TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 169-TATC | Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1990 |
Thi hành Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 240 ngày 26-6-1990 về đấu tranh chống tham nhũng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.
Toà án các cấp cần phối hợp với các ngành trong khối Nội chính, từ kết quả thanh tra, kiểm tra và sự tố giác của quần chúng kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, trừng phạt nghiêm khắc theo đúng pháp luật của các hành vi phạm tội "cố ý làm trái..., tham ô, hối lộ, trộm cắp tài sản của Nhà nước..." kẻ phạm tội là cán bộ có chức có quyền mức độ thoái hoá biến chất càng nặng, hậu quả về vật chất do tội phạm gây ra càng lớn thì mức hình phạt càng phải nghiêm. Phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật khi áp dụng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, chỉ áp dụng đối với những trường hợp ít nghiêm trọng, hậu quả vật chất gây ra không lớn, phạm tội do bị rủ rê, lôi kéo, hành vi phạm tội cũng không gây ra sự căm phẫn, bất bình trong nhân dân.
Khi xét xử những vụ án thuộc loại này, nhất là những vụ có nhiều bị cáo là cán bộ có chức, có quyền, Toà án phải cử những thẩm phán có kinh nghiệm, có bản lĩnh và kiến thức pháp luật vững vàng, đảm bảo giữ vững nguyên tắc "Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật", đề phòng sự can thiệp không đúng hoặc tiêu cực chen vào làm cho việc xét xử bị sai lệch. Trong trường hợp có sự chỉ đạo hoặc tác động không đúng của cơ quan hoặc cán bộ lãnh đạo làm cho Toà án gặp khó khăn, khó đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội thì cần báo cáo để Toà án nhân dân tối cao xem xét, hướng dẫn. Khi xét xử cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh của địa phương và Trung ương (phóng viên thường trú tại địa phương) để đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc đưa tin xét xử, cần phân tích những sơ hở hoặc những việc làm sai trái của cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội đã là những nguyên nhân hoặc điều kiện gây ra tội phạm để giáo dục, phòng ngừa chung.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các cấp Toà án cần có sự rà soát, chấn chỉnh về tổ chức cán bộ, không để những người có vi phạm về phẩm chất, đạo đức, vi phạm pháp luật làm công tác xét xử. Phát hiện và xử lý kịp thời các cán bộ Toà án sa sút phẩm chất, ăn hối lộ, nhận quà cáp biếu xén của đương sự, hoặc vì vụ lợi, nể nang mà xét xử sai. Cán bộ có vi phạm cần xử lý nghiêm minh tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy tố trước pháp luật, không để chậm trễ, kéo dài.
Việc chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 8 của Trung ương nên hàng tháng các Toà án cần thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo tình hình và kết quả công tác xét xử của Toà án. Đối với những vụ nghiêm trọng đã được phát hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vụ việc thuộc địa phương nào Toà án địa phương cần báo cáo ngay cho Toà án nhân dân tối cao biết sự tham gia phối hợp của Toà án với các ngành nội chính địa phương. Khi thụ lý hồ sơ, cần báo sơ bộ nội dung vụ án hoặc gửi cho Toà án tối cao một bản cáo trạng để Toà án nhân dân tối cao theo dõi. Sau khi xét xử cần báo ngay kết quả phiên toà để Toà án tối cao có tài liệu báo cáo Ban Bí thư, Hội đồng Nhà nước và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng.
| Phạm Hưng (Đã ký)
|