Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 481-NCPL

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1992

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 481-NCPL NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1992 VỀ VIỆC TẠM GIAM VÀ THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ

 

Trong thời gian vừa qua một số Toà án đã có những thiếu sót trong việc áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn là tạm giam, hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù, miễn chấp hành hình phạt tù... Những thiếu sót này đã dẫn tới những trường hợp không thể mở đươc phiên toà vì bị cáo không đến phiên toà (thậm chí có trường hợp bị cáo được trả tự do trước khi xét xử đã trốn ra nước ngoài), không bắt được người bị phạt tù để buộc chấp hành hình phạt, người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trốn tránh việc tiếp tục chấp hành hình phạt (thậm chí có trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài sau khi được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù)... Những thiếu sót này đã gây thiệt hai, gây khó khăn cho công tác xét xử và thi hành án, gây dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Toà án. Để khắc phục những thiếu sót này, Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các Toà án các cấp lưu ý một số điểm sau:

1. Đối với bị can, bị cáo phạm tội thuộc các trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người phạm tội thuộc loại tham nhũng (tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, nhận hối lộ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lập quỹ trái phép, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc lạm quyền , lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công dân...), buôn lậu, buôn bán các chất ma tuý... nếu họ chưa bị tạm giam thì Toà án cần ra lệnh tạm giam họ để bảo đảm cho sự có mặt của họ tại phiên toà, cũng như để bảo đảm cho việc thi hành án khi họ bị phạt tù.

Theo khoản 2 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự thì không tạm giam bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà họ có nơi cư trú rõ ràng, trừ trường hợp đặc biệt. "Trường hợp đặc biệt" theo điều luật này cần hiểu là các trường hợp bị can, bị cáo là phần tử nguy hiểm, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

2. Đối với các bị can, bị cáo phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên một năm thì Toà án cần ra lệnh tạm giam họ nếu họ không có nơi cư trú rõ ràng hoặc cư trú thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Trong các trường hợp này Toà án cần sớm mở phiên toà để xét xử vụ án.

3. Đối với các bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì tuyệt đối không được trả tự do cho họ vì các lý do như trả tự do để họ đi định cư ở nước ngoài, để đưa tang người thân thích: tuyệt đối không được trả tự do cho bị can, bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng.

4. Tại Công văn số 311/NCPL ngày 25-12-1990 Toà án nhân dân tối cao đã lưu ý các Toà án các cấp một số điểm về hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. (Công văn này đã được đăng tải trong Tạp chí Toà án nhân dân số 12 năm 1990). Nay Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án các cấp thêm một số điểm như sau về hoãn thi hành án phạt tù:

a) Khi đã hết hạn hoãn chấp hành hình phạt tù theo các điểm 2, 3, 4 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự (từ ba tháng đến một năm đối với phụ nữ có thai hoặc mới sinh đẻ, một năm đối với ngưới bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình, sáu tháng đến một năm đối với quân nhân bị kết án). Toà án phải ra ngay quyết định thi hành án đói với người đã được hoãn chấp hành hình phạt tù và theo dõi, đôn đốc để việc bắt họ chấp hành hình phạt tù được thực hiện nghiêm chỉnh.

b) Đối với người được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do họ ốm nặng (điểm 1 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự) Toà án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú theo dõi bệnh trạng của họ để nếu thấy sức khoẻ của họ đã hồi phục thì ra ngay quyết định thi hành án phạt tù và theo dõi đôn đốc để việc bắt họ đi chấp hành hình phạt tù được thực hiện nghiêm chỉnh.

c) Kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng tăng hình phạt tù hoặc giảm một phần hình phạt tù được coi là kháng nghị đối với một phần quyết định về hình phạt: do đó trong trường hợp có kháng nghị giám đốc thẩm theo các hướng này, Toà án vẫn ra quyết định thi hành án phạt tù và theo dõi đôn đốc để việc bắt người bị kết án đi chấp hành hình phạt tù được thực hiện nghiêm chỉnh.

Trong trường hợp có kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng tuyên bố không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, cho hưởng án treo đối với người bị phạt tù thì Toà án đã xử sơ thẩm (hoặc Toà án đã được uỷ thác ra quyết định thi hành án) chưa ra quyết định thi hành án mà cần chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm.

d) Tuyệt đối không cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù ngoài các trường hợp đã được quy định tại các điểm 1, 2, 3, 4 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự.

5. Toà án đã ra quyết định thi hành án chỉ được ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù trong trường hợp Viện kiểm sát hoặc Ban giám định trại giam đề nghị cho người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ việc chấp hành hình phạt tù vì các lý do được quy định tại các điểm 1, 2, 3 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, khi các Toà án nhận được đơn của người bị kết án hoặc của thân nhân của họ hay cơ quan, tổ chức xin cho họ được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cần gửi ngay đơn đó cho Ban giám thị trại giam (nếu biết rõ nơi họ đang chấp hành hình phạt tù) hoặc gửi đơn đó cho Viện Kiểm sát cùng cấp (nếu không biết rõ nơi họ đang chấp hành hình phạt tù); đồng thời báo cho người hoặc cơ quan , tổ chức hữu quan biết và hướng dẫn cho họ biết rõ là chỉ có Ban giám thị trại giam hoặc Viện Kiểm sát mới có quyền đề nghị và Toà án chỉ xem xét khi các cơ quan này đã gửi cho Toà án văn bản đề nghị cho người bị kết án được tạm đỉnh chỉ chấp hành hình phạt tù.

6. Nếu Ban chấp hành giám thị trại giam hoặc Viện kiểm sát chỉ chuyển đơn cho Toà án mà không có văn bản chính thức đề nghị Toà án cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì Toà án không có quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. Trong trường hợp này Toà án trả lại đơn cho Ban giám thị trại giam hoặc Viện kiểm sát cùng cấp để các cơ quan này giải quyết theo thẩm quyền, nghĩa là để các cơ quan này chính thức đề nghị Toà án cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nếu thấy có đủ căn cứ hoặc không đề nghị cho họ được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nếu không có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.

7. Nếu Ban giám thị trại giam hoặc Viện kểm sát đề nghị cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì lý do họ bị ốm nặng, nhưng chưa có kết luận của giám định y khoa, thì Toà án không tự mình tổ chức giám định y khoa và tuỳ trường hợp cụ thể mà yêu cầu Ban giám thị trại giam hoặc Viện kiểm sát tổ chức giám định sức khoẻ của người bị kết án và chỉ khi có kết luận của giám định y khoa thì Toà án mới xem xét để quyết định việc có cho ngưòi bị kết án đượoc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hay không.

8. Nếu Toà án có ấn định thời hạn tạm đình chỉ thi hành án phạt tù thì khi hết thời hạn đó Toà án phải ra ngay quyết định thi hành án đối với người đã đựoc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và theo dõi, đôn đốc để việc bắt họ đi chấp hành hình phạt được thực hiện nghiêm chỉnh.

9. Đối với các trường hợp tạm đình chỉ thi hành án phạt tù vì lý do người bị kết án ốm nặng, các Toà án cần lưu ý một số điểm như sau:

a) Nếu Toà án có ấn định thời hạn tạm đình chỉ thi hành án phạt tù và khi hết thời hạn đó mà người bị kết án yêu cầu được tiếp tục tại ngoại để chữa bệnh vì chưa phục hồi sức khoẻ ,thì Toà án tổ chức giám định sức khoẻ của họ để kết luận về bệnh trạng của họ (kinh phí giám định do họ chịu). Nếu kết luận của giám định y khoa cho thấy sức khoẻ của họ đã phục hồi thì Toà án cần ra ngay quyết định thi hành án đối với họ và theo dõi, đôn đốc việc để bắt họ đi chấp hành hình phạt tù được thực hiện nghiêm chỉnh. Còn nếu kết luận của giám định y khoa cho thấy là sức khoẻ của họ chưa được phục hồi, thì Toà án ra quyết định kéo dài việc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù thêm một thời gian nữa hoặc cho đến khi sức khoẻ của họ phục hồi.

b) Nếu Toà án không ấn định thời hạn tạm đình chỉ thi hành án phạt tù thì Toà án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền xã, phường thị trấn nơi ngưòi bị kết án cư trú theo dõi bệnh trạng của họ để nếu thấy sức khoẻ của họ đã phục hồi thì ra ngay quyết định thi hành án đối với họ. Nếu Toà án thấy khó đánh giá sức khoẻ của họ đã phục hồi hay chưa phục hồi thì cần tổ chức giám định sức khoẻ của họ (kinh phí giám định do họ chịu) và kết luận của giám định y khoa là căn cứ để Toà án quyết định việc cho họ được tiếp tục tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hoặc buộc họ pháp tiếp tục chấp hành hình phạt tù.

10. Các Toà án các cấp cần rà soát lại các trường hợp hoãn thi hành án phạt tù và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù mà hiện nay ngưòi bị kết án chưa chấp hành hoặc chưa chấp hành xong hình phạt tù do được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để nếu thấy có trường hợp nào không đúng với quy định của pháp luật và các hướng dẫn đã có, cũng như các hướng dẫn trong công văn này, thì cần có biện pháp khắc phục để việc thi hành án đối với họ được thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt là đối với các trường hợp đã có quyết định cho hoan hoặc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù không đúng với quy định tại Điều 231, 232 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cần huỷ quyết định đó và ra lệnh bắt họ chấp hành hình phạt tù.

11. Cần nghiêm chỉnh tuân thủ quy định của các điều 49, 51 Bộ luật Hình sự về thời gian đã chấp hành hình phạt để được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù lần đầu là một phần ba thời hạn đối với các hình phạt tù 20 năm tù trở xuống , 10 năm tù đối với chung thân, về việc Toà án chỉ có thể xét giảm váo thời gian sớm hơn nếu ngưòi bị kết án có lý do đáng được khoan hồng như đã lập công ( cần hiểu là lập công trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù), đã quá già yếu, đang mắc bệnh hiểm nghèo.

12. Việc xét giảm thời chấp hành hình phạt phải theo đúng thủ tục đã được quy định tại Điều 238 Bộ luật Tố tụng Hình sự, tại Thông tư liên ngành số 04-89/TTLN ngày 15-8-1989 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Cần chấm dứt việc đại diện các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Tư pháp, Nội chính đến trại giam cùng nhau xét duyệt và quyết định việc giảm hoặc không giảm thời hạn chấp hành hình phạt cho những người đang chấp hành hình phạt tù.

13. Chỉ theo đề nghị của Viện kiểm sát, chứ không theo đề nghị của bất cứ cá nhân, tổ chức nào, Toà án mới xem xét đẻ miễn hoặc không miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho người chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo và nêú người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuyệt đối không được miễn chấp hành hình phạt tù cho ngưòi bị kết án không lập công lớn, ngưòi bị kết án không mắc bệnh hiểm nghèo. Tuyệt đối không được cho miễn chấp hành hình phạt tù chỉ vì lý do cơ quan hoặc tổ chức yêu cầu cho ngưòi bị kết án được miễn chấp hành hình phạt để họ tiếp tục công tác hoặc vì lý do để cho ngưòi bị kết án ra nước ngoài để định cư.

14. Đối với những ngưòi bị kết án đã đước tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì những lý do khác nhau đã được nêu tại các Điều 231, 232 Bộ luật Tố tụng hình sự mà không lập công lớn hoặc không mắc bệnh hiểm nghèo thì không được miễn cho họ chấp hành hình phạt tù còn lại vì các lý do như hoàn cảnh gia đình họ có khó khăn, họ bị bênh khôg phải mắc bệnh hiểm nghèo... Đối với họ tuỳ trường hợp cụ thể mà bắt phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù hoặc cho được tiếp tục tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Trong khi chưa có sửa đổi, bổ sung các quy định về thi hành án phạt tù và các tổ chức quản lý công tác thi hành án phạt tù, yêu cầu các Toà án các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các hướng dấn trước đây của liên ngành, của Toà án nhân dân tối cao và các hướng dẫn trong Công văn này.

 

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)