Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2952/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2952/TCHQ-GSQL NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1998 VỀ VIỆC QUẢN LÝ HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT

Kính gửi: Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Việt Nam.

Trong quá trình chỉ đạo, theo dõi thực hiện Nghị định số 36/CP ngày 24-4-1997 của Chính phủ. Tổng cục Hải quan thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ tạo Điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và các xí nghiệp chế xuất không nằm trong Khu chế xuất, đó là:

Hiện nay có một số doanh nghiệp không nằm trong Khu chế xuất nhưng được hưởng quy chế xí nghiệp chế xuất mới bước đầu hoạt động xuất nhập khẩu còn rất ít, nếu phải bố trí 1 lực lượng Hải quan có mặt thường xuyên thì trở thành nặng nề và lãng phí, vì vậy, trong các trường hợp đó, Tổng cục Hải quan đề nghị sẽ không bố trí hải quan có mặt thường xuyên tại đó, mà chỉ làm việc khi có hàng hoá xuất nhập khẩu. Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam có ý kiến để các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng khác phối hợp (như Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã làm).

Tại những xí nghiệp chế xuất này, Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng các quy định đối với Khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất.

1. Vấn đề doanh nghiệp chế xuất mua ở thị trường nội địa một số hàng hoá thông thường phục vụ Điều hành, sinh hoạt và một số nguyên liệu, phụ tùng có giá trị lô hàng nhỏ (Khoảng 1.000USD) để phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp đó tại Việt Nam.

Theo quy định chung thì hàng hoá doanh nghiệp chế xuất mua tại thị trường nội địa được coi là hàng Việt Nam xuất khẩu, phải chịu Điều chỉnh của chính sách quản lý xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với hàng xuất khẩu và thủ tục hải quan. Mặt khác việc quản lý của các Ban quản lý chưa thống nhất, có Ban quản lý thì cấp giấy phép, có nơi thì không cấp nên khó khăn cho việc quản lý thống nhất trong cả nước của hải quan.

Về vấn đề này Tổng cục Hải quan đề nghị: Đối với những loại hàng hoá thông thường, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất và khu ngoài chế xuất không phải Điều chỉnh bởi chính sách mặt hàng, chính sách thuế áp dụng cho hàng xuất khẩu.

Về giấy phép, cần có sự thống nhất giữa các Khu công nghiệp, Khu chế xuất hoặc là không cấp giấy phép cho các loại hàng hoá trên hoặc là cấp 1 văn bản nguyên tắc cho phép doanh nghiệp được mua các hàng hoá này ở thị trường nội địa; Trên cơ sở đó, hải quan mở sổ theo dõi, tổng hợp. Hải quan cũng không phải mở tờ khai cho loại hàng hoá này.

2. Theo tinh thần ở Điều 1 trên thì đối với các loại gỗ tạp, gỗ thông thường để làm kệ kê hàng, bao bì và sản phẩm gỗ trang bị nội thất thì hải quan căn cứ văn bản cho phép của Ban quản lý để làm thủ tục cho vào khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài Khu chế xuất theo quy định, phía người bán không phải xuất trình giấy chứng nhận nguồn gốc của loại gỗ này.

3. Vấn đề xử lý phế phẩm, phế liệu, phế thải: Đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc hiện nay chưa có quy định thống nhất. Đối với phế liệu, phế phẩm còn giá trị thương mại, giá trị sử dụng hiện có quy định chỉ được bán cho doanh nghiệp nội địa có tư cách nhập khẩu có ngành kinh doanh phù hợp thì khó cho doanh nghiệp chế xuất.

Đề nghị xem xét khả năng cho phép bán cho mọi thành phần kinh tế có nhu cầu mua, miễn là được Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất cho phép. Đối với phế thải cũng cần có quy định về vấn đề xử lý để có được phối hợp quản lý thống nhất ở địa phương và trong toàn quốc.

Tổng cục Hải quan đề nghị Ban quản lý các Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp với các ngành liên quan khác để tìm biện pháp xử lý thích hợp, giải quyết, xử lý những vấn đề Tổng cục Hải quan trao đổi nêu trên nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp.

 

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)