Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 282/CV-NH3

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 282/CV-NH3 NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 1996 VỀ VIỆC KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHỈ THỊ CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Kính gửi:

- Giám đốc NHNN tỉnh, thành phố,
- Tổng Giám đốc (Giám đốc) các NHTM và TCTD.

 

Ngày 17 tháng 5 năm 1996, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 04/CT-NH3 tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, kiểm toán trong ngành Ngân hàng. NHNN TW hướng dẫn cụ thể về kế hoạch triển khai để thực hiện chỉ thị nói trên như sau:

1. Từ nay đến hết năm 1996, trong toàn hệ thống ngân hàng bao gồm: NHTMQD, NHTMCP, Tổng công ty VBĐQ, QTDND và chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố sẽ tiến hành một đợt thanh tra, tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ để đánh giá đúng thực trạng chất lượng hoạt động tín dụng (như đề cương đã gửi cuối năm 1995).

1.1. Tổng Giám đốc NHTMQD, Tổng Giám đốc (Giám đốc) NHTMCP, Tổng Giám đốc Tổng Công ty VBĐQ, Giám đốc QTDND, Giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố rà soát lại những vụ việc đã xẩy ra từ 1994 đến nay tại địa phương mình; ở ngân hàng và đơn vị mình mà Thanh tra NHNN và đơn vị tự kiểm tra phát hiện hoặc báo chí đã đưa tin... để có kế hoạch, biện pháp kiểm tra, xem xét, kết luận làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng việc, tuỳ theo mức độ mà áp dụng hình thức xử lý hành chính, kinh tế hoặc chuyển sang cơ quan điều tra theo luật định trong thời gian ngắn nhất.

1.2. Những vụ việc xảy ra ở Ngân hàng, địa phương, đơn vị nào thì Tổng Giám đốc (Giám đốc) TCTD đó dưới sự chỉ đạo của Giám đốc NHNN trên địa bàn để giải quyết, trong đó Tổng Giám đốc (Giám đốc) đơn vị là người chịu trách nhiệm chính.

Những vụ việc liên quan đến nhiều TCTD:

- Trên cùng một tỉnh, thành phố: do Giám đốc NHNN tỉnh, thành phố chủ trì cuộc họp với các Giám đốc TCTD có liên quan bàn biện pháp giải quyết.

- Liên quan đến nhiều địa phương: do Giám đốc NHNN địa phương có doanh nghiệp vay vốn đóng trụ trở chính triệu tập, chủ trì cuộc họp với các TCTD có liên quan bàn biện pháp giải quyết.

- Liên quan đến các Hội sở của NHTMQD tại Hà Nội: Do Chánh thanh tra NHNN chủ trì cuộc họp với các Tổng Giám đốc, Tổng kiểm soát NHTMQD bàn biện pháp giải quyết.

Việc rà soát, xem xét, giải quyết và xử lý những vụ việc nổi cộm phải do Tổng Giám đốc (Giám đốc) các NHTM và TCTD trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện trong thời gian từ nay đến ngày 31-7-1996 có báo cáo kết quả đợt 1, và đến ngày 30-9-1996 báo cáo kết quả đợt 2 lên Thông đốc NHNN. Báo cáo phải nêu rõ diễn biến vụ việc, nguyên nhân và thực trạng tình hình, xem xét từ khâu chấp hành chế độ, thủ tục cho vay, quy trình xét duyệt, tài sản thế chấp cho đến khâu kiểm tra sử dụng vốn vay xem có những sai phạm gì? ai sai? mức độ sai phạm? Tính toán khả năng và thời gian thu hồi nợ, quy trách nhiệm rõ ràng và biện pháp xử lý đối với từng cá nhân, đơn vị; đồng thời nêu kiến nghị để bổ sung, sửa đổi cơ chế, quy chế nghiệp vụ.

Những vụ việc liên quan đến TCTD từ trước tới nay do Thanh tra NHNN, do TCTD tự kiểm tra hay do các cơ quan pháp luật phát hiện; đã được hay chưa được báo đài đưa tin, chưa được giải quyết dứt điểm theo nội dung tinh thần điểm 1, 2 này, thì Tổng Giám đốc (Giám đốc) các TCTD phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong kỳ này và báo cáo lên Thống đốc NHNN.

1.3. Để tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện tốt chỉ thị này, Tổng Giám đốc và các NHTMQD, NHTMCP, QTDND, Tổng Công ty VBĐQ phải có kế hoạch cụ thể hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc triển khai tự kiểm tra và tăng cường kiểm soát nội bộ, soát xét lại những vấn đề tồn tại đã được thanh tra NHNN kiến nghị qua các đợt kiểm tra trước đây (từ năm 1994 đến nay) để chấn chỉnh, sửa chữa và khắc phục ngay; những vấn đề đã được thanh tra NHNN nhắc nhở, khuyến nghị vẫn tái phạm phải được xử phạt nặng hơn và ngăn chặn không cho tái diễn.

2. Về phối hợp thanh tra theo Chỉ thị 574 của Tổng thanh tra Nhà nước:

2.1. Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra trên diện rộng đối với các NHTMQD, NHTMCP mà Thanh tra Ngân hàng đang tiến hành trong phạm vi toàn quốc, từ nay đến cuối tháng 9 năm 1996, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố cần phối hợp với Thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố triển khai đợt thanh tra theo Chỉ thị số 574-TTNN ngày 18-4-1996 của Tổng Thanh tra Nhà nước. Để thực hiện tốt Chỉ thị này, sau khi trao đổi thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước, NHNN Trung ương hướng dẫn cụ thể như sau:

2.1.1. Đối với những TCTD đã thanh tra (đã có kết luận của đoàn thanh tra): Báo cáo những kết quả chính trong đợt thanh tra năm 1996 do Chánh TTNN tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, Thanh tra Nhà nước thấy cần thiết thì tiến hành phúc tra theo yêu cầu của Tổng TTNN.

2.1.2. Đối với những NHTM mà Thanh tra NH đang thanh tra, nếu Thanh tra Nhà nước xét thấy cần thiết thì Giám đốc NHNN bàn với Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố cử người phối hợp cùng thực hiện theo nội dung và kế hoạch của Tổng TTNN.

2.1.3. Những NHTM và TCTD mà Thanh tra Ngân hàng chưa thanh tra, nếu Thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra, thì NHNN có sự phối kết hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Thanh tra Nhà nước thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

2.2 Đối tượng được Thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra đợt này là các Ngân hàng và TCTD do Chánh thanh tra Nhà nước và Giám đốc chi nhánh NHNN trên địa bàn thống nhất lựa chọn. Riêng những Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển đã được Thanh tra Nhà nước thanh tra năm 1995, nay nếu thấy cần phúc tra thì phối hợp cùng thực hiện. Thời kỳ thanh tra là 1994 và 1995, trọng tâm là năm 1995.

2.3. Tại các TCTD, trong cùng một thời gian chỉ nên có một đoàn thanh tra (Thanh tra Nhà nước, hoặc thanh tra NHNN) thực thi nhiệm vụ, nhằm tránh sự chồng chéo và bảo đảm hoạt động bình thường cho các TCTD.

Nếu là đoàn thanh tra phối hợp giữa Thanh tra Nhà nước và Thanh tra Ngân hàng, việc cử Trưởng đoàn do Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố xem xét và quyết định.

Đề cương thanh tra của các Đoàn thanh tra phối hợp giữa Thanh tra NH và Thanh tra NN thực hiện theo tài liệu hướng dẫn thanh tra hoạt động tín dụng và thu chi tài chính của Tổng Thanh tra Nhà nước.

2.4. Thanh tra Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thanh tra Nhà nước trên địa bàn, kể cả về người, tài liệu, văn bản, chế độ hoặc trao đổi nghiệp vụ trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại các đơn vị được thanh tra. Số liệu báo cáo và hồ sơ các cuộc thanh tra này được lưu giữ và bảo quản theo chế độ quản lý và bảo quản tài liệu "Mật" - Không đưa tin trên báo đài TW, ngành và địa phương.

2.5. Phối hợp với Thanh tra Nhà nước địa phương lên chương trình, thời gian, nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng kiểm tra, cùng với việc hoàn thành chương trình thanh tra của ngành. Họp với các TCTD được chỉ định thanh tra đợt này để phổ biến chủ trương, biện pháp thực hiện và quán triệt trách nhiệm để triển khai tốt Chỉ thị của Thống đốc NHNN.

3. Để thực hiện tốt Chỉ thị của Thống đốc NHNN, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các NHTM, các TCTD, Tổng công ty VBĐQ, Giám đốc NHNN các tỉnh, thành phố cần huy động và tập trung cán bộ, lập chương trình, kế hoạch và biện pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng nhằm giải quyết mọi việc được dứt điểm và thấu đáo. Mỗi hệ thống NHTM tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc nổi cộm nhất ở những địa bàn trọng điểm. Khi triển khai phải có đề cương chi tiết và phân công cụ thể, ai chỉ đạo? bao giờ phải làm xong?

4. Tại Trung ương, Thanh tra NHNN chủ trì cuộc họp với các NHTMQD và Tổng công ty VBĐQ. Tại địa phương, Giám đốc NHNN chủ trì cuộc họp với các Giám đốc NHTM, TCTD, Công ty VNĐQ trên địa bàn để phổ biến và quán triệt chỉ thị của Thống đốc NHNN và bàn cụ thể kế hoạch triển khai. Tại cuộc họp này có mời đại diện của các ngành Thanh tra Nhà nước, Nội vụ, Viện kiểm sát và Tư pháp tới dự.

5. Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát và kiểm toán là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Ngân hàng năm 1996. Thủ trưởng các Ngân hàng, TCTD phải lập chương trình thanh tra, tự kiểm tra và kiểm soát nội bộ và trực tiếp chỉ đạo để triển khai chỉ thị này một cách nghiêm túc, dứt điểm và có trách nhiệm cao.

6. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ cần coi trọng phương pháp công tác, phối kết hợp tốt với Thanh tra Nhà nước và các cơ quan hữu quan, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương nhằm phản ánh và giải quyết vấn đề xảy ra đúng đắn, có tình có lý, không gây ồn ào xáo trộn và làm phức tạp thêm vấn đề.

7. Căn cứ chỉ thị của Thống đốc, Thanh tra NHNN có chương trình kế hoạch cụ thể để triển khai đối với khối các Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng liên doanh tại Việt Nam.

Trên đây là kế hoạch triển khai thi hành Chỉ thị của Thống đốc NHNN, quá trình thực hiện có những khó khăn vướng mắc kịp thời phản ảnh về NHNN TW (Văn phòng Thống đốc và Thanh tra NHNN) để giải quyết.

 

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)