TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/1999/KHXX | Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 1999 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 53/1999/KHXX NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐIỀU 181 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước
Sau khi nghiên cứu Công văn số 40/CV-TA ngày 30-3-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị hướng dẫn áp dụng Điều 181 Bộ luật Hình sự, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
1. Tại Điều 3 Nghị định số 77/CP ngày 29-11-1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đã quy định rõ đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng mà mức độ gây thiệt hại vượt qua mức độ tối đa thuộc phại vi xử phạt vi phạm hành chính đối với mỗi hành vi được quy định tại Nghị định này thì phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, cần áp dụng các quy định của Nghị định số 77/CP để xác định tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là đối với hành vi phá rừng trái phép, hành vi khai thác rừng trái phép và hành vi phát đốt rừng trái phép để làm nương dẫy (quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định 77/CP), nếu gây thiệt hại với một trong các mức sau đây phải truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Phá rừng, phát đốt rừng sản xuất từ trên 1 ha;
- Phá rừng, phát đốt rừng phòng hộ từ trên 0,5 ha;
- Phá rừng, phát đốt rừng đặc dụng từ trên 0,3 ha.
- Khai thác trái phép gỗ tròn thông thường: ở rừng sản xuất từ trên 25m3; ở rừng phòng hộ từ trên 20m3; ở rừng đặc dụng từ trên 15m3;
- Đối với gỗ tròn quý hiếm thì cần lưu ý như sau: Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ, thì: Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm I. Hạn chế việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm II. Vì vậy, tại dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng (về cơ bản dự thảo Thông tư này đã được chuyên viên các ngành liên quan nhất trí, tuy nhiên chưa trình lên lãnh đạo xem xét ký, ban hành là do cần chờ kết quả của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá X thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi) thì:
- Khai thác trái phép gỗ tròn quý hiếm từ trên 1m3 thuộc nhóm I, hoặc từ trên 10 m3 thuộc nhóm II thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 181 Bộ luật Hình sự.
2. Cũng theo dự thảo Thông tư liên tịch nói trên thì các hành vi phá rừng trái phép, phát đốt rừng trái phép làm nương rẫy, khai thác gỗ tròn quý hiếm, nếu gây thiệt hại với một trong các mức sau đây thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 181 Bộ luật Hình sự:
- Phá rừng, phát đốt rừng sản xuất từ trên 1,5ha
- Phá rừng, phát đốt rừng phòng hộ từ trên 0,7ha
- Phá rừng, phát đốt rừng đặc dụng từ trên 0,5ha
- Khai thác gỗ tròn thông thường: từ trên 35 m3 ở rừng sản xuất, từ trên 28 m3 ở rừng phòng hộ, từ trên 20 m3 ở rừng đặc dụng.
- Khai thác gỗ tròn quý hiếm từ trên 3 m3 thuộc nhóm I, từ trên 15 m3 thuộc nhóm II.
Vì dự thảo Thông tư liên tịch chưa được chính thức thông qua, vì vậy hướng dẫn về việc xác định các mức thiệt hại làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 181 Bộ luật Hình sự đối với hành vi khai thác gỗ tròn quý, hiếm thuộc nhóm I và làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm theo Khoản 2 Điều 181 Bộ luật Hình sự, chưa phải là hướng dẫn chính thức. Do đó, ý kiến trên đây của Toà án nhân dân tối cao chỉ để quý Toà tham khảo trong việc áp dụng Điều 181 Bộ luật Hình sự.
| Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |