TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 328/NCPL | Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1993 |
SỐ 328/NCPL NGÀY 22-6-1993 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VIỆC RÚT QUYẾT ĐỊNH TRUY TỐ
Trong thời gian vừa qua, Toà án nhân dân tối cao đã nhận được nhiều công văn của các Toà án nhân dân và toà án quân sự các cấp yêu cầu hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về vấn đề kiểm sát viên rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà, cụ thể là trong trường hợp nào được coi là Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố và trong trường hợp nào được coi là kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố. Toà án nhân dân tối cao đã có công văn số 294/NCPL ngày 31-5-1993 gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trao đổi ý kiến về vấn đề nói trên. Căn cứ vào sự thống nhất ý kiến với ý kiến của Toà án nhân dân tối cao tại công văn số 869/VKH ngày 14-6-1993 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về vấn đề kiểm sát viên rút quyết định truy tố tại phiên toà như sau:
1. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự, thì quyết định truy tố của Viện Kiểm sát chính là bản cáo trạng mà kiểm sát viên đọc tại phiên toà; do đó, chỉ khi nào Kiểm sát viên rút toàn bộ bản cáo trạng mới được coi là rút toàn bộ quyết định truy tố. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại điểm 2 mục III Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao "Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự", thì: "... trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng (như người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự...) trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát có hay không có căn cứ. Khi nghị án, nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội, thì Hội đồng xét xử tuyên án bị cáo không phạm tội. Ngược lại nếu có căn cứ xác định là bị cáo có tội thì Hội đồng xét xử quyết định tạm đình chỉ việc xét xử vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên xem xét việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát cấp dưới. Toà án xoá sổ thụ lý và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát cấp trên (cấp trên trực tiếp của Viện Kiểm sát cùng cấp). Qua nghiên cứu hồ sơ và kiến nghị của Toà án nếu Viện Kiểm sát cấp trên thống nhất với việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát cấp dưới thì ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Toà án đã tạm đình chỉ vụ án đó biết. Nếu Viện Kiểm sát cấp trên nhất trí với kiến nghị của Toà án thì ra quyết định huỷ việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát cấp dưới và chuyển hồ sơ cho toà án đã tạm đình chỉ vụ án. Toà án thụ lý lại và xét xử trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý lại".
2. Nếu tại phiên toà, sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một tội hoặc một số tội và giữ nguyên quyết định truy tố đối với các tội khác hay Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một hoặc một số các bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc các bị cáo còn lại thì đây là các trường hợp Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố. Vì vậy trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại điểm 2 mục III của Thông tư liên ngành nói trên thì: "Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó. Căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận được ghi trong bản án".
Trong trường hợp nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút quyết định truy tố của Kiểm sát viên mà Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên cho rằng việc rút quyết định, truy tố của Kiểm sát viên là đúng, thì Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
|
|