Hệ thống pháp luật

Dấu hiệu pháp lý về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Ngày gửi: 14/01/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41847

Câu hỏi:

Dấu hiệu pháp lý về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cấu thành tội phạm ội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Dấu hiệu pháp lý về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cấu thành tội phạm ội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. 


Khi xem xét một hành vi vi phạm pháp luật có phải là tội phạm hay không chúng ta phải xem xét một cách tổng thể các yếu tố cấu thành tội phạm, tội phạm là tổng hợp thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan gồm những bộ phận cấu thành chúng. Cấu thành tội phạm được tạo thành tổng hợp các dấu hiệu pháp lý đặc trưng: mặt khách quan, khách thể, chủ thể, mặt chủ quan. Những dấu hiệu của của cấu thành tội phạm là căn cứ để xác định một hành vi vi phạm pháp luật nào đó có phải là tội phạm hay không, để từ đó làm cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

1. Khách thể của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị các hành vi phạm tội xâm hại đến. Khách thể trực tiếp của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là trật tự quản lí nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tội phạm này lại chủ yếu xâm phạm đến hoạt động điều tra, thu hồi tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có. Nhiều trường hợp hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đã gây ảnh hưởng đến việc điều tra phát hiện tội phạm, tạo điều kiện khuyến khích những người khác đi vào phạm tội, có trường hợp làm cho việc điều tra phát hiện bị bế tắc phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vì không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có.

2. Mặt khách quan của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài thế giới khách quan bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, công cụ phương tiện, phương pháp thủ đoạn, hoàn cảnh, địa điểm phạm tội.

2.1. Hành vi khách quan

Tội phạm này quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, khi xác định tội danh (định tội) cần chú ý: nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc chỉ thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì chỉ định tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” , hoặc tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không định tội như điều luật quy định chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì định tội là chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Chúng ta cần phân biệt rõ hai loại hành vi này để xác định rõ trách nhiệm pháp lý.

Thứ nhất là đối với hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản. Việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tang trữ các loại tài sản đó.

Thứ hai là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là trường hợp biết rõ tài sản có được là tài sản do người phạm tội nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu để người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội. Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Dù là tội chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu họ không hứa hẹn trước. Nếu người có hành vi hoặc tiêu thụ có hứa hẹn trước với người phạm tội thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà họ tiêu thụ.

Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải là người không hứa hẹn trước với người khác do phạm tội mà có tài sản đó. Nếu có căn cứ xác định người có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có lại là người đã hứa hẹn trước với người khác do phạm tội mà có được tài sản đó thì người có hành vi tiêu thụ tài sản đó là đồng phạm với người do phạm tội mà có được tài sản đó (người khác phạm tội gì thì người tiêu thụ tài sản phạm tội đó).

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

2.2 Hậu quả

Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không quy định hậu quả gây ra do hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gây ra cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.

2.3 Các dấu hiệu khách quan khác

Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố định khung hình phạt. Tuy nhiên, khi xác định hành vi tiêu thụ trong một số trường hợp cần chú ý: nếu người khác tuy có hành vi phạm tội nhưng hành vi đó chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng chưa cấu thành tội phạm.

3. Chủ thể của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt một độ tuổi nhất định và đã thực hiện một hành vi phạm tội. Trong đó, năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi ấy. Còn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm

Như vậy, chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên, đã thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngoài ra, đối với trường hợp người thực hiện hành vi tiêu thụ ở độ tuổi từ đủ 14 đến 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

4. Mặt chủ quan của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm. Đó là những biểu hiện về mặt tâm lý của người phạm tội, khi thực hiện hành vi phạm tội bao gồm lỗi, động cơ, mục đích

4.1. Dấu hiệu lỗi

Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý

Người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội.

Việc xác định người tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không là một vấn đề khó, vì họ không bao giờ tự nhận mình biết rõ tài sản mà họ tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có và thường khai rằng, nếu biết đó là của gian thì không bao giờ tiêu thụ cả. Vì vậy, để xác định người có hành vi tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có. Thông thường để xác định người tiêu thụ tài sản có biết rõ là tài sản do người khác phạm tội mà có phải căn cứ vào việc giao dịch giữa người tiêu thụ với người có tài sản.

Điều luật quy định “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” nhưng không vì thế mà cho rằng, người tiêu thụ tài sản phải biết người phạm tội là ai và họ phạm tội gì, mà chỉ cần biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tôi mà có.

Nhà làm luật quy định “do người khác phạm tội “mà không quy định “do phạm tội” là bảo đảm tính chuẩn xác. Vì nếu chỉ nói do phạm tội là chưa đủ vì hành vi phạm tội có thể do một tổ chức, cơ quan thực hiện. Mà theo quy định của Bộ luật hình sự thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức. Vì vậy, nếu người tiêu thụ tài sản không do người khác phạm tội mà có thì cũng không bị coi là hành vi phạm tội.

4.2. Động cơ phạm tội

Là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý. Động cơ phạm tội của loại tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở đây là động cơ vụ lợi.Mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn