NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 434/CV-NH7 | Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 1996 |
CÔNG VĂN
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 434/CV-NH7 NGÀY 5 THÁNG 8 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA CHỈ THỊ 06/NH7-CT
Kính gửi:
| - Tổng Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng thương mại. |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 06/NH7-CT ngày 6/6/1996 về tăng cường công tác quản lý vay trả nợ nước ngoài. Sau một thời gian thực hiện, tình hình bảo lãnh theo phương thức mở L/C nhập hàng trả chậm của các Ngân hàng thương mại đã có những chuyển biến tích cực, việc mở L/C nhập hàng tiêu dùng không thiết yếu đã bước đầu được hạn chế góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động của các Ngân hàng thương mại. Thống đốc quy định một số nội dung cụ thể để thực hiện điểm 7 và điểm 8 Chỉ thị 06/NH7-CT ngày 6/6/1996 trong việc mở L/C trả chậm dưới năm và L/C trả chậm để nhập hàng tiêu dùng của Ngân hàng thương mại như sau:
1- Về mức ký quỹ mở L/C nhập hàng trả chậm dưới 1 năm và L/C trả chậm để nhập hàng tiêu dùng:
a) Đối với mức ký quỹ mở L/C trả chậm để nhập hàng tiêu dùng và các hàng hoá trong nước đã sản xuất được vẫn thực hiện đúng theo các quy định tại Chỉ thị số 06/NH7-CT ngày 6/6/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Hàng tiêu dùng tại văn bản này là những hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng, trong nước đã sản xuất được và không khuyến khích nhập khẩu.
b) Trường hợp mở L/C trả chậm dưới 1 năm để nhập nguyên liệu bao gồm nguyên liệu gia công xuất khẩu, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất (như phân bón, xăng dầu, xi măng, sắt thép). Tổng Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng thương mại tuỳ theo tình hình thực tế và khả năng tài chính của từng khách hàng mà quyết định mức ký quỹ cụ thể, nhưng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn vốn, có hiệu quả. Khách hàng mở tài khoản thanh toán đồng Việt Nam và ngoại tệ ở ngân hàng nào thì mở L/C nhập hàng trả chậm tại ngân hàng đó.
2- Đối với L/C sẽ mở theo các hợp đồng nhập hàng đã ký với nước ngoài năm 1996 trước khi ban hành Chỉ thị 06/NH7-CT , các Ngân hàng thương mại được tiếp tục thực hiện theo các cam kết trước đây với khác hàng và phải báo cáo Ngân hàng Trung ương biết hợp đồng phải quản lý chặt chẽ lô hàng nhập khẩu như quy định tại Điểm 1 trên đây để đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn về ngân hàng.
4- Về chế độ báo cáo vay nợ nước ngoài và bảo lãnh mở L/C nhập hàng trả chậm:
Các Ngân hàng thương mại phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương theo các quy định dưới đây:
a) Các Ngân hàng thương mại, hàng tháng phải gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) báo cáo tháng về tình hình vay nợ nước ngoài theo mẫu biểu quy định tại văn bản này vào ngày 10 tháng sau. Các Chi nhánh của Ngân hàng thương mại phải gửi báo cáo với nội dung như trên tới chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn.
b) Đối với những L/C nhập hàng trả chậm mà Ngân hàng hương mại mở cho khách hàng có giá trị 500.000 USD trở lên thì phải báo cáo vào ngày làm việc ngay sau ngày mở L/C. (Giá trị L/C, thời hạn thanh toán và mặt hàng mở L/C).
c) Những L/C nhập hàng trả chậm mà quá hạn thanh toán hoặc Ngân hàng Thương mại đã thanh toán cho nước ngoài và phải cho doanh nghiệp vay bắt buộc trong nước thì cũng phải báo cáo ngay 1 ngày sau ngày đáo hạn thanh toán hoặc ngày phải cho vay bắt buộc trong nước.
d) Các Ngân hàng thương mại được phép hoạt động đối ngoại phải ban hành quy chế hướng dẫn nghiệp vụ mở L/C nhập hàng trả chậm. Các Ngân hàng Thương mại không được mở L/C nhập hàng trả chậm khi chưa có quy chế quy định cụ thể các điều kiện và cách thức mở L/C trả chậm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Tổng Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng thương mại, Giám đốc chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc văn bản hướng dẫn này.
| Lê Văn Châu (Đã ký) |