Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/TM-XNK

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ HÀNG HOÁ CỦA CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA QUÁ CẢNH LÃNH THỔ VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về quá cảnh hàng hoá ký ngày 9-4-1994;
Căn cứ khoản 3, Điều 26, chương V, Nghị định 33/CP ngày 1-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;
Sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về hàng hoá của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2: Các vụ chức năng của Bộ Thương mại chịu trách nhiện phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành Quy chế.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 

 

Trương Đình Tuyển

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ HÀNG HOÁ CỦA CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA QUÁ CẢNH LÃNH THỔ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08 TM/XNK ngày 25-6-1994của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

Phần thứ nhất:

QUY ĐỊNH CHUNG

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng ý cho hàng hoá của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa gửi đi nước thứ ba và hàng hoá của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đưa về từ nước thứ ba qua lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo các quy định dưới đây:

1- Không được quá cảnh hàng hoá thuộc diện Việt Nam cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu.

2- Phải được Bộ Thương mại Việt Nam cấp giấy phép trên cơ sở đơn xin quá cảnh của chủ hàng phía Trung Quốc.

Đơn xin quá cảnh hàng hoá phải được Bộ mậu dịch và hợp tác Kinh tế đối ngoại Trung Quốc (hoặc cơ quan được Bộ mậu dịch và hợp tác Kinh tế đối ngoại uỷ quyền) xác nhận nội dung đơn và đề nghị Bộ Thương mại Việt Nam cấp giấy phép quá cảnh hàng hoá.

Sau 7 ngày, kể từ khi nhận được đơn, Bộ Thương mại Việt Nam có văn bản trả lời.

3- Phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi nhập khẩu, xuất khẩu, lưu kho và quá trình vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam.

4- Việc vận chuyển hàng hoá của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Quá cảnh Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.

5- Hàng hoá quá cảnh phải được vận chuyển theo đúng tuyến đường, đúng cửa khẩu, đúng thời gian quy định trong giấy phép và chịu sự giám sát của hải quan Việt Nam.

Thời gian hàng hoá quá cảnh được lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam tối đa là 60 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp có lưu kho, lưu bãi (theo điểm 6 dưới đây), có sự cố (theo múc II/Phần thứ tư).

6- Hàng quá cảnh cần lưu kho, lưu bãi tại Việt Nam phải được hải quan Việt Nam cho phép và chịu sự giám sát của hải quan Việt Nam.

7- Hàng hoá quá cảnh không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp đặc biệt phải được Bộ Thương mại Việt Nam cấp giấy phép cho nhập vào Việt Nam, phải làm thủ tục hải quan theo Quy chế hàng nhập khẩu mậu dịch, phải chịu thuế và các lệ phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

8- Lệ phí quá cảnh hàng hoá được nộp theo quy định của liên Bộ: Tài chính - Thương mại.

9- Hàng hoá quá cảnh được đi qua những cặp cửa khẩu mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc thống nhất mở cửa và đã thực sự mở, trước mắt là: Lào Cai - Hà Khẩu, Hữu nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng.

10- Các lệ phí và chi phí phát sinh từ hoạt động quá cảnh được thanh toán theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 06/TT-NH8 ngày 18-3-1994 "Hướng dẫn thực hiện Hiệp định thanh toán và hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

11- Những tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hợp đồng sẽ do doanh nghiệp giải quyết thông qua thương lượng, nếu thương lượng không đạt kết quả, sẽ do trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại công nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giải quyết.

Phần thứ hai:

QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ

Doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu quá cảnh hàng hoá phải:

1- Có đơn xin quá cảnh hàng hoá gửi tới Bộ Thương mại Việt Nam (theo mẫu số 01).

2- Sau khi nhận được văn bản cho phép của Bộ Thương mại Việt Nam (theo mẫu số 02) doanh nghiệp Trung Quốc mới được cùng doanh nghiệp Việt Nam (đã được Bộ Thương mại cho phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh) ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh (theo mẫu số 3).

3- Cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam đầy đủ thông tin, hàng hoá, về thời gian hàng tới cửa khẩu Việt Nam phương tiện vận chuyển hàng và cung cấp đầy đủ các chứng từ để doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục nhận hàng tại cửa khẩu (nhập) thủ tục vận chuyển hàng, thủ tục lưu kho, lưu bãi (nếu có) thủ tục giao hàng tại cửa khẩu (xuất).

4- Giao, nhận hàng quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam và hoặc tại cửa khẩu ghi ở điểm 9/Phần thứ nhất.

Phần thứ ba:

A/ VỀ THỦ TỤC XEM XÉT CHO PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH:

I- Đối tượng được xem xét cho phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc:

Doanh nghiệp Việt Nam đã được Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu và trong 2 năm (92-93) không mắc sai phạm gì, sẽ được Bộ Thương mại xem xét cho phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc sau đây:

1- Có chức năng giao nhận vận tải ngoại thương (ghi trong Quyết định thành lập ký trước ngày 1-7-1993) hoặc,

2- Thuộc các tỉnh có cửa khẩu nêu tại điểm 9/phần thứ nhất và thành phố Hải Phòng (mỗi tỉnh có cửa khẩu nêu tại điểm 9/phần thứ nhất và thành phố Hải Phòng được chỉ định một doanh nghiệp) hoặc,

3- Đã từng vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc, trong 2 năm gần nhất đạt trị giá (hàng quá cảnh) từ 20 triệu USD trở lên và/hoặc đã từng xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc theo giấy phép do Phòng cấp giấy phép xuất, nhập khẩu của Bộ Thương mại (dưới đây viết tắt là phòng giấy phép), cấp, trong hai năm 1992 - 1993 đạt từ 5 triệu USD trở lên.

Căn cứ vào nhu cầu quá cảnh hàng hoá của các doanh nghiệp Trung Quốc, vào khả năng vận chuyển hàng hoá quá cảnh của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Thương mại sẽ Quyết định số lượng doanh nghiệp được vận chuyển hàng quá cảnh một cách thích hợp, đảm bảo đạt hiệu quả nhất trong quản lý của Nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp.

II- Các doanh nghiệp tự xét thấy có đủ các điều kiện trên, nếu có nhu cầu vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho doanh nghiệp Trung Quốc, phải gửi tới Bộ Thương mại bộ hồ sơ gồm:

1- Đơn xin vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho doanh nghiệp Trung Quốc (theo mẫu số 4).

2- Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (bản photocoppy có công chứng).

3- Quyết định thành lập ký trước ngày 1-7-1993 (nếu thuộc đối tượng 1 nêu tại điểm 1/I trên).

4- Văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ định doanh nghiệp trên địa bàn và đề nghị Bộ Thương mại chấp thuận cho doanh nghiệp được vận chuyển hàng hoá quá cảnh (nếu thuộc đối tượng 2 nêu tại điểm I/2 trên).

5- Báo cáo quá trình vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc, quá trình xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc (theo mẫu số 05 nếu thuộc đối tượng 3 nêu tại điểm I/3 trên).

Trong vòng 7 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thương mại sẽ có văn bản trả lời (theo mẫu số 06).

B/ VỀ HỒ SƠ THEO QUY TRÌNH THỰC HIỆN:

I- Doanh nghiệp phải nộp cho Phòng Giấy phép các văn bản sau đây:

1.1- Loại văn bản có giá trị cho nhiều lần trong một thương vụ:

1.1.1- Văn bản của Bộ Thương mại cho phép doanh nghiệp Việt Nam được vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc (bản photocoppy).

1.1.2- Văn bản của Bộ Thương mại cho phép doanh nghiệp Trung Quốc quá cảnh hàng hoá (bản photocoppy).

1.1.3- Hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh do doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp Trung Quốc (bản chính).

Trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh do doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp Trung Quốc phải có điều khoản: doanh nghiệp Trung Quốc uỷ quyền cho doanh nghiệp Việt Nam nhận hàng tại...... (cửa khẩu hàng hoá quá cảnh nhập vào Việt Nam).

Số hiệu hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh phải có thêm chữ QC (ví dụ hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh giữa Công ty A (Việt Nam) với Tổng công ty B (Trung Quốc) trước đây chỉ ghi số 01, nay phải thêm chữ QC (viết tắt của chữ quá cảnh) vào sau hàng số trên thành 01/QC). Số hiệu này phải được ghi vào vận tải đơn (phần consignee).

1.2- Loại văn bản chỉ có giá trị cho một lần giao, nhận hàng:

1.2.1- Vận tải đơn (bản coppy).

1.2.2- Hoá đơn thương mại (invoice) do doanh nghiệp bán hàng ở nước thứ ba lập đòi tiền doanh nghiệp Trung Quốc hoặc do doanh nghiệp Trung Quốc lập đòi tiền doanh nghiệp mua hàng ở nước thứ ba (bản coppy).

1.2.3- Phiếu đóng gói hàng hoá - Packing litst (bản chính).

Phòng Giấy phép kiểm tra các văn bản trên, nếu thấy hợp lệ thì cấp giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho từng chuyến hàng (theo mẫu số 07).

2- Doanh nghiệp phải nộp cho Hải quan cửa khẩu nhập hàng các văn bản sau:

2.1- Giấy phép quá cảnh hàng hoá do Phòng giấy phép cấp (bản chính).

2.2- Hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh nêu tại điểm 1.1.3 có đóng dấu "Đã đăng ký" của Phòng giấy phép (bản photocopy có công chứng).

2.3- Vận tải đơn đã nêu tại điểm 1.2.1 (bản photocopy có công chứng).

2.4- Hoá đơn thương mại đã nêu tại điểm 1.2.2 (bản photocopy có công chứng).

2.5- Phiếu đóng gói hàng hoá đã nêu tại điểm 1.2.3 (bản photocoppy có công chứng).

2.6- Nếu hàng hoá quá cảnh là ôtô tự hành, phải thêm giấy phép lưu hành tạm thời do công an tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có cửa khẩu nhập hàng quá cảnh, cấp (bản photocopy có công chứng).

2.7- Nếu hàng hoá quá cảnh có lưu kho, lưu bãi, phải thêm văn bản do Cục trưởng Cục giám quản Tổng cục Hải quan ký xác nhận cho phép lưu kho, lưu bãi (bản chính).

Căn cứ vào các văn bản trên, hải quan cửa khẩu nhập hàng cho làm các thủ tục hải quan để nhập hàng và vận chuyên hàng tới cửa khẩu xuất hàng.

Trường hợp hàng hoá quá cảnh đi thẳng (không lưu kho, lưu bãi) chứa trong phương tiện vận chuyển chuyên dùng thì hải quan cửa khẩu nhập hàng tiến hành niêm phong, cặp chì trước khi cho vận chuyển; trường hợp hàng hoá không có điều kiện như trên để niêm phong, cặp chì hoặc hàng rời thì hải quan cửa khẩu nhập hàng cử nhân viên áp tải. Trường hợp hàng hoá quá cảnh có lưu kho, việc hải quan áp tải hàng từ cửa khẩu nhập đến kho hàng là bắt buộc và hải quan thực hiện việc giám sát kho hàng này theo quy định của pháp luật hải quan Việt Nam.

Hải quan cửa khẩu xuất hàng căn cứ vào tờ khai hàng nhập có xác nhận của hải quan cửa khẩu nhập để tiến hành đối chiếu với giấy phép và bộ chứng từ, kiểm tra tình trạng niêm phong, cặp chì. Nếu thấy niêm phong, cặp chì nguyên vẹn thì làm thủ tục cho xuất hàng qua cửa khẩu. Nếu thấy niêm phong, cặp chì không nguyên vẹn thì lập biên bản, kiểm tra hàng hoá (chỉ đối với số hàng mà niêm phong, cặp chì không nguyên vẹn), trường hợp thực tế hàng hoá đúng với bộ chứng từ thì làm thủ tục cho xuất hàng qua cửa khẩu; trường hợp thực tế hàng hoá không đúng với bộ chứng từ thì không cho xuất, lập biên bản vi phạm, tiến hành niêm phong lại và giao cho doanh nghiệp Việt Nam bảo quản hiện trạng hàng hoá, khi cần thiết thì lập biên bản tạm giữ hàng hoá và báo cáo Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại xử lý. Doanh nghiệp Việt Nam phải tạo điều kiện và chịu các phí tổn liên quan đến việc hải quan kiểm tra hàng hoá.

Việc áp tải hàng hoá từ cửa khẩu nhập tới cửa khẩu xuất được thực hiện theo quy định của Tổng cục Hải quan. Doanh nghiệp phải nộp các khoản lệ phí hải quan theo quy định tại Thông tư liên Bộ: Tài chính - Hải quan số 31/TTLB ngày 7-4-1993.

3- Doanh nghiệp cần có các văn bản sau đây để xuất trình với các cơ quan kiểm tra, kiểm soát trong quá trình vận chuyển:

3.1- Giấy phép quá cảnh hàng hoá nêu tại điểm 2.1 (bản chính).

3.2- Tờ khai hải quan (bản chính).

3.3- Hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh nêu tại điểm 1.1.3 có đóng dấu "đã đăng ký" của Phòng giấy phép (bản photocopy có công chứng).

3.4- Phiếu đóng gói hàng hoá nêu tại điểm 1.2.3 (bản photocopy có công chứng).

3.5- Nếu hàng quá cảnh là ô tô tự hành, phải thêm giấy phép lưu hành tạm thời nêu tại điểm 2.6 (bản photocopy có công chứng).

3.6- Nếu hàng hoá quá cảnh có lưu kho, phải thêm văn bản do Cục trưởng Cục giám quản Tổng cục Hải quan ký xác nhận cho phép lưu kho (bản photocopy có công chứng).

4- Doanh nghiệp chỉ phải nộp cho ngân hàng (nơi doanh nghiệp mở tài khoản) một bản hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh nêu tại điểm 1.1.3 có đóng dấu "đã đăng ký" của Phòng giấy phép (bản photocopy có công chứng) khi làm thủ tục thanh toán.

Phần thứ tư:

MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

I- Trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc vì lý do khách quan trả lại hàng cho doanh nghiệp nước thứ ba thì mọi thủ phải làm lại từ đầu: từ khâu doanh nghiệp Trung Quốc có đơn xin quá cảnh hàng hoá (theo mẫu số 01), ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh với doanh nghiệp đã được Bộ Thương mại Việt Nam cho phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh (theo mẫu số 03) đến khâu doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá quá cảnh phải nộp và xuất trình hồ sơ theo quy trình thực hiện như đã quy định tại điểm B Phần thứ ba.

II- Trường hợp hàng hoá quá cảnh có sự cố (đổ vỡ, mất mát...) trong quá trình vận chuyển, doanh nghiệp Việt Nam phải cùng nhân viên hải quan áp tải xin hải quan (nơi nào không có hải quan thì xin chính quyền từ cấp xã trở lên) nơi xảy ra sự cố lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hoá.

Riêng ôtô, sau khi lập biên bản xong, nếu vẫn tự hành được thì cho tiếp tục tự hành, nếu không tự hành được thì phải cho lên phương tiện vận chuyển khác để đưa đến cửa khẩu xuất hàng.

III- Cấm tiêu thụ hàng hoá quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ Thương mại chỉ xem xét việc cho phép tiêu thụ hàng hoá quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam khi nhận được văn bản của doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị cho bán và văn bản của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đề nghị cho mua số hàng hoá này.

Nếu hàng hoá này thuộc danh mục các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, còn phải có thêm văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành cho phép doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng hoặc kinh doanh mặt hàng đó ở trong nước (bản chính). Trường hợp Bộ Thương mại chấp thuận doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc mới ký hợp đồng mua bán ngoại thương (theo quy định số 299/TMDL-XNK ngày 9-4-1992 của Bộ Thương mại và Du lịch - nay là Bộ Thương mại).

Doanh nghiệp Việt Nam nộp cho Phòng giấy phép phụ trách khu vực:

1- Văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại.

2- Hợp đồng, mua bán ngoại thương ký với doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu thấy hợp đồng mua bán ngoại thương hợp lệ, Phòng giấy phép sẽ cấp giấy phép nhập khẩu hàng hoá để doanh nghiệp Việt Nam tới hải quan làm thủ tục và nộp thuế nhập khẩu theo các quy định hiện hành.

IV- Sau mỗi đợt hoàn thành việc giao hàng cho doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi về Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan báo cáo tình hình và kết quả thực hiện.

V- Trong quá trình thi hành Quy chế, các doanh nghiệp Việt Nam, các Phòng giấy phép và hải quan các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có quyền đề xuất với Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan các biện pháp quản lý hữu hiệu nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, vừa tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước quản lý được tốt hoạt động quá cảnh hàng hoá và vận chuyển hàng hoá quá cảnh.

VI- Tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định trong bản Quy chế này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.

VII- Quy chế này thay thế Quy định tạm thời số 4795/TN-XNK ngày 31-7-1991 của Bộ Thương nghiệp "Về kinh doanh dịch vụ thủ tục hàng quá cảnh lãnh thổ Việt Nam" và có hiệu lực từ ngày 25 tháng 6 năm 1994.

MẪU SỐ 01: ĐƠN

........ngày....tháng...năm...

ĐƠN XIN QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ

Số....../

Kính gửi: Bộ Thương mại

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

I- Chủ hàng...........................(doanh nghiệp Trung Quốc ghi rõ tên, địa chỉ, telephone, Telex, FAX, số hiệu tài khoản tại ngân hàng).

Xin Bộ Thương mại (Phòng giấy phép) cho phép quá cảnh hàng hoá theo các điều sau đây:

1- Tên hàng:..................................................

2- Số lượng (ghi rõ đơn vị tính):.............................

3- Trị giá:...................................................

4- Bao bì và ký mã hiệu:......................................

5- Cửa khẩu nhập hàng:........................................

6- Cửa khẩu xuất hàng:........................................

7- Tuyến đường vận chuyển:....................................

8- Phương tiện vận chuyển:....................................

9- Thời điểm quá cảnh (dự kiến ngày hàng hoá quá cảnh đến, ngày hàng hoá quá cảnh ra khỏi cửa khẩu Việt Nam).

Trường hợp vì lý do bất khả kháng, hàng hoá đến cửa khẩu nhập không đúng như dự kiến, doanh nghiệp sẽ có văn bản gửi tới Bộ thương mại trình bày rõ lý do và nêu thời điểm dự kiến mới, văn bản này là bộ phận không tách rời đơn xin giấy phép quá cảnh.

II- Dự kiến ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh với........

(doanh nghiệp Việt Nam ghi đầy đủ như phần I)

III- Cam kết..................................... (tên chủ hàng) xin cam kết tuân thủ luật pháp Việt Nam về quá cảnh hàng hoá ......... ..................................(tên chủ hàng) xin trân trọng cảm ơn Bộ Thương mại.

Ký tên và đóng dấu

(ghi rõ chức danh người ký)

Bộ Mậu dịch và hợp tác

kinh tế đối ngoại Trung Quốc

(hoặc cơ quan được Bộ Mậu dịch

và Hợp tác kinh tế do Trung Quốc

uỷ quyền)

Xác nhận phần I trong đơn này là có thật, đề nghị Bộ Thương mại Việt Nam cấp giấy phép quá cảnh hàng hoá cho doanh nghiệp.........................

(tên doanh nghiệp Trung Quốc)

Ghi chú: Nếu đơn viết bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc... thì phải có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo. Bản dịch cũng có giá trị pháp lý như bản gốc.

MẪU SỐ 02

VĂN BẢN CỦA BỘ THƯƠNG MẠI CHO PHÉP DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ BỘ THƯƠNG MẠI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số /TM-XNK ......, ngày....tháng...năm...

V/v quá cảnh hàng hoá.

Kính gửi: ................(doanh nghiệp Trung Quốc xin quá cảnh hàng hoá)

- Trả lời đơn xin quá cảnh hàng hoá của ......................... (doanh nghiệp Trung Quốc ghi rõ tên, địa chỉ, telephone, telex, fax, số hiệu tài khoản tại Ngân hàng), Bộ Thương mại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép............................. (doanh nghiệp Trung Quốc) quá cảnh hàng hoá theo các quy định sau đây:

1- Tên hàng:

2- Sốlượng (ghi rõ đơn vị tính):

3- Trị giá:

4- Bao bì và ký mã hiệu:

5- Cửa khẩu nhập hàng:

6- Cửa khẩu xuất hàng:

7- Tuyến đường vận chuyển:

8- Phương tiện vận chuyển:

9- Thời điểm quá cảnh (dự kiến ngày hàng hoá quá cảnh đến, ngày hàng hoá quá cảnh ra khỏi cửa khẩu Việt Nam):

10- Tuân thủ pháp luật Việt Nam về quá cảnh hàng hoá.

Văn bản này có hiệu lực đến ngày...tháng... năm 199..

Bộ trưởng Bộ Thương mại

(Ký tên đóng dấu)

MẪU SỐ 03: HỢP ĐỒNG

HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

Số......../QC

Hôm nay, ngày....tháng...năm... tại.................., gồm có:

Bên A (doanh nghiệp Trung Quốc): (ghi đầy đủ, tên quốc tế, tên điện tín)

- Địa chỉ: (ghi theo địa chỉ bưu điện).........................

- Tel........... Telex.........................................

- Fax..........................................................

- Tài khoản ngoại tệ số:.......................................

tại Ngân hàng (ghi cả tên và địa chỉ).

- Do ông (bà): (nếu không phải là Giám đốc thì phải có giấy uỷ quyền của Giám đốc, và phải thêm câu "theo giấy uỷ quyền số.... ngày......").

Bên B: (doanh nghiệp Việt Nam): (ghi tên đầy đủ, tên quốc tế, tên điện tín).

- Địa chỉ (ghi theo địa chỉ bưu điện).........................

- Tel............................. Telex.................................

- FAX.....................................................................

- Tài khoản ngoại tệ số:............................................

tại Ngân hàng (ghi cả tên và địa chỉ)

- Do ông (bà): (nếu không phải là giám đốc thì phải có giấy uỷ quyền của giám dốc, và phải thêm câu "theo giấy uỷ quyền số...... ngày.............".

Đã thoả thuận ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh theo các điều khoản sau đây:

Điều 1: Hàng hoá

Bên A uỷ quyền bên B tiếp nhận hàng nhập khẩu từ.............. (nước thứ ba) tại cửa khẩu.................................... và thuê bên B vận chuyển số hàng này từ cửa khẩu.............. quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tới cửa khẩu...................... hàng hoá gồm những loại sau đây:

Tên hàng

Đơn vị tính

Số lượng

Trị giá

Ví dụ:

 

 

 

- Nguyên liệu công nghiệp

tấn

5.000

11.600.000,00 USD

- Máy điều hoà nhiệt độ

chiếc

4.000

2.000.000,00 USD

Tổng giá trị:

13.600.000,00 USD

Điều 2: Cửa khẩu nhập hàng:..................................... Cửa khẩu bên B giao hàng cho bên A:.....................

Điều 3: Tuyến đường vận chuyển: ................................

Điều 4: Phương tiện vận chuyển:.................................

Điều 5: Trách nhiệm của mỗi bên:

1- Trách nhiệm của bên A:

1.1- Mua hàng và đưa hàng đến cửa khẩu ............... (Việt Nam). Bao bì phải phù hợp với tính chất hàng hoá và phù hợp với điều kiện vận chuyển bằng ô tô, tàu hoả trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2- Cung cấp cho bên B đầy đủ thông tin về hàng hoá về thời gian hàng tới cửa khẩu Việt Nam, phương tiện vận chuyển hàng.

1.3- Gửi cho bên B các chứng từ dưới đây để bên B làm các thủ tục liên quan đến việc nhận hàng tại cửa khẩu nhập, thủ tục vận chuyển hàng, thủ tục giao hàng tại cửa khẩu xuất.

+ Hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương ký với khách hàng ở nước thứ ba hoặc tín dụng thư (L/C).

+ Vận tải đơn (bản coppy).

+ Hoá đơn thương mại - invoice do doanh nghiệp bán hàng nước thứ ba lập đòi tiền bên A (bản copy).

+ Phiếu đóng gói hàng hoá - Packing list (bản chính)

1.4- Thanh toán cho bên B (theo nguyên tắc thực chi - thực thanh hoặc khoán trọn gói) các khoản chi phí liên quan đến việc dỡ hàng, kiểm đến, giám định (số lượng, chất lượng) lưu kho - bãi, sửa chữa hàng hoá, bao bì, tái chế, đóng gói hàng đổ vỡ, khiếu nại đòi bồi thường, vận chuyển từ ................. (cửa khẩu nhập hàng) tới...... ...................... (cửa khẩu giao hàng).

1.5- Thanh toán cho bên B tiền công vận chuyển hàng hoá quá cảnh (theo số tuyệt đối hoặc theo % giá trị lô hàng).

2- Trách nhiệm của bên B:

2.1- Làm các thủ tục phù hợp với luật pháp Việt Nam để tiếp nhận hàng tại ................... (cửa khẩu nhập hàng) và vận chuyển hàng qua lãnh thổ Việt Nam để giao cho bên A tại ...................... (cửa khẩu giao hàng), bao gồm các việc như đã nêu tại điểm 1.4 Điều 5. 2.2- Đảm bảo an toàn cho hàng hoá từ khi đến.................... (cửa khẩu nhập hàng) cho đến khi giao tại....................... (cửa khẩu giao hàng).

2.3- Làm mọi thủ tục cần thiết nhằm hạn chế tổn thất hàng hoá, gửi cho bên A các chứng từ liên quan đến việc khiếu nại đòi bồi thường (nếu có).

2.4- Giúp bên A làm thủ tục phù hợp với luật pháp Việt Nam cho người và phương tiện của bên A nhập cảnh và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam để chuẩn bị tiếp nhận hàng.

Điều 6: Điều khoản thanh toán

- Khi hàng đến................(cửa khẩu nhập hàng) bên A phải ứng trước cho bên B ....% số tiền chi phí nêu tại điểm 1.4 Điều 5, và trả trước cho bên B ...% số tiền công nêu tại điểm 1.5 Điều 5.

- Số tiền còn lại sẽ được thanh toán trước khi xếp hàng lên phương tiện của bên A tại ..............(cửa khẩu giao hàng).

- Loại tiền dùng để thanh toán:..........................

- Phương thức thanh toán:................... (theo hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Điều 7: Giải quyết tranh chấp:

Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết theo hình thức thương lượng, hoà giải giữa bên A và bên B. Trường hợp hai bên không tự hoà giải được, việc tranh chấp sẽ được đưa ra xét xử tại trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8: Điều khoản chung:

Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã ghi trong Hợp đồng này, trên cơ sở bình đằng, cùng có lợi. Mọi phát sinh trong quá trình thực hiện sẽ được thoả thuận bằng các văn bản bổ sung và các văn bản bổ sung này là một bộ phận không thể tách rời hợp đồng chính.

Hợp đồng này được lập thành 04 bản, 02 bản bằng tiếng lào, 02 bản bằng tiếng Việt Nam, cả 4 bản đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đại diện bên B Đại diện bên A

Ghi chú: Trên cơ sở mẫu này, tuỳ tình hình thực tế, các doanh nghiệp được phép thêm, bớt một số điểm không cơ bản.

MẪU SỐ 04: ĐƠN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

......., ngày....tháng...năm...

ĐƠN XIN VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

Số...../....

Kính gửi: Bộ Thương mại

Căn cứ các quy định trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 01163/TM-XNK, ngày 20 tháng 09 năm 1994 (viết tắt là Quy chế số 1163/TN-XNK, của Bộ Thương mại, .................... (doanh nghiệp ghi rõ tên, địa chỉ, telephone, telex, fax, số hiệu tài khoản tại ngân hàng).

Tự xét thấy đã đạt các điều kiện..................... (ghi rõ đạt tất cả các điều kiện hay chỉ đạt điều kiện nào?)

Đề nghị Bộ thương mại cho phép ........................(tên doanh nghiệp) được vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Kèm đơn này có các loại giấy tờ ..................(ghi đúng tên giấy tờ theo quy chế).

....................(tên doanh nghiệp) xin cam đoan chấp hành đúng các quy định trong Quy chế số 1163/TM-XNK của Bộ Thương mại và luật pháp của Nhà nước về vận chuyển hàng hoá quá cảnh và xuất, nhập khẩu hàng hoá.

.......................(tên doanh nghiệp) xin trân trọng cảm ơn Bộ Thương mại.

Ký tên và đóng dấu

(Ghi rõ chức danh người ký)

MẪU SỐ 05:

BÁO CÁO QUÁ TRÌNH QUAN HỆ VỚI DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

.......ngày....tháng...năm 199...

BÁO CÁO QUÁ TRÌNH QUAN HỆ VỚI DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC

Số...../...

Kính gửi: Bộ Thương mại

..................(tên doanh nghiệp) xin báo cáo quá trình vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc, việc thực hiện các hợp đồng mua bán ngoại thương, tính tới ngày.... tháng.... năm ... như sau:

A/ Quá trình vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc:

1- Năm .....(báo cáo hai năm gần nhất)

2- Tên doanh nghiệp Trung Quốc (có giá trị hàng quá cảnh từ 1 triệu USD trở lên).

3- Tên hàng, số lượng, trị giá

4- Cửa khẩu nhập hàng, cửa khẩu xuất hàng

5- Phương tiện vận chuyển

6- Hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh được thực hiện từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm.

B/ Quá trình xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc:

1- Năm ...............(báo cáo hai năm gần nhất, trong đó có năm 1993).

2- Tên doanh nghiệp Trung Quốc (có giá trị hàng xuất khẩu từ 200.000 USD trở lên).

3- Tên hàng, số lượng, trị giá.

4- Điều kiện giao hàng.

5- Phương tiện vận chuyển.

6- Hợp đồng xuất khẩu được thực hiện từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm.

C/ Tự nhận xét đánh giá tình hình thực hiện. Cam đoan vừa qua không mắc sai phạm.

Ký tên và đóng dấu

(ghi rõ chức danh người ký)

Ghi chú: Doanh nghiệp có thể báo cáo cả phần A và phần B nếu có thực hiện cả hai phần.

MẪU SỐ 06:

VĂN BẢN CỦA BỘ THƯƠNG MẠI CHO PHÉP DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

BỘ THƯƠNG MẠI

Số /TM-XNK .....

V/v vận chuyển hànghoá quá cảnh.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

……..ngày.... tháng... năm...

 

Kính gửi: ................(doanh nghiệp Việt Nam
xin vận chuyển hàng hoá quá cảnh

Căn cứ Quy chế "Về hàng hoá của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam" ban hành kèm theo Quyết định số 01163/TM-XNK ngày 20 tháng 9 năm 1994 (viết tắt là Quy chế số 1163/TM-XNK) của Bộ Thương mại;
Căn cứ ý kiến của ............................tại công văn số.... ngày.......tháng...năm 19... về việc................................. ..................................................................... Xét đơn xin vận chuyển hàng hoá quá cảnh số .../ ngày...tháng...năm 199... của....................(tên doanh nghiệp) Bộ Thương mại cho phép.............(tên doanh nghiệp) được vận chuyển hàng hoá quá cảnh theo đúng các văn bản của Bộ Thương mại cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc quá cảnh hàng hoá.
...................(tên doanh nghiệp) phải chấp hành đúng các quy định trong Quy chế số 1163/TM-XNK của Bộ Thương mại và luật pháp của Nhà nước về vận chuyển hàng hoá quá cảnh và xuất, nhập khẩu hàng hoá.
Văn bản này có hiệu lực đến ngày...tháng .. năm 199..

Bộ trưởng Bộ Thương mại

(Ký tên đóng dấu)

MẪU SỐ 07:

GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

Số...../QC cấp ngày.../../199.. có hiệu lực tới ngày..../.../199.

Chủ hàng

(tên, dịa chỉ)

Doanh nghiệp vận chuyển

(tên, địa chỉ)

Văn bản của Bộ Thương mại

vận chuyển hàng hoá quá cảnh

Số.../TM-XNK ngày / /19

Văn bản của Bộ Thương mại

vận chuyển hàng hoá quá cảnh

Số.../TM-XNK ngày / /19

Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số............. QC, ký ngày.... tháng.... năm 199....

Cửa khẩu nhập hàng..................... Tuyến đường.........

Cửa khẩu xuất hàng.....................Phí vận chuyển.......

Tên hàng

Số lượng

Đơn giá

Trị giá

 

 

 

 

Doanh nghiệp vận chuyển

(Ký tên, đóng dấu)

Phòng giấy phép xuất nhập khẩu

(Ký tên, đóng dấu)

Hải quan cửa khẩu nhập hàng

Tờ khai số.. ngày../../199...

Thực nhập:

Thực xuất:

Tình hình khác:

Hải quan cửa khẩu nhập hàng

Tờ khai số.. ngày../../199...

Thực nhập:

Thực xuất:

Tình hình khác:

Ghi chú: