chế liên quan cần được chuẩn bị kỹ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi tổ chức thực hiện. Trước mắt, Bộ Thương mại cần chuẩn bị cử đoàn đi khảo sát thị trường Châu Phi.

II. VỀ CÔNG TÁC THU MUA LÚA GẠO VỤ  ĐÔNG XUÂN 1998-1999

1. Để bảo đảm tiêu thụ hết và kịp thời lúa, gạo hàng hoá vụ Đông xuân 1998- 1999 trong thời gian thị trường xuất khẩu có khó khăn, cho phép áp dụng các biện pháp sau đây:

- Đối với chỉ tiêu 1 triệu tấn quy lúa mua tạm trữ theo Quyết định số 250/1998-QĐ-TTg ngày 24/12/1998, Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện hết chỉ tiêu được giao trước ngày 31/3/1999; Riêng thời hạn tạm trữ 1 triệu tấn quy lúa này được kéo dài thêm hai tháng, tính đến ngày 31/5/1999.

- Bổ sung chỉ tiêu mua lúa, gạo tạm trữ là 500.000 tấn. Chỉ tiêu bổ sung này phải thực hiện xong trước ngày 15/4/1999. Thời hạn tạm trữ (để được bù lãi xuất vay ngân hàng theo nguyên tắc nêu tại Quyết định số 250/1998/QĐ-TTg ngày 24/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ) được tính là hai tháng, kể từ ngày doanh nghiệp mua lúa, gạo nhập kho.

Trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ tiêu 1 triệu tấn đợt đầu, tình hình lúa gạo tồn kho và tình hình cơ sở kho tàng tạm trữ của doanh nghiệp, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ tiếp chỉ tiêu mua tạm trữ 500.000 tấn quy lúa nói trên cho các doanh nghiệp.

2. Ngân hàng nhà nước chỉ đạo ngân hàng Thương mại liên quan bảo đảm vốn vay cho các doanh nghiệp để thực hiện hết các chỉ tiêu mua lúa, gạo tạm trữ nói trên; có kế hoạch giãn nợ vay vốn sản xuất cho nông dân để giúp cho các hộ sản xuất tránh bị ép phải bán lúa gạo với giá thấp và có vốn bổ sung cho sản xuất vụ tiếp theo.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lương thực chuẩn bị đủ kho và cơ sở bảo quản lượng lúa, gạo mua tạm trữ nêu trên, tránh được mưa, lụt có thể xẩy ra, không để lúa, gạo bị giảm phẩm cấp trong thời gian tạm trữ.

4. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban vật giá Chính phủ phối hợp với UBND các tỉnh kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện mua lúa tạm trữ của các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả biện pháp này của nhà nước.

III. VỀ BẢO ĐẢM PHÂN BÓN NPK CHO SẢN XUẤT

Giao Bộ Công nghiệp chủ trì cùng Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành việc kiểm tra, xem xét tình hình sản xuất và cung ứng phân bón NPK của các cơ sở sản xuất trong nước và của các Liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/1999 để có biện pháp xử lý kịp thời như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 250/1998/QĐ-TTg ngày 24/12/1998.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Bộ Thương mại và ban chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với UBND các tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chủ trương và biện pháp nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, điều chỉnh các biện pháp điều hành cho sát tình hình thực tiễn.

Giao Bộ Thương mại tổ chức họp báo để thông báo, giải thích rõ tình hình và các công việc đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các Bộ, ngành và UBND các tỉnh đang tổ chức thực hiện đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)