NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 259/NHNN-TDHT | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2001 |
HƯỚNG DẪN
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 259/NHNN-TDHT NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC SÁP NHẬP QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN KHU VỰC VÀO QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN TRUNG ƯƠNG
Thực hiện Quyết định số 207/QĐ-NHNN ngày 20/3/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước "Về việc phê duyệt đề án mở rộng màng lưới hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương", Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy trình, thủ tục sáp nhập Quỹ tín dụng nhân dân khu vực (sau đây gọi tắt là Quỹ tín dụng khu vực) vào Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ tín dụng Trung ương) như sau:
I. NGUYÊN TẮC SÁP NHẬP
Việc sáp nhập Quỹ tín dụng khu vực vào Quỹ tín dụng Trung ương phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Quỹ tín dụng khụ vực, Quỹ tín dụng Trung ương tiến hành sáp nhập theo đề án đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn;
2. Việc sáp nhập phải bảo đảm hợp pháp, đúng luật định và bảo vệ quyền lợi của các thành viên, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn.
3. Về nguyên tắc là sáp nhập, chuyển giao theo nguyên trạng; các vấn đề tồn đọng sẽ được xử lý dần.
Tuy nhiên một số nội dung bắt buộc phải xử lý theo pháp luật trước khi sáp nhập thì phải thực hiện theo quy định hiện hành; các vấn đề còn tồn tại khác tuy được xử lý dần nhưng phải làm rõ để quy trách nhiệm cụ thể trước khi sáp nhập (các khoản phải thu, phải trả, các khoản nợ vay không có khả năng thu hồi do nguyên nhân chủ quan...), tránh tình trạng lợi dụng việc sáp nhập để đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm;
4. Quỹ tín dụng khu vực thực hiện chuyển giao toàn bộ các quyền và nghĩa vụ về tài sản cho Quỹ tín dụng Trung ương; đối với các quỹ không chia (quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển) chuyển toàn bộ về Quỹ tín dụng Trung ương, đối với quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được sử dụng theo Nghị quyết Đại hội thành viên;
5. Đối với cán bộ làm việc tại Quỹ tín dụng khu vực:
Cán bộ làm việc tại Quỹ tín dụng khu vực về nguyên tắc việc tiếp nhận sẽ do thỏa thuận giữa Quỹ tín dụng khu vực và Quỹ tín dụng Trung ương.
Riêng cán bộ biệt phái từ Ngân hàng Nhà nước sang làm việc tại Quỹ tín dụng khu vực được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 911/CV-NHNN9 ngày 19/9/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và kết luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo thông báo số 06/TB-VP ngày 4/1/2001;
6. Việc giải quyết vốn góp, quyền lợi của thành viên được thực hiện sau khi thành viên đã thực hiện xong các nghĩa vụ kinh tế (nếu có) đối với Quỹ tín dụng khu vực bao gồm:
- Hoàn trả các khoản nợ vay (gốc, lãi) đến hạn và quá hạn;
- Các khoản tổn thất phải bồi hoàn do liên đới chịu trách nhiệm;
- Các khoản lỗ trong kinh doanh, rủi ro trong hoạt động tương ứng với tỷ lệ vốn góp mà thành viên cùng gánh chịu theo Nghị quyết của Đại hội thành viên;
7. Mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động trước thời điểm sáp nhập, Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng khu vực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
II. TẠI QUỸ TÍN DỤNG KHU VỰC
1. Trình tự, thủ tục chuẩn bị sáp nhập Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng khu vực có nhiệm vụ:
1.1. Triệu tập Đại hội thành viên Quỹ tín dụng khu vực để quyết định việc sáp nhập với Quỹ tín dụng Trung ưng (có thể kết hợp nội dung này trong Đại hội thường niên năm 2001).
1.2. Thành lập Hội đồng sáp nhập.
Hội đồng sáp nhập gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị làm Chủ tịch, các thành viên gồm: Trưởng Ban kiểm soát, Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ tín dụng khu vực. Mời một đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham gia với trách nhiệm giám sát.
Hội đồng sáp nhập có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập; lập hồ sơ xin sáp nhập; thực hiện các nhiệm vụ về việc sáp nhập.
1.3. Xây dựng phương án xử lý về: Tài sản, vốn, Quỹ và các vấn đề có liên quan để Đại hội thành viên Quyết định.
1.4. Triệu tập Đại hội thành viên để quyết định phương án xử lý tài sản, vốn, quỹ và các vấn đề có liên quan khi sáp nhập.
1.5. Thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với Quỹ tín dụng khu vực về quyết định sáp nhập và giải quyết các vấn đề kinh tế có liên quan.
1.6. Gửi hồ sơ xin sáp nhập đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, gồm:
- Đơn đề nghị sáp nhập
- Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động; giấy đăng ký kinh doanh;
- Nghị quyết Đại hội thành viên về sáp nhập;
- Phương án xử lý tài sản, vốn, quỹ và giải quyết các vấn đề liên quan đến sáp nhập.
1.7. Gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Trung ương: Ngoài những văn bản trên gửi thêm:
- Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đồng ý cho phép Quỹ tín dụng khu vực sáp nhập vào Quỹ tín dụng Trung ương.
Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị đề nghị Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động và cho phép sáp nhập với Quỹ tín dụng Trung ương; cam kết chịu trách nhiệm trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến chấm dứt hoạt động và bàn giao cho Quỹ tín dụng Trung ương.
2. Xử lý tài sản, vốn, quỹ của Quỹ tín dụng khu vực trước khi sáp nhập vào Quỹ tín dụng Trung ương
2.1. Chuyển trả lại phần vốn góp của Quỹ tín dụng Trung ương;
2.2. Xử lý theo Nghị quyết Đại hội thành viên về tài sản, vốn, quỹ và quyền lợi thành viên; đối với số vốn góp của Quỹ tín dụng cơ sở lớn hơn mức quy định tại Công văn số 285/CV-NH17 ngày 21/5/1996 và số vốn góp của các thành viên không phải là Quỹ tín dụng cơ sở được chuyển sang tài khoản "các khoản phải trả" để trả lại cho thành viên.
2.4. Khóa sổ kế toán, chốt số liệu đến ngày sáp nhập.
2.5. Kiểm kê toàn bộ vàng, bạc, tiền mặt, ngân phiếu thanh toán đối chiếu khớp đúng với sổ kế toán.
2.6. Sao kê số dư trên từng khế ước vay vốn (hợp đồng tín dụng), đối chiếu giữa sổ sách với thực tế.
2.7. Sao kê số dư trên từng sổ chi tiết (mẫu số 8b, 8c) đối chiếu giữa sổ sách với thực tế.
2.8. Đối với tài sản cố định và tài sản khác: Tiến hành kiểm kê đánh giá thực trạng và phân loại toàn bộ tài sản cố định, công cụ lao động, vật liệu, ấn chỉ thông thường, ấn chỉ quan trọng đang bảo quản, tài sản giữ hộ, tài sản thuê ngoài, tài sản đi mượn... đối chiếu khớp đúng với sổ sách kế toán.
2.9. Đối với các khoản phải thu, phải trả: Sao kê chi tiết tùng món, đối chiếu khớp đúng với sổ kế toán.
2.10. Sao kê chi tiết danh sách các thành viên góp vốn, số vốn góp, đối chiếu khớp đúng với sổ kế toán.
3. Trách nhiệm
3.1. Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc và Kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, bảo đảm an toàn tuyệt đối về tài sản trước và trong thời gian tiến hành sáp nhập;
3.2. Cung cấp đầy đủ, trung thực về toàn bộ tình hình tổ chức và hoạt động, tình hình tài chính từ thời điểm Quỹ tín dụng khu vực được phép hoạt động đến thời điểm sáp nhập theo yêu cầu của Quỹ tín dụng Trung ương;
3.3. Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng khu vực có trách nhiệm tiếp tục cùng với Quỹ tín dụng Trung ương xử lý các tồn đọng (nếu có) .
III. TẠI QUỸ TÍN DỤNG TRUNG ƯƠNG
1. Trình tự, thủ tục chuẩn bị tiếp nhận.
1.1. Gửi hồ sơ đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố:
- Đơn đề nghị được mở chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương tại địa phương;
- Phương án hoạt động của chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương;
1.2. Gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Trung ương gồm:
- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng Trung ương đề nghị thành lập chi nhánh;
- Phương án hoạt động của chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương;
- Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi mở chi nhánh;
1.3. Chuyển trả lại phần vốn góp của Quỹ tín dụng khu vực
2. Trách nhiệm.
2.1. Thành lập Hội đồng sáp nhập.
Hội đồng sáp nhập gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm: Trưởng Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ tín dụng Trung ương.
Hội đồng sáp nhập có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập; lập hồ sơ xin sáp nhập; thực hiện các nhiêm vụ về việc sáp nhập.
2.2. Khi có quyết định sáp nhập, Hội đồng sáp nhập chủ động phối hợp cùng Quỹ tín dụng khu vực được sáp nhập tiến hành các công việc bàn giao hoạt động của Quỹ tín dụng khu vực sang Quỹ tín dụng Trung ương; thực hiện các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hoạt động đối với Quỹ tín dụng khu vực được sáp nhập.
2.3. Hội đồng sáp nhập tiếp nhận và xử lý tiếp các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Quỹ tín dụng khu vực; triển khai và thực hiện đúng phương án sáp nhập đã được thống nhất.
IV. THỰC HIỆN SÁP NHẬP
1. Về số liệu:
Toàn bộ số dư trên bảng cân đối tài khoản (cả nội và ngoại bảng) đến thời điểm sáp nhập được chuyển giao chi tiết, nguyên trạng sang Quỹ tín dụng Trung ương.
2. Về phương tiện làm việc:
Chuyển giao toàn bộ phương tiện làm việc của Quỹ tín dụng khu vực sang Quỹ tín dụng Trung ương; đối với tài sản Quỹ tín dụng khu vực đi thuê, đi mượn trước mắt Quỹ tín dụng Trung ương tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do Quỹ tín dụng khu vực đã ký kết.
3. Hạch toán kế toán:
Để tránh xảy ra nhầm lẫn, trước khi hạch toán chuyển giao Quỹ tín dụng khu vực lập Bảng kê các tài khoản chi tiết có số dư Nợ và Bảng kê các tài khoản chi tiết có số dư Có để làm căn cứ lập phiếu hạch toán cụ thể.
3.1. Tại Quỹ tín dụng khu vực:
a/ Đối với các tài khoản có số dư Nợ, hạch toán:
Ghi Nợ TK 5199 "thanh toán khác"
Ghi Có tài khoản chi tiết thích hợp
b/ Đối với các tài khoản có số dư Có, hạch toán:
Ghi Nợ tài khoản chi tiết thích hợp
Ghi Có TK 5199 "Thanh toán khác".
3.2 Tại chi nhánh Quỹ Tín dụng Trung ương:
a/ Đối với các tài khoản có số dư Nợ, hạch toán:
Ghi Nợ tài khoản chi tiết thích hợp
Ghi Có TK 5199 "Thanh toán khác"
b/ Đối với các tài khoản có số dư Có, hạch toán:
Ghi Nợ TK 5199 "Thanh toán khác"
Ghi Có tài khoản chi tiết thích hợp
3.3. Sau khi đã hạch toán chuyển giao và nhận chuyển giao, tại chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương và tại Hội sở chính Quỹ tín dụng Trung ương đồng thời hạch toán điều chỉnh đối với số dư trên tài khoản tiền gửi của Quỹ tín dụng khu vực tại Quỹ tín dụng Trung ương và số dư trên tài khoản tiền vay Quỹ tín dụng Trung ương của Quỹ tín dụng khu vục.
a/ Tại chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương:
- Đối với số dư trên tài khoản tiền gửi tại Quỹ tín dụng Trung ương:
Ghi Nợ TK 5191 "Điều chuyển vốn"
Ghi Có tài khoản tiền gửi tại Quỹ tín dụng Trung ương
- Đối với số dư trên tài khoản tiền vay Quỹ tín dụng Trung ương của Quỹ tín dụng khu vục:
Ghi Nợ tài khoản tiền vay tại Quỹ tín dụng Trung ương
Ghi Có TK 5191 "Điều chuyển vốn"
b/ Tại Hội sở chính Quỹ tín dụng Trung ương:
- Đối với số dư trên tài khoản tiền gửi của Quỹ tín dụng khu vực tại Quỹ tín dụng Trung ương:
Ghi Nợ tài khoản tiền gửi tại Quỹ tín dụng Trung ương
Ghi Có TK 5191 "Điều chuyển vốn"
- Đối với số dư trên tài khoản tiền vay Quỹ tín dụng Trung ương của Quỹ tín dụng khu vực:
Ghi Nợ TK 5191 "Điều chuyển vốn"
Ghi Có tài khoản tiền vay Quỹ tín dụng Trung ương
3.4. Sau khi hoàn thành chuyển giao, chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương thực hiện chuyển số dư trên các tài khoản vốn, các quỹ về Hội sở chính:
Ghi Nợ TK 601 (602, 609, 611 , 612, 613)
Ghi Có 5191 "Điều chuyển vốn"
4. Lưu hồ sơ sáp nhập
4.1. Hồ sơ sáp nhập bao gồm:
- Đơn đề nghị sáp nhập;
- Nghị quyết Đại hội thành viên Quỹ tín dụng khu vực về sáp nhập;
- Phương án xử lý tài sản, vốn, quỹ và giải quyết các vấn đề liên quan đến sáp nhập của Quỹ tín dụng khu vực;
- Phương án sáp nhập đã được thống nhất với Quỹ tín dụng Trung ương;
- Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đồng ý cho phép Quỹ tín dụng khu vực sáp nhập vào Quỹ tín dụng Trung ương;
- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng khu vực đề nghị Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động và được sáp nhập với Quỹ tín dụng Trung ương; cam kết chịu trách nhiệm trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến chấm dứt hoạt động và bàn giao cho Quỹ tín dụng Trung ương.
- Bảng cân đối tài khoản kế toán đến thời điểm sáp nhập;
- Biên bản kiểm kê tiền mặt, ngân phiếu thanh toán;
- Sao kê chi tiết số dư các tài khoản cho vay;
- Biên bản kiểm kê tài sản cố định, công cụ lao động;
- Sao kê chi tiết số dư các tài khoản phải thu, các khoản phải trả;
- Biên bản kiểm kê vật liệu dự trữ;
- Biên bản kiểm kê ấn chỉ quan trọng;
- Danh sách thành viên góp vốn và số vốn góp;
- Biên bản kiểm kê tài sản giữ hộ, tài sản thuê ngoài (nếu có) kèm các hợp đồng.
4.2. Hồ sơ sáp nhập được lập thành 03 bộ và lưu giữ như sau:
- 01 bộ lưu tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có Quỹ tín dụng khu vực sáp nhập;
- 01 bộ lưu tại chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương;
- 01 bộ lưu tại Hội sở chính Quỹ tín dụng Trung ương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố có Quỹ tín dụng khu vực sáp nhập:
1.1. Chỉ đạo, kiểm tra, chứng kiến quá trình chuyển giao.
1.2. Tạo điều kiện cho chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương tiếp tục thuê, mượn những tài sản Quỹ tín dụng khu vực đang sử dụng.
2. Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác
2.1. Tiếp nhận hồ sơ xin sáp nhập của Quỹ tín dụng khu vực, hồ sơ thành lập chi nhánh của quỹ tín dụng Trung ương nghiên cứu trình Thống đốc ra quyết định;
- Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của Quỹ tín dụng khu vực;
- Cho phép thành lập chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương.
2.2. Tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng nhà nước xử lý những vướng mắc trong quá trình sáp nhập.
3. Quỹ tín dụng khu vực được sáp nhập và Quỹ tín dụng Trung ương.
3.1. Chủ động thực hiện phương án sáp nhập đã thống nhất bảo đảm đúng tiến độ, không sát sót, nhầm lẫn.
3.2. Báo cáo kịp thời những vướng mắc, phát sinh (nếu có) xảy ra trong quá trình sáp nhập, không trông chờ, ỷ lại làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có Quỹ tín dụng khu vực, Quỹ tín dụng Trung ương và các Quỹ tín dụng khu vực nghiêm chỉnh thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để xử lý.
| Trần Minh Tuấn (Đã ký) |