BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3780-TC/TCNH | Hà Nội , ngày 24 tháng 10 năm 1996 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 3780 TC/TCNH NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1996 VỀ VIỆC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM TRONG THỊ TRƯỜNG
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Phù hợp với đường lối phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngày 18/12/1993 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/CP về kinh doanh bảo hiểm cho phép nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh bảo hiểm. Ngoài Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), từ năm 1994 Bộ Tài chính đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh bảo hiểm cho một số doanh nghiệp bảo hiểm mới của Việt Nam đi vào hoạt động theo quy định của Nghị định 100/CP. Đó là các công ty:
- Công ty bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh (Bảo Minh)
- Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long)
- Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO)
- Công ty bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVIC)
- Công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE)
- Công ty liên doanh môi giới bảo hiểm Bảo Việt - Inchcape hữu hạn (INCHINBROK).
Ngay sau khi được thành lập, thời gian gần đây có công ty bảo hiểm mới đã nhanh chóng tổ chức mạng lưới chi nhánh và đại diện ở nhiều địa phương trong cả nước, sớm đi vào hoạt động ổn định, góp phần đáp ứng một cách đầy đủ hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của khách hàng. Với sự có mặt của nhiều loại hình công ty bảo hiểm, có sự cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật đã hình thành và có những tác dụng tích cực, đưa tỷ lệ phí bảo hiểm về mức hợp lý, phản ánh đúng đắn hơn giá cả bảo hiểm, có lợi cho khách hàng mua bảo hiểm. Cũng do cạnh tranh mà chất lượng phục vụ khách hàng của các công ty bảo hiểm đã được quan tâm, cải thiện một bước so với khi chỉ có một công ty hoạt động.
Tuy nhiên, do sức ép của cạnh tranh, các công ty bảo hiểm đã áp dụng một số biện pháp tiêu cực không phù hợp với nền kinh tế thị trường như tác động tới chính quyền địa phương (Uỷ ban nhân dân các cấp), cơ quan quản lý các ngành (các Bộ, các sở, thậm chí cả các phòng trên quận, huyện) hoặc thông qua các Tổng công ty để buộc đối tượng quản lý và các đơn vị trực thuộc phải mua bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm chỉ định không trên cơ sở lựa chọn có phân tích của người tham gia bảo hiểm. Tình hình này diễn ra phổ biến trong bảo hiểm học sinh, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu biển.... Xu hướng áp đặt hành chính trong kinh doanh bảo hiểm như trên làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua bảo hiểm và trái với định hướng phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo vấn đề này theo những nguyên tắc sau:
1. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm được hoạt động bình đẳng theo pháp luật Nhà nước trong khai thác bảo hiểm ở mọi lĩnh vực, mọi ngành và trên mọi địa bàn.
2. Không ban hành các văn bản mang tính áp đặt hành chính đối với việc mua bảo hiểm làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm là lựa chọn công ty bảo hiểm phục vụ tốt nhất, có mức phí bảo hiểm hợp lý nhất và có chất lượng.
3. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tuỳ theo thẩm quyền cho phép xử lý nghiêm các vi phạm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng như các sai phạm khác có liên quan trong phạm vi quản lý.
Bộ Tài chính mong được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để từng bước xây dựng một thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, vì quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.
Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |