TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/1999/KHXX | Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 1999 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 05/1999/KHXX NGÀY 19 THÁNG 1 NĂM 1999 VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN THEO ĐIỀU 136 VÀ ĐIỀU 159 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Kính gửi: Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp
Trong thời gian qua, một số Toà án nhân dân tối cao đề nghị hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 136 và Điều 159 Bộ luật Hình sự; sau khi trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
Khi xét xử các vụ án về tội chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tội chiếm giữ trái phép tài sản của công dân, thì việc xác định giá trị tài sản để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "tài sản có giá trị lớn" theo Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự hoặc xác định "tài sản có giá trị lớn" để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 8 Nghị quyết số 1/1998-NQ-HĐTP ngày 1-9-1998 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự"; cụ thể là:
a. Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 136 Bộ luật Hình sự).
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm giữ dưới 70 triệu đồng, thì áp dụng Khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự.
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm giữ từ 70 triệu đồng trở lên được coi là "tài sản có giá trị lớn" và trong trường hợp này phải áp dụng Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự.
b. Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản của công dân (Điều 159 Bộ luật Hình sự).
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm giữ dưới 70 triệu đồng, thì chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm giữ từ 70 triệu đồng trở lên được coi là "tài sản có giá trị lớn" và phải xét xử theo Điều 159 Bộ luật Hình sự.
| Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |