BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48-TC/CTN | Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 1990 |
CÔNG VĂN
CỦA CỤC THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP BỘ TÀI CHÍNH SỐ 48-TC/CTN NGÀY 31 THÁNG 01 NĂM 1990 VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỐNG TỰ THU NỘP PHÍ GIAO THÔNG
Kính gửi: Chi Cục thuế công thương nghiệp các tỉnh,thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương,
Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải có Thông tư số 58-TT-Liên Bộ Giao thông vận tải - tài chính ngày 14 tháng 12 năm 1989 về việc "bổ sung sửa đổi một số điểm về thực hiện thu phí giao thông đường bộ đường sông".
Tại điểm 2 Thông tư số 58 đã nêu "Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1990. Liên Bộ tài chính - Giao thông vận tải thống nhất giao cho các Sở Giao thông vận tải tổ chức thu phí giao thông đường bộ, đường sông theo các quy định dưới đây:
- Các Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ thu phí giao thông vẫn phải sử dụng biên lai ấn chỉ do cơ quan thuế công thương nghiệp phát hành và chịu sự quản lý của cơ quan thuế ở địa phương về các mặt cấp phát, thanh toán hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng biên lai ấn chỉ theo đúng chế độ hiện hành".
Để thực hiện tốt nội dung Thông tư Liên Bộ nói trên và đảm bảo quản lý việc sử dụng biên lai ấn chỉ thuế công thương nghiệp đúng chế độ. Cục thuế hướng dẫn và quy định một số điểm như sau:
I- ĐỐI VỚI CHI CỤC THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP
+ Chủ động bàn bạc với Sở Giao thông vận tải để thực hiện tốt những nội dung quy định tại điểm 2 Thông tư liên Bộ.
+ Có trách nhiệm cấp phát đầy đủ kịp thời cho Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ thu phí giao thông các loại biên lai ấn chỉ:
a) Các chứng từ thu nộp:
- Biên lai thu phí giao thông
- Giấy nộp tiền cho ngân sách (bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản)
b) Các loại ấn chỉ khác:
- Giấy chứng nhận nộp phí giao thông
- Các mẫu về sổ sách, báo cáo kế toán biên lai ấn chỉ gồm:
+ Sổ lĩnh và thanh toán ấn chỉ (S8/CTN)
+ Sổ tình hình ấn chỉ (S9/CTN)
+ Sổ lĩnh, thanh toán ấn chỉ bán lấy tiền (S8B/CTN)
+ Báo cáo ấn chỉ hàng tháng (B6)
+ Thống kê ấn chỉ hàng năm (mẫu sổ I)
+ Kiểm kê biên lai ấn chỉ 6 tháng một và các chứng từ khác có liên quan đến công tác quản lý, kế toán thống kê báo cáo thu phí giao thông.
+ Yêu cầu Sở Giao thông vận tải tổ chức tập huấn nghiệp vụ kế toán theo đúng chế độ quản lý biên lai ấn chỉ thuế công thương nghiệp và các Thông tư, văn bản có liên quan đến việc quản lý sử dụng các loại biên lai ấn chỉ thuế công thương nghiệp như Thông tư số 31 TC/CTN ngày 16 tháng 5 năm 1987 của Bộ Tài chính công văn số 490 TC/CTN ngày 30 tháng 12 năm 1987 của Cục thuế công thương nghiệp về việc chứng từ thu nộp phí giao thông đường bộ, đường sông.
+ Hàng quý, năm căn cứ nhu cầu của Sở Giao thông vận tải về biên lai, giấy nộp tiền, giấy chứng nhận nộp phí giao thông. Chi cục lập dự trù gửi Cục thuế (A + B) để có cơ sở cấp phát. Riêng giấy chứng nhận nộp phí giao thông Chi cục tổ chức đóng số thứ tự trước khi cấp phát cho Sở Giao thông vận tải theo kế hoạch dự trù và theo sổ quyết toán của kỳ trước.
+ Thực hiện việc cấp phát, thanh toán, kiểm kê báo cáo (tháng, quý, năm) các loại biên lai ấn chỉ với Sở Giao thông vận tải theo đúng chế độ đã quy định.
+ Tổ chức kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc quản lý, sử dụng chứng từ thu nộp phí giao thông đối với ngành Giao thông vận tải ở địa phương theo phần 1 mục 2 Thông tư liên Bộ quy định - kể cả việc kiểm tra chấp hành chính sách chế độ thu nộp phí giao thông.
+ Trong quá trình quản lý sử dụng các loại biên lai, giấy nộp tiền... nếu có tổn thất yêu cầu ngành Giao thông vận tải xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 31 TC/CTN ngày 16 tháng 5 năm 1987 của Bộ Tài chính "Về việc xử lý đối với trường hợp mất chứng từ thuế công thương nghiệp".
+ Chi cục quyết toán đầy đủ, chính xác báo cáo Cục số biên lai, giấy nộp tiền, giấy chứng nhận nộp phí giao thông mà ngành thuế dùng trước đây để thu phí giao thông (kể cả tiền lệ phí in ấn) đến hết năm 1989, số hiện vật còn lại thu hồi về kho Chi cục tách ra quản lý riêng chờ hướng dẫn sau.
Lưu ý:
- Trong khi chờ in và phát hành biên lai chuyên dùng cho thu phí giao thông tạm thời Chi cục cấp phát cho Sở Giao thông vận tải dùng loại biên lai thu tiền (phí giao thông) ký hiệu S5 - TP nhưng phải đóng nhóm chữ "Trưởng phòng giao thông vận tải" chồng lên chữ "Người nhận tiền" đã in ở góc dưới bên phải mỗi tờ biên lai (Chi cục tổ chức đóng nhóm chữ trên trước khi cấp phát).
II- ĐỐI VỚI SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
+ Mỗi tháng, quý, năm phải lập dự trù sát nhu cầu về các loại biên lai ấn chỉ gửi Chi cục thuế công thương nghiệp trực tiếp nhận và thanh quyết toán với Chi cục thuế về các loại biên lai ấn chỉ sử dụng thu phí giao thông ở địa phương mình.
+ Tổ chức tập huấn trong ngành Giao thông vận tải về việc quản lý, sử dụng biên lai ấn chỉ, do cơ quan thuế cấp phát như nguyên tắc cấp phát, mục đích sử dụng, chế độ báo cáo kiểm kê, nội dung ghi biên lai, giấy nộp tiền, ghi chép sổ sách kế toán và chế độ trách nhiệm theo chế độ kế toán chỉ thuế công thương nghiệp, Sở Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan thuế công thương nghiệp ở địa phương để phổ biến hướng dẫn.
+ Tổ chức quản lý, bảo quản tốt các loại biên lai ấn chỉ được cấp phát, nếu tổn thất mất mát phải thông báo ngay cho cơ quan thuế công thương nghiệp và cho ngành Giao thông vận tải để đồng thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 31-TC/CTN ngày 16-5-1987 của Bộ Tài chính "về việc xử lý đối với trường hợp mất chứng từ thuế công thương nghiệp.
+ Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế công thương nghiệp và tạo điều kiện cho công tác kiểm tra (định kỳ và đột xuất) của cơ quan thuế về quản lý, sử dụng chứng từ về chấp hành chính sách chế độ thu nộp phí giao thông đối với ngành Giao thông vận tải ở địa phương.
Trên đây là một số điểm Cục thuế công thương nghiệp hướng dẫn để thi hành, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì Chi cục kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính (Cục thuế công thương nghiệp) nghiên cứu giải quyết và bổ sung.
| Lê Quang Tỷ (Đã ký)
|