Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả: Hồ sơ, trình tự thủ tục mới nhất
Ngày gửi: 06/08/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả: Hồ sơ, trình tự thủ tục mới nhất. Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả giúp đảm bảo quyền của chủ sở hữu như thế nào?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Mỗi tác phẩm cho dù là tác phẩm văn học (ví dụ truyện ngắn, thơ, ca), công trình nghiên cứu khoa học, hay tác phẩm nghệ thuật (ví dụ bài hát, kịch bản)… đều là những đứa con tinh thần, là tâm huyết, là sản phẩm trí óc của mỗi tác giả, mang dấu ấn cá nhân riêng đặc biệt của từng tác giả. Không một ai, sau khi bỏ rất nhiều tâm huyết và công sức lại mong muốn bị người khác “ăn cắp”, sao chép, hay sử dụng trái phép tác phẩm của mình.
Chính bởi vậy, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả (hay còn gọi là đăng ký quyền tác giả) là một trong những giải pháp hữu hiệu mà những tác giả thường tìm đến khi muốn bảo vệ tác phẩm của mình. Vậy Đăng ký bảo hộ quyền tác giả là gì? Về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên gia sẽ đề cập đến việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả và trình tự, thủ tục để đăng ký bảo hộ quyền tác giả.
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, việc Đăng ký bảo hộ quyền tác giả và trình tự, thủ tục để đăng ký bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, Nghị định 22/2018/NĐ-CP.
Thứ nhất, về khái niệm Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả (Đăng ký quyền tác giả)?
Quyền tác giả, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 được hiểu là một trong những quyền sở hữu trí tuệ, thể hiện quyền của một tổ chức, cá nhân đối với những tác phẩm do họ sáng tạo ra hoặc có quyền sở hữu với nó. Trên cơ sở khái niệm này, theo quy định tại Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, đối tượng quyền tác giả sẽ bao gồm: tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật.
Mỗi một tác phẩm kể từ khi “ra đời” (kể từ thời điểm sáng tác”) và được thể hiện dưới một dạng hình thức nhất định thì đã đương nhiên phát sinh quyền tác giả đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm này. Mỗi một tác phẩm, không phân biệt nội dung,chất lượng hay được thể hiện dưới phương tiện, hình thức như thế nào, hay sử dụng ngôn ngữ nào, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký thì đều phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm này kể từ thời điểm tác phẩm được ra đời và tồn tại trong thế giới khách quan.
Vậy bảo hộ bản quyền tác giả là gì? Mặc dù trong quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp lý có liên quan không có quy định trực tiếp giải thích khái niệm “bảo hộ quyền tác giả “, mà chỉ quy định những thủ tục, điều kiện, hồ sơ để bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm “bảo hộ” được định nghĩa trong từ điển tiếng Việt online, kết hợp với những quy định chung trong Luật sở hữu trí tuệ có thể hiểu: Bảo hộ bản quyền tác giả (bảo hộ quyền tác giả) là tổng hợp tất cả các quy định, chế định pháp lý của pháp luật, thể hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đối với tác phẩm mà họ sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Trong đó, chủ thể được bảo hộ quyền tác giả được xác định theo quy định tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP được xác định là những tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hoặc họ là đồng tác giả, hoặc là chủ sở hữu của tác phẩm này. Tác phẩm được bảo hộ phải là tác phẩm được công bố đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam; hoặc được công bố tại Việt Nam gần như cùng với thời điểm công bố đầu tiên ở nước khác (Lưu ý, thời gian công bố tại Việt Nam được xác định là hợp lệ là trong khoảng thời gian 30 ngày tính từ ngày đầu tiên công bố tác phẩm này tại nước khác). Chủ thể được bảo hộ quyền tác giả cũng còn được xác định là những tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà nước Việt Nam là một trong những thành viên tham gia điều ước này.
Trên cơ sở này, “đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả” (hay còn gọi là đăng ký quyền tác giả) theo quy định tại Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được hiểu là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời qua đó nhằm được pháp luật bảo vệ và đảm bảo quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm này.
Thứ hai, về Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả.
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu).
– Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả (02 bản).
– Trường hợp tác phẩm này do nhiều người cùng sáng tác thì phải có thêm văn bản đồng ý của các đồng tác giả.
– Trường hợp quyền tác giả thuộc sở hữu chung của nhiều người đồng sở hữu thì phải có thêm văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu chung quyền tác giả của tác phẩm này.
– Nếu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không tự mình nộp đơn mà ủy quyền cho người khác thì trong hồ sơ phải có Giấy ủy quyền.
– Trường hợp nếu một người được thừa hưởng quyền tác giả đối với tác phẩm từ người khác thông qua việc được thừa kế, thừa hưởng, chuyển giao và người này thực hiện việc trực tiếp nộp đơn thì sẽ cần phải có thêm giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn.
Những tài liệu được xác định ở trên, cụ thể như Giấy ủy quyền, hoặc Tài liệu chứng minh quyền tác giả, hoặc Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trường hợp thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra Tiếng Việt.
Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký quyền tác giả hợp lệ từ chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả ủy quyền thì trong thời hạn kể từ ngày nhận được hồ sơ,thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cụ thể là Cục Bản quyền tác giả) sẽ phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan này phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được xác định như một văn bằng bảo hộ, thể hiện sự bảo vệ của Nhà nước và pháp luật đối với quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với “đứa con tinh thần” do họ sáng tạo ra. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam và được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả.
Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy, mặc dù việc nộp hồ sơ để đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để cho chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả được hưởng quyền tác giả đối với sản phẩm, tác phẩm do mình sáng tạo ra, nhưng đó lại là căn cứ để pháp luật có thể nhận biết, xác định và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tránh được những hành vi lạm dụng, sao chép, cắt xén, xâm phạm đến tác phẩm – “đứa con tinh thần” mà tác giả đã sáng tạo nên. Chính bởi vậy, mỗi tác giả khi sáng tạo nên một tác phẩm nên thực hiện việc đăng ký quyền tác giả.
Dịch vụ pháp lý của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:
– Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ miễn phí qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 024.6294.9155
– Tư vấn về điều kiện đăng ký quyền tác giả.
– Tư vấn thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm văn học
– Tư vấn pháp luật về bảo hộ quyền tác giả.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691