Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1510/CV-TCCB

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 1510/CV-TCCB NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/1998/NĐ-CP

Ngày 17/8/1998, đã ban hành Nghị định số 64/1998/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng, Ngân hàng Nhà nước Trung ương sao gửi Nghị định trên để các đơn vị trong toàn ngành nghiên cứu và thực hiện. Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm:

1. Những người có chức vụ quyền hạn quy định tại Điều 2 Pháp lệnh chống tham nhũng và Nghị định số 64/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ ở ngành Ngân hàng bao gồm:

- Cán bộ công chức làm việc trong các Vụ, Cục, đơn vị ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Học viện Ngân hàng.

- Các chức danh thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát, Trưởng, Phó các phòng ban nghiệp vụ của Ngân hàng thương mại quốc doanh, Tổng Công ty vàng bạc đá quý; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng các chi nhánh, công ty trực thuộc Hội sở chính.

- Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng, Phó phòng ban nghiệp vụ nhà máy, công ty trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

- Những người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệmvụ, công vụ có thể sử dụng vị trí đó để thu lợi bất chính hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật.

2. Các thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc đơn vị thành viên và người có thẩm quyền thẩm định, xét duyệt cho vay của Ngân hàng thương mại quốc doanh không được vay tiền, bảo lãnh cho người khác được vay tiền hoặc dùng ảnh hưởng của mình để tác động cho người khác vay tiền thuộc hệ thống Ngân hàng mình công tác.

Việc xem xét các khoản vay phải thực hiện đúng thể lệ chế độ quy định, không được xem xét giải quyết trên cơ sở tác động của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là các quan hệ cá nhân.

3. Đối tượng phải kê khai tài sản của ngành Ngân hàng hiện tại bao gồm:

- Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng trở lên và tương đương của Vụ, Cục Ban, Sở thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

- Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Ngân hàng thương mại quốc doanh, Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

- Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc, Phó Giám đốc đơn vị thành viên của Ngân hàng thương mại quốc doanh, Tổng Công ty vàng bạc đá quý.

- Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Nhà máy, Công ty trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

- Giám đốc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng; Giám đốc, Phó giám đốc Phân viện TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Tây, Phú Yên.

- Cán bộ chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn và đoàn thể quần chúng khác có cấp bậc tương đương Vụ phó trở lên.

4. Trình tự, thủ tục kê khai và việc quản lý kê khai.

- Các đối tượng phải kê khai ở mục 3 công văn này kê khai các tài sản theo Điều 13 của Nghị định 64/1998/NĐ-CP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai của mình. Hàng năm nếu có sự thay đổi về tài sản phải kê khai thì phải kê khai bổ sung và giao cho cơ quan quản lý trước ngày 30/1 hàng năm.

- Để việc kê khai được thực hiện đúng như quy định, trước khi kê khai cán bộ thuộc diện phải kê khai cần nghiên cứu kỹ các mẫu biểu quy định; trong bản khai phải viết rõ ràng, sạch sẽ và phải kiểm tra kỹ khi giao cho cán bộ quản lý.

- Nơi gửi và lưu giữ bản kê khai: Bản kê khai tài sản của cán bộ được lưu giữ cùng với hồ sơ cán bộ, do đó hồ sơ cán bộ do cấp nào, tổ chức nào quản lý thì Thủ trưởng nơi đó phải chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận bản kê khai của cán bộ. Bản kê khai được người khai giao cho người nhận trong phong bì dán kín, có dấu niêm phong, cán bộ nhận phải vào sổ theo dõi và ký nhận theo đúng quy định hiện hành về bảo quản tài liệu mật.

- Việc quản lý, bảo quản, sử dụng... phải thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 64/1998/NĐ-CP. Không được khai thác, sử dụng khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.

5. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng phải quán triệt và có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo các nội dung quy định tại Điều 33 Nghị định 64/1998/NĐ-CP trong đơn vị mình.

Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc gì yêu cầu kịp thời phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Thanh tra Ngân hàng và Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo).

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)